Kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ được tháo gỡ từ chính sách tỷ giá mới

"Trước đây, tỷ giá cố định nên ngân hàng thường nghe ngóng và tiết cung. Nay với chính sách tỷ giá mới mang tính chất thị trường hơn, kỳ vọng nút thắt khó khăn về nguồn cung ngoại tệ sẽ được tháo gỡ."
Kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ được tháo gỡ từ chính sách tỷ giá mới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

"Trước đây, tỷ giá cố định nên nhiều ngân hàng thường nghe ngóng và hạn chế cung ra thị trường. Nay với chính sách tỷ giá mới mang tính chất thị trường hơn, kỳ vọng nút thắt khó khăn về nguồn cung ngoại tệ sẽ được tháo gỡ," ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đánh giá về cách tính tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước.

Bắt đầu từ ngày 4/1, Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày. Theo đó, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam (VND) với đô la Mỹ (USD) do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày là cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của đồng Việt Nam với đô la Mỹ.

Theo ông Năm, cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là có lợi cho doanh nghiệp bởi gần như tỷ giá đã theo thị trường.

“Hơn nữa, việc áp dụng cách tính mới có thể thuận lợi hơn cho việc tính toán giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu, vì tỷ giá được áp dụng ngay lập tức mà không cần đợi tới đợt điều chỉnh tỷ gần nhất mới có thể làm căn cứ tính giá,” ông Năm nói.

May mặc là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, theo đó chính sách thay đổi tỷ giá có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành.

Theo bà Đặng Phương Dung, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), lâu nay tỷ giá thường ít biến động nên những người làm công tác quản lý và tài chính của doanh nghiệp thường ít phải “động não”, ít phải suy nghĩ. Nhưng bây giờ, doanh nghiệp sẽ phải có bộ phận làm chuyên môn về việc này, để nghiên cứu và dự báo giá cả của thị trường, xem xu hướng và sự biến động của đồng tiền từ đó lên kế hoạch sử dụng nguồn vốn.

"Việc doanh nghiệp thường xuyên nghiên cứu biến động của tỷ giá để có thể sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan. Nếu không mua rẻ bán đắt thì thiệt, ​do đó, họ bắt buộc phải nghiên cứu thị trường tỷ giá, đồng tiền yếu hay mạnh sẽ do thị trường quyết định," bà Dung phân tích.

Cũng theo bà Dung, chính sách mới cũng có tác động tích cực đến việc giảm nhập siêu, cụ thể, chính sách đồng tiền mạnh lâu nay sẽ được điều chỉnh, nên người nhập khẩu cũng phải tính toán lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình ​tránh rủi ro khi mua bán ngoại tệ.

"Tóm lại việc này có tác động tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu, làm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu. Họ sẽ chủ động thời điểm bán ra và mua vào ngoại tệ. Điều này rất quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu," bà Dung ​đánh giá.

Song, dưới góc nhìn của người nghiên cứu chính sách, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cơ chế điều hành này, trước mắt biến động tỷ giá sẽ không đáng kể vì về bản chất không khác trước nhiều. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước vẫn công bố tỷ giá hối đoái trung tâm và chỉ căn cứ một phần vào diễn biến cung cầu ngoại tệ trên thị trường.

“Quyền tự định của Ngân hàng Nhà nước vẫn là chính trong việc xác định tỷ giá hối đoái trung tâm và biên độ giao động vẫn là 3%. Vì vậy trước mắt tác động đến các chỉ số vĩ mô không nhiều. Đương nhiên tác động vi mô đến doanh nghiệp là có. Cụ thể, nhà đầu tư, doanh nghiệp xuất-nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng do tỷ giá biến động nhiều hơn hàng ngày,”  ông Thành nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục