Kỳ vọng về luồng gió mới trên chính trường Nhật

Chính phủ mới sẽ cố thoát khỏi ảnh hưởng của cựu Tổng Thư ký DPJ nhưng chính sách đối ngoại của Nhật được nhận định sẽ không thay đổi nhiều.
Cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Naoto Kan ngày 4/6 đã được Quốc hội bầu làm Thủ tướng thứ 94 ở nước này, sau khi ông giành chiến thắng áp đảo trước Hạ nghị sỹ trẻ Shinji Tarutoko trong cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ).

Theo các chuyên gia phân tích, chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Kan chắc chắn sẽ cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của cựu Tổng Thư ký DPJ Ichiro Ozawa - nhân vật quyền lực nhất trong đảng này, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực khôi phục sự lành mạnh tài chính trong bối cảnh nợ công của Nhật Bản đã tới ngưỡng nguy hiểm.

Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Nhật Bản dưới chính quyền mới được nhận định sẽ không thay đổi nhiều.

Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch DPJ, ông Kan khẳng định sẽ nỗ lực xây dựng DPJ trong sạch, “tạo ra môi trường chính trị không có các vụ bê bối tiền bạc” để giành lại niềm tin của cử tri đối với đảng này trước cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nhiều lãnh đạo chóp bu trước đây của DPJ, trong đó có cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama và Tổng Thư ký Ozawa, từng dính líu vào các vụ bê bối quỹ chính trị.

Tân Thủ tướng Kan dự định sẽ bổ nhiệm cựu Quốc vụ khanh phụ trách chiến lược quốc gia Yoshito Sengoku, một người thuộc phe chống ông Ozawa, làm Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản. Đây có thể là một nỗ lực của tân Thủ tướng nhằm tạo ra hình ảnh một chính phủ mới không bị chi phối bởi ông Ozawa.

Bên cạnh đó, tân Thủ tướng Kan dự định tái lập Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của DPJ - một cơ quan đã bị ông Ozawa xóa bỏ sau khi DPJ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện trước - nhằm tăng cường sự phối hợp chính sách giữa Chính phủ và đảng cầm quyền.

Trước cuộc bầu cử Chủ tịch DPJ, ông Kan nói ông Ozawa cần “ngồi im” trong thời gian tới vì lợi ích quốc gia cũng như vì bản thân ông ta. Tuyên bố này cho thấy dường như tân Thủ tướng Kan muốn điều hành một chính phủ độc lập hơn và ít chịu ảnh hưởng của ông Ozawa.

Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là một công việc dễ dàng đối với tân Thủ tướng, bởi vì ông Ozawa hiện đứng đầu một nhóm khoảng 150 nghị sỹ của DPJ và có quan hệ rất mật thiết với các lãnh đạo của Đảng Quốc dân mới (PNP) và Đảng Xã hội Dân chủ (SDP) - hai đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền trước.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng, ông Kan cam kết sẽ thúc đẩy để Quốc hội thông qua dự luật về việc xem xét lại tiến trình tư nhân hóa ngành bưu điện trong kỳ họp thường niên hiện nay, dự kiến kéo dài tới ngày 16/6.

Điều này cho thấy tân Chủ tịch DPJ không muốn làm sứt mẻ hơn nữa liên minh với PNP - đảng vẫn ủng hộ việc cắt giảm quy mô tư nhân hóa Tập đoàn Bưu điện Nhật Bản.

Cùng với chủ trương tạo ra môi trường chính trị trong sạch, ông Kan nói công việc đầu tiên của ông trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản là “tái thiết đất nước”, trong đó ưu tiên hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giới phân tích kinh tế cho rằng vị cựu Bộ trưởng Tài chính này có thể sẽ có biện pháp bất thường về tỷ giá giữa đồng yen và USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu và kích thích nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tân Thủ tướng Kan trước đây đã từng đưa ra cảnh báo rằng tình hình nợ công của Nhật Bản tồi tệ hơn cả Hy Lạp. Vì vậy, sẽ không có gì bất ngờ nếu chính phủ mới tiến hành cải cách tài chính và tăng thuế tiêu dùng nhằm giảm nợ công đang chiếm gần 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản.

Tân Thủ tướng cũng cho biết ông sẽ cải cách hành chính một cách triệt để, cấm các hoạt động đóng góp chính trị của các công ty và tổ chức, đồng thời hợp tác với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đối phó với tình trạng thiểu phát. Khi còn giữ chức Bộ trưởng Tài chính, ông Kan là một trong những người đi đầu trong việc thúc giục BOJ phải hành động nhiều hơn để chống thiểu phát.

Với nhận định việc làm là nhân tố then chốt đối với tăng trưởng kinh tế, tân Thủ tướng cũng chủ trương sẽ đặc biệt tập trung tạo việc làm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em và người già.

Về mặt đối ngoại, sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Kan tuyên bố sẽ tuân thủ thỏa thuận mới với Mỹ về vấn đề di chuyển căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ ở tỉnh Okinawa. Dường như tân Thủ tướng Nhật Bản muốn trấn an giới lãnh đạo Mỹ - những người đã tỏ ra quan ngại về sự thay đổi chính quyền ở Nhật Bản.

Ông cũng khẳng định mong muốn giảm gánh nặng cho người dân Okinawa - nơi có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ.

Mặc dù vậy, chắc chắn tân Thủ tướng Kan sẽ phải “đau đầu” với vấn đề này, bởi vì chỉ vài giờ sau các cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, chính quyền và người dân Okinawa đã lên tiếng kêu gọi di chuyển căn cứ Futenma ra khỏi tỉnh này.

Trong phát biểu trước cuộc bầu cử Chủ tịch DPJ, ông Kan nhấn mạnh rằng quan hệ đồng minh với Mỹ vẫn là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, đồng thời không quên khẳng định quan hệ với Trung Quốc là quan trọng.

Ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu thành lập Cộng đồng Đông Á, cùng với ba mục tiêu chính sách khác của người tiền nhiệm, gồm giảm 25% lượng khí thải nhà kính vào năm 2020 so với năm 1990; giảm quyền lực của chính quyền trung ương và trao thêm quyền cho các địa phương; tăng cường các dịch vụ công.

Như vậy, chính sách đối ngoại của Nhật Bản sẽ không thay đổi nhiều dưới chính quyền mới./.

Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục