Kyrgyzstan trưng cầu dân ý thông qua hiến pháp mới

90,7% trong tổng số 2,7 triệu cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý đã bỏ phiếu thông qua bản hiến pháp mới của Cộng hòa Kyrgyzstan.
Ủy ban Bầu cử Trung ương Kyrgyzstan (CEC) ngày 28/6 thông báo đa số cử tri Kyrgyzstan đã bỏ phiếu thông qua bản hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 27/6.

Hiến pháp mới cho phép nước Cộng hòa Trung Á này thành lập một chính phủ hợp pháp sau nhiều tháng khủng hoảng, đặc biệt kể từ sau vụ chính biến lật đổ cựu Tổng thống Kurmanbek Bakiyev hồi tháng Tư vừa qua.

Theo thống kê sơ bộ CEC công bố trên trang web riêng sau khi kiểm phiếu tại hơn 90% điểm bỏ phiếu trên cả nước, bản hiến pháp mới của Kyrgyzstan đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Có tới 90,7% số cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ văn kiện pháp lý trên. Chỉ có 7,96% cử tri phản đối. Gần 70% trong tổng số khoảng 2,7 triệu cử tri Kyrgyzstan đã tham gia bỏ phiếu. Kết quả chính thức cuối cùng dự kiến sẽ được công bố trong hai ngày tới.

Với việc dự thảo hiến pháp mới được thông qua, nhà lãnh đạo lâm thời Roza Otunbayeva tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra tại Kyrgyzstan đã lập ra một nền dân chủ nghị viện.

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra sau cuộc trưng cầu dân ý, bà Otunbayeva khẳng định: "Đây là thời điểm lịch sử. Kyrgyzstan đã thông qua bản hiến pháp mới và từ nay đất nước nằm ở địa điểm chiến lược ở khu vực Trung Á này đã có một chính phủ hợp hiến chứ không còn là một chính phủ lâm thời nữa."

Bà Otunbayeva cho biết thêm sau cuộc trưng cầu dân ý này, chính phủ lâm thời sẽ sớm giải thể để mở đường cho việc thành lập một nội các hợp hiến mới, dự kiến trong thời gian từ ngày 10-20/7.

Có tổng số 189 quan sát viên quốc tế đại diện cho hơn 30 nước và 17 tổ chức quốc tế, như Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (ODKB), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tham gia giám sát cuộc trưng cầu dân ý. Theo bà Roza Otunbayeva, phái bộ giám sát của ODKB sẽ tiếp tục ở lại khu vực miền Nam Kyrgyzstan thêm 10 ngày nữa để đánh giá tình hình, trên cơ sở đó xác định quy mô viện trợ kỹ thuật và tài chính cho quốc gia Trung Á đang gặp nhiều rắc rối này.

Tuy nhiên, ngày 28/6, phát biểu trước báo giới tại Toronto, Canada, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng cuộc trưng cầu dân ý của Kyrgyzstan về bản hiến pháp mới có thể châm ngòi cho chủ nghĩa cực đoan tại quốc gia Trung Á đầy bất ổn này.

Tổng thống Medvedev cho rằng cuộc trưng cầu dân ý nhằm thiết lập một nền dân chủ nghị viện tại Kyrgyzstan có thể tiếp tay cho các phần tử cực đoan lên cầm quyền và rốt cuộc sẽ dẫn tới sự sụp đổ của đất nước này. Theo ông Medvedev, cuộc trưng cầu dân ý ngày 27/6 tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, trong đó có nguy cơ "đất nước sụp đổ," vì vậy ông cho rằng Biskekh cần có một chính phủ được tổ chức tốt để những kịch bản như thế không xảy ra.

Liên quan đến cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới, Phó Thủ tướng lâm thời Kyrgyzstan, ông Omurbek Tekebayev thông báo sẽ từ chức vào ngày 10/7 để ứng cử trong cuộc bầu cử của cơ quan lập pháp nước này.

Phát biểu sau khi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý, ông Tekebayev cho biết sẽ từ chức vào ngày 10/7 tới, bất kể thời điểm được ấn định cho cuộc bầu cử quốc hội là vào khi nào. Ông giải thích chức vụ của ông trong chính phủ lâm thời được lập nên để chuyên trách tiến hành cải cách hiến pháp và sẽ kết thúc nhiệm vụ vào tháng Bảy tới.

Theo ông Tekebayev, Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Bolot Sher cũng sẽ từ chức và đảng Ata-Meken do ông lãnh đạo sẽ tham gia cuộc bầu cử quốc hội tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục