Lai Châu: Nâng cao tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh

Lai Châu là một trong 21 tỉnh, thành phố được thụ hưởng lợi ích từ Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả.”
Lai Châu: Nâng cao tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh ảnh 1Tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Cục trưởng quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả nhằm cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại các tỉnh tham gia dự án.

Và, Lai Châu là một trong 21 tỉnh, thành phố được thụ hưởng lợi ích từ chương trình này.

[Những bệnh nguy hiểm tới sức khoẻ khi nguồn nước bị ô nhiễm]

Chương trình được thực hiện sẽ tác động tích cực trong việc hình thành thói quen vệ sinh an toàn và giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp. Với hợp phần truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh nông thôn, chương trình sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần xoá bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước khi tham gia chương trình này, Lai Châu gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chỉ tiêu nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Khi được tiếp cận, chương trình này sẽ góp phần thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh Lai Châu có 25 xã thuộc 7 huyện được thụ hưởng.

Tính riêng năm 2017, tỉnh Lai Châu đã triển khai chương trình tại 5 xã thuộc 3 huyện. Chương trình được triển khai với 3 hợp phần, gồm cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá.

Sở Y tế tỉnh Lai Châu đã lập hồ sơ được 6 nhà vệ sinh của 6 trạm y tế thuộc 6 xã. Đặc biệt, thực hiện vệ sinh nông thôn (vệ sinh hộ gia đình) đã hỗ trợ xây dựng mới nhà tiêu hợp vệ sinh cho 600 hộ gia đình thuộc 7 xã. Trong đó, huyện Tam Đường có xã Bản Hon (49 nhà tiêu), xã Bản Bo (84 nhà tiêu); huyện Tân Uyên có xã Phúc Khoa (168 nhà tiêu), Nậm Cần (33 nhà tiêu); huyện Phong Thổ có xã Mường So (140 nhà tiêu); huyện Than Uyên có xã Pha Mu (28 nhà tiêu), huyện Sìn Hồ có xã Nậm Tăm (98 nhà tiêu)…

Kết quả này đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, cải thiện tình hình vệ sinh nguồn nước, nhà tiêu trạm y tế và một số cơ sở công trên địa bàn Lai Châu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục