Lãi suất giảm, tìm chỗ trú ẩn tốt cho tiền tiết kiệm

Khi tỷ suất sinh lời của khoản để dành trong ngân hàng không còn hấp dẫn như trước, nhiều người bắt đầu dự định mở thêm kênh đầu tư khác.
Lãi suất huy động có chiều hướng giảm dần, điều này đồng nghĩa với việc tỷ suất sinh lời của những “của để dành” nằm trong ngân hàng cũng không còn nhiều hấp dẫn như trước.

Ngày 11/4, Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất huy động xuống 12%, khiến nhiều người gửi tiết kiệm bắt đầu có dự định mở rộng thêm kênh đầu tư khác.

Trong khi đó, lại có nhiều người bị mắc kẹt vốn ở các kênh đầu tư khác tỏ ra nuối tiếc và so sánh mất mát với những khoản lợi nhuận đến từ tiền gửi.

Tiếc nuối vì tài sản hụt… giá trị

Thời gian trước đó, bối cảnh kinh tế rất khó khăn, các kênh đầu tư như bất động sản, vàng, chứng khoán… ẩn chứa rất nhiều rủi ro, trong khi lãi suất huy động lại được chào ở mức cao tới trên 17%, khiến nhiều người lựa chọn kênh gửi tiết kiệm như một giải pháp tối ưu để bảo vệ giá trị tài sản của mình.

Sau nhiều năm tích lũy, chị Nguyễn Thị Hồng (Long Biên, Hà Nội) để dành được một khoản tiền khoảng 500 triệu đồng và gửi vào ngân hàng. Thời điểm đầu năm 2011, giá vàng trên thị trường biến động mạnh, chị sốt ruột khi thấy tiền gửi trong ngân hàng của mình mất giá nhiều so với vàng.

Tuy nhiên, vì là một người buôn bán nhỏ, không hiểu biết nhiều về các thông tin kinh tế vĩ mô, nên mỗi lần giá vàng tăng “điên cuồng” chị lại rất lo lắng và quyết định không đầu tư vào vàng mà kết hợp với người em mua chung một miếng đất khoảng 30m2 tại Gia Lâm.

Rốt cục, giờ này chị Hồng lại tiếc nuối khi đưa ra tính toán: “Miếng đất để không hơn một năm nay, hiện rao bán với mức giá vốn cũng không ai mua. Trong khi nếu gửi tiết kiệm có thể đã kiếm ra tới cả trăm triệu rồi!”

Cũng có cùng tâm trạng, anh Phạm Anh Tuấn (Thanh Liệt, Thanh Trì) tủi thân mà than, mình làm công ăn lương tích góp được mấy chục triệu để trả nợ. Nhưng vì người bạn hẹn tháng 5/2012 mới cần tiền, nên muốn đầu tư chút ít và đã mua hai cây vàng với mức giá trên 44.000 triệu đồng/cây, song đến nay giá vàng đang có xu hướng điều chỉnh dưới mốc 43.000 đồng/cây.

“Nghe vợ gửi ngân hàng cho xong, khi đó lãi suất ngân hàng là 14% và cộng với khoản giảm giá như hiện tại thì cũng mất đứt tới 4 triệu, bằng cả tháng lương của mình rồi,” anh Tuấn nói.

Thông thường những người dân như anh Tuấn, chị Hồng không quá quan tâm đến chỉ số lạm phát, mà họ chỉ biết quan sát giá cả hàng hóa tiêu dùng hàng ngày như rau, thịt, cá, sữa, xăng, gas… hay các dịch vụ thiết yếu mà lo lắng, tính toán giữ giá trị cho những khoản dành dụm của mình.

Vốn chờ chảy sang kênh khác

Ở một phía khác, những người nhanh nhạy với thời cuộc và trung thành với tiêu chí “thời điểm này tiền mặt là vua” lại đang có vẻ hoan hỉ về khoản tiền đã thu được sau quãng thời gian dài gửi tiết kiệm với lãi suất cao.

Chị Nguyễn Minh Anh, (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, so với các kênh đầu tư khác thì 17% lợi nhuận một năm không phải là con số nhỏ và hơn nữa là mình có thể làm chủ dòng tiền khi nền kinh tế xuất hiện cơ hội.

“Hiện nay, lãi suất ngân hàng đang về mức 12% và trong tương có khả năng sẽ giảm tiếp. Do đó tới đây khi những sổ tiết kiệm đáo hạn, mình sẽ cân nhắc chuyển sang một số kênh đầu tư khác,” chị Minh Anh nói.

Theo chị Minh Anh dự tính, giá bất động sản sẽ không xuống quá sâu nữa, nên về lâu dài loại hình tài sản này sẽ bảo đảm giá trị đồng tiền hiệu quả. Ngoài ra, chị cũng đang quan tâm tới đầu tư vàng.

“Mặc dù biết nhà nước sẽ quản lý vàng chặt hơn, nhưng tôi vẫn tin tưởng giá trị của nó nhất là trong thời điểm kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn nhiều thách thức,” chị Minh Anh chỉ ra hai mối quan tâm của mình.

Không quá kỳ vọng về một cơ hội lớn, nhưng chị Dương Thị Hải (Tam Chinh, Hà Nội) cũng cho rằng, hiện tại bất động sản chưa thể nhúc nhích ngay được mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp giải cứu.

Song với lãi suất 12% thì khoản tiền gửi trong ngân hàng của chị Hải cũng đang “tấp tểnh” muốn chảy một phần ra ngoài.

Chị Hải lý giải, từ đầu năm 2012 đến nay kênh đầu tư chứng khoán đang hồi phục và có không ít nhà đầu tư đã thu về được những khoản lợi nhuận lớn. Dòng tiền đầu cơ này sẽ không bao giờ đứng yên và có khả năng sau đó nó sẽ góp phần khơi dậy thị trường bất động sản và chị Hải quyết định chờ đợi điều đó.

Tuy nhiên đó là những người có vốn lớn, còn đối với người chỉ có số tiền nhỏ từ vài chục triệu đồng tới trăm triệu đồng thì dường như vẫn quyết định để lại ngân hàng.

Chị Nguyễn Thu Thúy (Bồ Đề, Long Biên)  chia sẻ: “Trước mắt vẫn lựa chọn gửi tiền ngân hàng, vì lợi ích chung lãi suất có giảm cũng đành phải chấp nhận. Chứ tính lợi ích riêng, thực lòng tôi không thỏa mãn với mức lãi suất hiện nay. Giá cả hàng hóa hiện không ổn định, như nhà tôi có hai con nhỏ phải dùng sữa nhiều mà giá mặt hàng này lại vẫn cứ tăng. Điều này khiến tôi cảm thấy khoản tiền tiết kiệm của mình bị hao hụt về giá trị”./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục