Lạc trong lễ hội

Lạc mất người thân trong lễ hội đông nhất thế giới

Với hàng ngàn người đã bị lạc trong lễ hội lớn nhất thế giới Maha Kumbh Mela, trải nghiệm mà họ nhận được là sự kinh hoàng.
Maha Kumbh Mela, lễ hội lớn nhất thế giới, là sự kiện để người ta nâng cao tinh thần. Nhưng với hàng ngàn người đã bị lạc trong lễ hội, trải nghiệm mà họ nhận được là sự kinh hoàng. Lễ hội diễn ra tại một khu vực rộng lớn ở phía Bắc Ấn Độ, gần với sông Hằng, nơi có tới 20 triệu người sẽ tới đây vào 10/2, thời điểm thiêng liêng nhất trong lễ hội để tắm nước sông và gột sạch tội lỗi. Đây gần như là một thành phố tạm, với các địa điểm cắm trại, các tuyến đường đi bộ dài hàng cây số và cả những khoảng không rộng lớn nơi người ta kéo nhau tới hai bờ sông Hằng. Quản lý đám đông này luôn là vấn đề lớn trong các dịp lễ hội. Dù điện thoại di động đã giúp các gia đình bị chia cắt tái "đoàn tụ", người già, người trẻ vẫn rất dễ bị tổn thương khi bị lạc. [Hàng triệu người Ấn Độ đổ tới tắm ở sông Hằng] Sharphya Harijan, một cụ bà đã già yếu, tuổi gần 80 tới từ một ngôi làng gần Varanasi, đã ngồi khóc sụt sùi trên một chiếc ghế nhựa tại một trung tâm xử lý "thất lạc và tìm thấy" do một tổ chức từ thiện địa phương lập ra. "Tôi đang đi vào khu vực tắm và nắm tay con gái tôi. Nhưng do sức ép từ quá nhiều người, tôi đã bị tách ra khỏi con tôi và lạc vào đám đông. Tôi đã nhờ cảnh sát giúp đỡ và họ đưa tôi tới đây" - bà nói. Xung quanh bà, gần một chục người phụ nữ khác với khuôn mặt rầu rĩ cũng ngồi quanh chờ người đón, trong khi một đứa trẻ 10 tuổi đã chờ đợi suốt 2 ngày qua cuối cùng đã về nhà cùng một người bạn của gia đình bé. Tại một lễ hội tương tự nhưng nhỏ hơn ở Allahabad 6 năm trước, một bé gái đã bị lạc tới 15 ngày liền. Khi người ta tiến hành dỡ trại, tổ chức từ thiện ở trên đã đưa ảnh của cô bé lên báo và tới lúc đó cha mẹ cô bé mới đến nhận con. "Phần lớn người ta sẽ được thân nhân đón. Nhưng với một số khác thì không vậy. Chúng tôi phải đưa họ về nhà bằng tàu hỏa hoặc bằng xe buýt, với tiền túi của chúng ta" - Chaman Rawat, một tình nguyện viên tại tổ chức từ thiện ở trên nói. Từ loa phóng thanh trên một con phố đặt trên một con phố ở gần khu tổ chức lễ hội, tên và địa chỉ của những người bị lạc đã được đọc ra đều đều. "Sanju Sen. 18 tuổi. Tới từ Narendra Nagar ở quận Reva, Madhya Pradesh. Em trai của anh, Ajay Sen đang tìm anh và muốn gặp tại đền Ramjanki" - Pushka Upadhyaya thông báo trên micro. Ngồi trong một căn lều nhỏ làm từ các tấm tôn với một bóng đèn treo ngay trên nóc, Upadhyaya có rất nhiều mảnh giấy vứt đi nằm ở chân anh, chứa thông tin chi tiết về những người bị thất lạc. Thông báo của anh, cùng với sự cải tiến mới của năm nay là sự xuất hiện của 13 màn hình LED khổ lớn với ảnh của người bị lạc, là một phần trong nỗ lực mới của chính quyền nhằm đảm bảo không có ai bị sót lại phía sau. "Các bậc phụ huynh thường có xu hướng lo ngại điều tồi tệ nhất xảy ra khi con cái họ bị lạc trong đám đông" - Sanjeev Tuagi, viên cảnh sát chịu trách nhiệm quản lý 1 trên 17 điểm "thất lạc và tìm thấy" ở Mela và thành phố Allahabad cho biết - "Một trong những sự nguy hiểm đe dọa những đứa trẻ là có những kẻ xấu có thể bắt các em và săn lùng các em." Tới giữa ngày một của lễ hội, vốn kéo dài 55 ngày cho tới tận 25/2, đã có 6.000 người được thông báo mất tích, gồm nhiều đứa trẻ 5,7 và 9 tuổi. "Khoảnh khắc những đứa trẻ gặp lại cha mẹ, các em đã vô cùng vui sướng" - ông nói khi dòng người vẫn ùn ùn kéo tới và đưa các mảnh giấy có chứa thông tin về người bị thất lạc.
Lạc mất người thân trong lễ hội đông nhất thế giới ảnh 1
Một đứa trẻ bị lạc tìm thấy người thân ở lễ hội Kumbh Mela (Nguồn: NYT)
Nỗi sợ lạc con của các bậc phụ huynh lại thường bị thổi bùng lên bởi các kịch bản của Bollywood, nói về các nhân vật đã bị mất người thân tại một trong các lễ hội tôn giáo của nước này. Lễ hội Maha Kumbh Mela là lễ hội tôn giáo lớn nhất trong đó, diễn ra sau mỗi 12 năm ở Allahabad. Một người đàn ông đã giúp nhiều gia đình tái hợp hơn bất kỳ ai khác là Raja Ram Tiwari, 86 tuổi. Ông nói rằng tổ chức từ thiện Bharat Seva Dal (Nhóm Phục vụ Ấn Độ) của mình đã giúp gần 1 triệu người đoàn tụ kể từ năm 1946. Ông đã bắt đầu công việc từ thiện từ khi là một thiếu niên khi thấy một người già bị lạc trong giữa đám đông hỗn loạn và khi đó người ta cũng chưa có cơ sở hạ tầng để giúp bà. Tay cầm một chiếc loa tự chế bằng một tấm tôn, ông đã nỗ lực tìm lại người thân cho bà cụ. Hành động của ông tưởng như vô vọng nhưng cuối cùng lại thành công. "Bà đã đoàn tụ với thân nhân và niềm vui của bà khi đoàn tụ đã tạo động lực cho tôi mở dịch vụ thất lạc và tìm kiếm" - ông nói với AFP. Con của ông hiện đã điều hành tổ chức thiện nguyện do ông sáng lập ra và Tiwari cho biết công nghệ mới đã giúp giảm đáng kể số người cần giúp đỡ. "Điện thoại di động đã trở thành một sự ban phước lành với tất cả chúng tôi" - ông nói. Nhưng không phải ai cũng có điện thoại di động và việc đông người hành hương mù chữ khiến nhiều người đã không thể đọc các biển hiệu nên rất dễ bị lạc giữa cả biển người. Thật may mắn cho Sharphya Harijan, nỗi thống khổ của bà chỉ kéo dài có vài giờ. Không lâu sau khi AFP nói chuyện với bà, gia đình đã tới và đón bà về./.
Lạc mất người thân trong lễ hội đông nhất thế giới ảnh 2
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục