Lai Châu quyết định công bố xã thứ hai có ổ dịch Cúm H5N6

Ngày 9/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu quyết định công bố dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N6) trên địa bàn xã vùng cao Sơn Bình, huyện Tam Đường.
Lai Châu quyết định công bố xã thứ hai có ổ dịch Cúm H5N6 ảnh 1Các cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu tiến hành tiêu hủy gia cầm dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N6. (Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN)

Ngày 9/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu quyết định công bố dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N6) trên địa bàn xã vùng cao Sơn Bình, huyện Tam Đường.

Trước đó ngày 30/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã công bố dịch cúm A/H5N6 trên địa bàn xã Bình Lư, huyện Tam Đường.

Theo các quyết định này, vùng bị dịch "uy hiếp" gồm các xã có ranh giới tiếp giáp với xã Bình Lư, xã Sơn Bình. Vùng đệm gồm các xã có ranh giới tiếp giáp với các xã thuộc vùng bị dịch "uy hiếp."

Cùng với việc công bố thêm xã thứ hai trên địa bàn tỉnh có dịch cúm gia cầm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu cũng đã quyết định thành lập thêm một chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại xã Phúc Than, huyện Than Uyên (Lai Châu) (trên đường đi huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai). Đồng thời tỉnh cũng tăng cường lực lượng cho ba chốt kiểm dịch động vật hiện có tại Sơn Bình, Mường Kim và Lai Hà.

Lực lượng của các chốt kiểm dịch này được phép lập barie, biển thông báo và dừng các loại phương tiện vận chuyển để kiểm tra, kiểm dịch, khử trùng, tiêu độc... trước khi qua các chốt trên.

Ông Nguyễn Mạnh Thưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lai Châu, cho biết từ cuối tháng 9/2015 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã hai lần tổ chức tiêu hủy gần 1.200 con gia cầm dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N6.

Ông Nguyễn Mạnh Thưởng khuyến cáo virus cúm A/H5N6 là loại cúm có độc lực cao và có thể lây từ gia cầm sang người. Vì vậy người dân cần hạn chế tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết và chất thải từ gia cầm. Người dân không sử dụng gia cầm và các sảm phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn để tránh lây lan mầm bệnh sang người; hạn chế ra vào vùng dịch, đặc biệt đối với những hộ dân đã có gia cầm bị cúm phải tiêu hủy.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường, người dân cần báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Tuyệt đối không được giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh, giết mổ, vứt xác gia cầm chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Người dân cần thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, khu vực kinh doanh, giết mổ, phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; hợp tác với chính quyền địa phương, cơ quan thú y trong việc xử lý, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nếu có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục