Lai Châu: Mưa dữ dội, 14 người chết vì lũ

14 người chết do bị lũ cuốn trôi và đất đá sạt lở vùi lấp sau các trận mưa dữ dội từ ngày 26/6 đến nay tại tỉnh Lai Châu. 300 hộ dân đang phải di dời tránh nguy cơ bị vùi lấp.
Ít nhất 14 người chết do bị lũ cuốn trôi và đất đá sạt lở vùi lấp sau các trận mưa dữ dội từ ngày 26/6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Nhiều địa phương thuộc tỉnh Lai Châu đang phải chịu hậu quả do các trận lũ quét và sạt lở đất. Tổng cộng thiệt hại vật chất ước tính gần 150 tỷ đồng. Hiện nay lực lượng cứu hộ đang phải di dời tới gần 300 hộ dân trước nguy cơ bị vùi lấp do sạt lở đất.

Xã Pú Đao (huyện Sìn Hồ - Lai Châu), địa danh được khách hàng của hãng lữ hành Gecko Travel (Vương quốc Anh) bình chọn là 1 trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á nay đang phải đối mặt với hậu quả của thiên tai. Sau các trận mưa dữ dội đầu tháng 7/2009, ngọn núi Nậm Đắc bỗng dưng nứt toác và lún xuống, khiến cho 32 hộ đồng bào dân tộc Mông cư trú tại bản Nậm Đắc sống trong nỗi lo sợ có thể bị chôn vùi bất cứ lúc nào.

Tại xã biên giới Tung Qua Lìn (huyện Phong Thổ), ngọn núi sau lưng các bản Cang Ký, Căng Há, Khấu Dào, Cò Ký, nơi có 200 hộ người Mông đang sinh sống, đã và đang có nguy cơ sạt lở cao. 4 gia đình trong đêm đã phải chạy khỏi nhà do đất đá và nước lũ tràn vào nhà.

Cách đó chừng 4km là ngôi nhà của anh Phàng A Tủa ở bản Sín Chải xã Dào San đã bị đất đá chôn vùi trong đêm 20/7, khiến toàn bộ 3 người trong đó có 1 cháu bé mới 4 tháng tuổi chết khi còn đang ngon giấc. 5 căn nhà nằm trong địa điểm trên đã phải di dời khẩn cấp để tránh thảm họa.

Gần đây nhất là ngày 29/7 tại bản Phí Chi A (xã biên giới Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè) đã xuất hiện 2 vết nứt lớn dưới tầng đất đá dưới chân bản nơi con suối Nậm Sì Lường chảy qua.

Do vết nứt sâu và rộng, lại xuất hiện bất ngờ nên tối 28/7, chị Lý Go Mé, 29 tuổi trên đường đi làm nương về đã bị trượt chân rơi xuống. Trong khi người dân trong bản phát hiện và tổ chức cứu lên thì đất đá đã sạt xuống vùi lấp, làm chị Mé tử vong tại chỗ. 34 hộ dân trong tổng số 90 hộ thuộc bản này được xác định nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm do nguy cơ sạt lở đất, phải sơ tán khẩn cấp ra khỏi địa bàn.

Chỉ sau đó một ngày, rạng sáng 30/7, con suối Nậm Pắc (xã Nậm Hàng, Mường Tè) bất ngờ trở nên hung dữ, cuốn đi căn nhà của chị Phạm Thị Hương, làm chị cùng con gái 7 tuổi thiệt mạng. Cùng ra đi với họ là anh Lò Văn Quí ở cùng xã  khi anh ra cứu máy thủy điện mini của gia đình.

Những thôn bản nằm sâu trong vùng nội địa như thị trấn Tam Đường, thị trấn Than Uyên, xã Phúc Khoa huyện Tân Uyên cũng không tránh khỏi cơn thịnh nộ của thiên tai. Hàng chục hộ đã phải dời bỏ mảnh đất đã sinh sống hàng chục năm để đến nơi an toàn.

Sau khi hứng chịu sự bất thường của thiên nhiên, hiện nay chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu đang phải gồng mình lên khắc phục hậu quả. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng bà con dân bản đang tiếp tục khẩn trương tháo dỡ nhà cửa, di chuyển đồ đạc của gần 300 gia đình trên đến nơi ở mới an toàn. Trong khi đó mưa lớn vẫn không ngừng trút xuống, báo hiệu sẽ có những hậu quả khôn lường của thiên tai./.
Chu Quốc Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục