Vẫn nguyên nỗi lo tăng trưởng tín dụng âm vẫn còn

Lãi suất cho vay hạ, không hạ nỗi lo tăng trưởng tín dụng âm

Dù giảm lãi suất huy động nhưng các ngân hàng vẫn tin rằng gửi tiền vẫn là kênh đầu tư an toàn và là lựa chọn ưu tiên của người dân trong giai đoạn hiện nay.
Lãi suất cho vay hạ, không hạ nỗi lo tăng trưởng tín dụng âm ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Thúy Hà/Vietnam+).

Kể từ ngày 18/3, trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn sẽ giảm xuống còn 6%/năm, thay vì mức 7%/năm trước đây. Cùng với đó, lãi suất tái cấp vốn cũng được hạ xuống mức 6,5%/năm và lãi suất huy động ngoại tệ USD giảm xuống mức 1%/năm.

Đó là nội dung quan trọng được Ngân hàng Nhà nước công bố tại buổi họp báo chiều ngày 17/3 tại Hà Nội.

Tiền vẫn chảy vào ngân hàng?

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định lạm phát hiện được kiềm chế ở mức thấp (chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2014 tăng 0,55% so với tháng 1 và tăng 1,24% so với cuối năm 2013); thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo trước và sau dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ; lãi suất, tỷ giá và thị trường tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng cao. Đây là những điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước giảm các mức lãi suất chủ chốt lần này.

Giải đáp một số thắc mắc khi mặt bằng trần lãi suất hiện nay không đồng đều ở các ngân hàng, việc giảm mạnh lãi suất huy động của ngân hàng lớn sẽ tiềm ẩn nỗi lo tiền nhàn rỗi sẽ chạy sang các ngân hàng nhỏ, Phó Thống đốc cho biết, hiện nay lãi suất được dự báo giảm, nguồn tiền nhàn rỗi vẫn tiếp tục đổ vào hệ thống ngân hàng khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán... còn bấp bênh và tiềm ẩn rủi ro cao.

"Chúng tôi tin tưởng rằng dù giảm lãi suất huy động nhưng gửi tiền vẫn là kênh đầu tư an toàn, là lựa chọn ưu tiên của người dân và các tổ chức kinh tế trong giai đoạn kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay," ông Tiến nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho rằng, người gửi tiền sẽ tự cân nhắc và tính toán xem hệ thống ngân hàng nào an toàn trong thời điểm này để gửi gắm tài sản của mình.

Còn theo đánh giá của tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch LienVietPostBank, hiện tượng này có thể có nhưng không nhiều, vì Ngân hàng Nhà nước chỉ hạ lãi suất dưới 6 tháng, còn 6 tháng trở lên vẫn được áp dụng theo cơ chế thỏa thuận.

"Tôi đánh giá, vốn gửi ngắn hạn tại các ngân hàng sẽ tạm thời được rút ra để lướt chứng khoán, dự báo chỉ số chứng khoán hôm nay có thể tăng đột biến vì thông tin hạ lãi suất,” ông Hưởng dự đoán.

Lãi suất cho vay cũng giảm mạnh

Cùng với quyết định này, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm.

Đồng tình với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhằm tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.

Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Tiến Đông cũng cho biết, từ ngày 18/3/2014, Agribank sẽ giảm thêm 1% lãi suất cho vay mới đối 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống còn 8%/năm. Riêng lãi suất cho vay ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tối đa là 7%/năm.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh (chủ yếu trung và dài hạn) của doanh nghiệp khó được hưởng lợi từ quyết định này.

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, đến nay Ngân hàng Nhà nước không quy định trần lãi suất cho vay mà dành quyền chủ động cho các ngân hàng. "Tuy nhiên, lãi suất ngắn hạn sẽ có mối liên quan trực tiếp đến dài hạn và tôi tin lãi suất cho vay dài hạn sẽ có chiều hướng giảm," ông Tiến nhận định.

Còn ông Hưởng cho rằng, lãi suất cho vay vẫn có thể giảm tiếp, nếu chỉ số giá cả vài tháng tới vẫn hạ.

Hoài nghi về tăng trưởng tín dụng

Cũng tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nhấn mạnh: “Việc giảm trần lãi suất huy động hay giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là cơ sở để các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng.”

Theo như thông tin mà bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ cho biết, tín dụng tính đến ngày 13/3 vẫn tăng trưởng âm 1,05% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu tháng 3 tới nay, tín dụng đã tăng 0,13% sau 2 tháng giảm liên tục trước đó.

Tín dụng tăng trưởng chậm chạp song đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, năm nay Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 12-14%.

Trái ngược với những nhận định lạc quan của Ngân hàng Nhà nước, đại diện Ngân hàng HSBC tại Việt Nam lại cho cho rằng, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm hiện tại vẫn âm cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ còn đóng băng trừ khi những cải cách thực sự quan trọng được tiến hành để giải quyết vấn đề nợ xấu.

HSBC cho rằng nguồn vốn tiền đồng dư thừa trong hệ thống phản ánh nhu cầu vay thấp. Việc giảm lãi suất huy động tiền đồng và giảm lãi suất tái cấp vốn là những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế "đang bị bủa vây".

"Chúng tôi cho rằng cắt giảm lãi suất sẽ không có ảnh hưởng lớn đến việc tăng trưởng cho vay. Một khi các khoản nợ xấu vẫn còn chưa được giải quyết, ngân hàng sẽ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay được. Điều đó có nghĩa rằng nhu cầu nội địa ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục trì trệ khiến cho tăng trưởng sẽ vẫn nằm dưới mức khuynh hướng, chỉ khoảng 5,6% trong năm 2014," báo cáo nhận mạnh.

HSBC nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển với nền kinh tế không đồng đều, trong đó những doanh nghiệp thiên về xuất khẩu sẽ nổi trội hơn trong khi những doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa sẽ chịu những điều kiện tín dụng khó khăn và nhu cầu trì trệ./.

Theo Quyết định 496, 497, 498, 499/QĐ-NHNN ngày 17/3, Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm.

Lãi suất tái cấp vốn hạ xuống mức 6,5%/năm so với mức 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 8%/năm xuống 7,5%/năm.

Lãi suất huy động ngoại tệ USD cũng giảm xuống mức 1%/năm, thay vì mức 1,25%/năm hiện nay.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục