Kỳ vọng tân Thủ tướng tạo được "dấu ấn của nhiệm kỳ"

Đại biểu mong muốn Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tạo được "dấu ấn của nhiệm kỳ", phát huy tốt vai trò, bản lĩnh chính trị, kế thừa những thành tựu của Thủ tướng tiền nhiệm.
Kỳ vọng tân Thủ tướng tạo được "dấu ấn của nhiệm kỳ" ảnh 1Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội khoá XIII (sáng 6/4/2016). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, ngày 6/4, Quốc hội tiến hành quy trình miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ; trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ mới.

Bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ qua đã tạo được nhiều dấu ấn, giúp đất nước vượt qua khó khăn, thách thức; đồng thời kỳ vọng người đứng đầu Chính phủ trong nhiệm kỳ mới sẽ phát huy những thành quả đã đạt được, đoàn kết, nhất trí với các thành viên Chính phủ để xây dựng đất nước phát triển về mọi mặt.

Đại biểu Đinh Huy Chiến (Thái Nguyên) đánh giá nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện được vai trò cá nhân của mình về bản lĩnh chính trị, trách nhiệm trong công tác đối nội, đối ngoại, đưa đất nước vượt qua những khó khăn về kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế một cách tự tin, có hiệu quả.

Có thể khẳng định Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã để lại dấu ấn rất quan trọng cho đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện rõ vai trò của người đứng đầu Chính phủ trong việc có những chính kiến về bảo vệ chủ quyền đất nước.

Đại biểu mong muốn Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tạo được "dấu ấn của nhiệm kỳ", phát huy tốt vai trò, bản lĩnh chính trị, kế thừa những thành tựu của Thủ tướng tiền nhiệm, thực hiện tốt trách nhiệm đối nội, đối ngoại, phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước, bảo đảm an sinh xã hội và đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế bền vững, thịnh vượng, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân có cơ hội đầu tư phát triển.

Đồng ý kiến, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) nhận định: Nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã có nhiều cố gắng để "chèo lái con thuyền" kinh tế xã hội của đất nước trụ vững trước sóng gió và đặc biệt trong năm 2015 đã có đột phá, duy trì được tăng trưởng cao so với những năm trước. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ đã nhìn nhận một cách nghiêm túc, chỉ rõ 9 kết quả đạt được và 9 hạn chế cần khắc phục. Có thể nói, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, nhiệm kỳ mới, bên cạnh những mặt thuận lợi, đất nước ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, chính trị xã hội, giữ vững chủ quyền biển đảo... Vì vậy nhiệm vụ của Chính phủ khá nặng nề.

Đại biểu nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, Chính phủ cần đoàn kết, tập hợp các lực lượng trong xã hội, tạo lập được đoàn kết toàn dân, đó là sức mạnh vững bền nhất, bởi như đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đã khẳng định - Đó chính là "nỏ thần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc."

Đại biểu mong muốn Chính phủ khóa mới sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chính, bình tĩnh xử lý những vấn đề về ngân sách bằng việc cắt giảm chi tiêu công, tiết kiệm; tinh giản bộ máy; tập trung vào nguồn lực để phát triển kinh tế; chỉnh đốn lại bộ máy để phục vụ nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự là công bộc của nhân dân; đẩy lùi và chấm dứt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Để làm tốt những điều trên, Chính phủ khóa mới, đặc biệt là Thủ tướng cần phải biết trọng dụng nhân tài. Trong lịch sử đất nước cũng như kinh nghiệm các nước cho thấy nếu như biết trọng dụng nhân tài sẽ khơi dậy sức mạnh. Tài nguyên thiên nhiên có thể hết nhưng nhân tài là thứ tài nguyên đặc biệt, càng khai thác càng có tác dụng. Chỉ khi nào biết trọng nhân tài thì đất nước sẽ cất cánh - đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Thể hiện sự kỳ vọng đối với Chính phủ khóa mới, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu rõ: Tình hình đất nước ta hiện nay đặt ra rất nhiều vấn đề, trong đó, có hai vấn đề lớn mà nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới và các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan cần quan tâm đó là: Chống giặc nội xâm và ngoại xâm. Đại biểu phân tích: Giặc nội xâm chính là tình trạng tham nhũng tiêu cực. Nếu không làm tốt điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia, xói mòn lòng tin của nhân dân đối với bộ máy Nhà nước hiện nay.

Đại biểu nhấn mạnh: Trong 5 năm tới, đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, bởi những động lực của tăng trưởng đang giảm dần. Các đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước mong muốn Thủ tướng nhiệm kỳ mới trên tinh thần phê bình và tự phê bình của nhiệm kỳ Chính phủ khóa cũ, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, yếu kém, đóng vai trò kiến tạo, tạo luồng sinh khí mới đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển về mọi mặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục