Lãi suất huy động tăng: "Sóng ngầm" báo hiệu cuộc cạnh tranh mới

Thanh khoản hệ thống ngân hàng đang có dấu hiệu căng thẳng, điều này được phản ánh qua mức lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng mạnh.
Lãi suất huy động tăng: "Sóng ngầm" báo hiệu cuộc cạnh tranh mới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong khoảng một tuần trở lại đây, một số tổ chức tín dụng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn với mức tăng 0,2-0,5%/năm. Tuy nhiên, đợt điều chỉnh này cũng mới chỉ ở một vài ngân hàng thương mại cổ phần và không công bố rầm rộ như các lần trước, điều này thể hiện nhu cầu huy động vốn đang tăng.

Những cơn "sóng ngầm" lãi suất huy động gần đây là dấu hiệu đầu tiên về sự gia tăng cạnh tranh thông qua công cụ lãi suất giữa các ngân hàng.

Tăng chủ yếu kỳ hạn ngắn

Nhằm thu hút nguồn tiền từ dân cư phục vụ cho nhu cầu tăng cao vào cuối năm, ở những lần tăng trước các ngân hàng chủ yếu nâng lãi suất ở các kỳ hạn dài nhưng lần này lại tập trung vào các kỳ hạn ngắn với mức tăng từ 0,2-0,5%/năm.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Mới đây, VPBank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động với mức tăng 0,3%/năm. Ở kỳ hạn từ 1-2 tháng, ngân hàng hiện đang trả lãi ở mức 5,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng, lãi lên mức 5,3%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 7%/năm.

Ngân hàng An Bình cũng tăng 0,2%/năm ở các kỳ hạn 1, 2, 3 và 12 tháng. Theo đó, lãi suất huy động của ngân hàng này kỳ hạn 1 và 2 tháng lên mức 4,9%/năm. Kỳ hạn 3 tháng, lãi lên mức 5,1%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 6,9%/năm.

Ngoài ra, một vài ngân hàng còn cộng thêm lãi cho khách hàng bán vàng và USD chuyển sang VND và gửi tại ngân hàng với mức thưởng từ 0,1-0,3%/năm tùy theo mức gửi và kỳ hạn gửi.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại khác cũng đã điều chỉnh lãi suất kỳ hạn từ 1-6 tháng như Eximbank, Sacombank.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Quân đội (MB), lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng trong nửa đầu tháng 12. Thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng phản ánh qua mức lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng mạnh.

Theo công ty này, lãi suất liên ngân hàng đã tăng khoảng 1,3 đến 0,91 điểm % ở các kỳ hạn qua đêm đến một tháng trong hai tuần đầu tháng 12 (do nhu cầu nguồn cầu vốn ngắn hạn vào thời điểm cuối năm tăng). Thanh khoản của hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng thể hiện bằng mức lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng mạnh.

Theo đó, lãi suất qua đêm trong 2 tuần gần đây đã tăng từ mức 3,2%/năm lên mức 4,6%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tuần tăng lên mức 4,7%/năm và lãi suất một tháng ở mức 4,86%/năm. Ước tính trong năm 2015, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt trên 17%, tăng đáng kể so với mức 14,34% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao có thể sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng và đẩy lãi suất tăng nhẹ trong thời gian tới.

Một điểm khác biệt nữa thể hiện việc nhu cầu vốn đang tăng là trong hai năm trở lại đây ở những ngày cuối năm này các ngân hàng không đưa ra chương trình khuyến mãi đối với huy động nhưng hiện tại nhiều ngân hàng đã bung ra các chương trình khuyến mãi lớn với các phần quà hấp dẫn trị giá lên tới 1 tỷ đồng hoặc xe ôtô trị giá 500-700 triệu đồng.

Cửa tăng lãi suất vào năm 2016 đang lớn dần

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS), lãi suất có thể đi theo một chu kỳ mới và nhích nhẹ dần lên từ quý 3/2016 đến cuối năm với kỳ vọng từ 25-50 điểm phần trăm. Ngoài ra, tiền đồng có thể phá giá khoảng 3-4%. Tuy nhiên, nếu tỷ giá biến động mạnh hơn và gây áp lực đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, điều này sẽ gây gián tiếp cho lãi suất tăng nhanh và nhiều hơn so với kỳ vọng.

Theo phân tích của VDS, quản trị thanh khoản là một bài toán các ngân hàng thương mại phải đối mặt trong việc cân đối mối quan hệ giữa lợi ích, chi phí và rủi ro. Trong năm 2015, song hành với câu chuyện tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế, hoạt động cho vay trong nước cũng tăng tốc theo, ước tính tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 17% so với cuối năm 2014. Không những thế, những thuận lợi đến từ mặt bằng lạm phát thấp và thanh khoản trên thị trường dồi dào tạo bước đệm tốt cho chính sách điều hành lãi suất.

Bước sang năm 2016, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng nhu cầu vốn cho nền kinh tế ước tính sẽ cao hơn năm 2015, xoay quanh mức 18-20%.

Bên cạnh đó, yếu tố bên ngoài như việc Fed quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua sau khi nền kinh tế Mỹ cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Tuy nhiên, dự báo gần đây của Goldman Sachs cho rằng, Fed nâng lãi suất hầu như không ảnh hưởng đến chính sách lãi suất của các nền kinh tế lớn ở châu Á trong năm 2016.

Đối với Việt Nam, VDS cho rằng điều này sẽ tác động thuận chiều lên chính sách tiền tệ hơn là nghịch chiều nhưng có độ trễ từ 6 tháng đến 1 năm. Chính vì vậy, Công ty này kỳ vọng việc điều chỉnh có thể xảy ra cuối năm 2016 với mức tăng khoảng 25-50 điểm cơ bản.

Cũng cùng quan điểm, ngân hàng HSBC cho rằng, lạm phát sẽ tăng từ mức thấp kỷ lục 0,5% trong năm 2015 lên mức 4,8% vào cuối năm 2016.

"Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu nội địa tăng dần sẽ dẫn tới áp lực lạm phát cao hơn trong năm 2016," chuyên gia của HSBC dự đoán.

Tuy nhiên, các chuyên gia HSBC cho rằng, áp lực lạm phát vẫn thấp, có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước có cơ hội giữ lãi suất ổn định trong thời điểm hiện tại.

Chính vì vậy, HSBC vẫn khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chuyển sang biện pháp quản lý thắt chặt vào năm sau và kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% nữa trong quý 3/2016 đưa mức lãi suất thị trường mở lên 5,5%.

Như vậy, đặt trong bối cảnh tăng trưởng mạnh trong hoạt động cho vay, nhu cầu huy động vốn cũng sẽ tăng tốc trong năm sau. Những cơn "sóng ngầm" điều chỉnh lãi suất huy động gần đây là dấu hiệu đầu tiên về sự gia tăng cạnh tranh thông qua công cụ lãi suất giữa các ngân hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục