Lá cờ của Nhà nước Palestine lần đầu tung bay tại trụ sở LHQ

Phát biểu tại lễ thượng cờ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon gọi sự kiện này là "ngày tự hào đối với người dân Palestine trên toàn thế giới" và là "ngày của hy vọng."
Lá cờ của Nhà nước Palestine lần đầu tung bay tại trụ sở LHQ ảnh 1Lá cờ của Nhà nước Palestine tung bay trước trụ sở của Liên hợp quốc. (Ảnh: newsweek.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 30/9, lần đầu tiên lá cờ của Nhà nước Palestine đã tung bay bên ngoài trụ sở của Liên hợp quốc.

Phát biểu tại lễ thượng cờ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon gọi sự kiện này là "ngày tự hào đối với người dân Palestine trên toàn thế giới" và là "ngày của hy vọng."

Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh: "Giờ là lúc phải khôi phục lòng tin của cả người dân Palestine lẫn người dân Israel vào một giải pháp hòa bình để hiện thực hóa giấc mơ hai nhà nước cho hai dân tộc."

Ngay trước khi diễn ra lễ thượng cờ, Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó tuyên bố Palestine rút khỏi hiệp ước Oslo ký với Israel năm 1993.

Tổng thống Abbas tố cáo Israel đã liên tục vi phạm hiệp ước này trong suốt 20 năm qua, đồng thời khẳng định Nhà nước Do Thái này phải tiếp tục thực hiện những trách nhiệm của mình với tư cách là cường quốc chiếm đóng.

Mặc dù vậy ông Abbas vẫn để ngỏ cánh cửa hòa bình nếu như Israel tuân thủ đầy đủ hiệp ước Oslo. Trong bài phát biểu, Tổng thống Abbas cũng đề nghị Liên hợp quốc chấp nhận Palestine làm thành viên đầy đủ, khẳng định rằng Palestine xứng đáng được công nhận như vậy.

Phía Israel ngay lập tức đã phản ứng gay gắt với bài phát biểu của Tổng thống Palestine. Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra tuyên bố trong đó chỉ trích những phát biểu của Tổng thống Abbas là sai trái và gây kích động tại Trung Đông.

Tuyên bố khẳng định Israel duy trì nghiêm ngặt hiện trạng tại khu vực tranh chấp Núi Đền, cam kết tiếp tục thực hiện phù hợp với các thỏa thuận. Tuyên bố cũng kêu gọi Chính quyền Palestine cùng với Israel tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp mà không kèm theo điều kiện tiên quyết nào.

Hiệp định Oslo được ký kết vào ngày 13/9/1993 giữa Thủ tướng Israel Yizhak Rabin và Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Theo hiệp định này, phía PLO từ bỏ việc sử dụng công cụ khủng bố cùng các hình thức bạo động khác, thừa nhận quyền sống của Israel trong hòa bình và an ninh. Đổi lại, phía Israel "quyết định công nhận PLO như là đại diện của nhân dân Palestine" và bắt đầu thương thuyết với PLO trong khuôn khổ tiến trình hòa bình Trung Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục