Lãi suất "vào 10, ra 12": Nhiệm vụ bất khả thi

Mục tiêu hạ lãi suất “vào 10, ra 12” ngày càng trở nên khó thực hiện khi huy động vốn ngày càng khó và lạm phát dự báo sẽ tăng.
Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã hạ lãi suất huy động VND xuống 11% theo sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại với Hiệp hội ngân hàng. Tuy nhiên, mục tiêu hạ lãi suất “vào 10, ra 12” của Chính phủ thì lại đang ngày càng trở nên khó thực hiện hơn khi huy động vốn ngày càng khó và lạm phát từ nay đến cuối năm dự báo sẽ tăng.

Biến dạng đường cong lãi suất

Hiện nay hầu hết các ngân hàng đều niêm yết lãi suất huy động tối đa là 11%/năm, tuy nhiên, mức lãi suất này được áp dụng cho hầu hết các kỳ hạn.

Thoạt nghe, có vẻ như mặt bằng lãi suất đang rục rịch hạ xuống. Nhưng thực chất, lãi suất huy động bình quân không hề giảm mà chỉ là sự nén chặt lại tính đa dạng, thậm chí đường cong lãi suất đang bị "duỗi thẳng" ra từ 1 đến 36 tháng, có ngân hàng còn kéo đến 60 tháng.

Các chuyên gia nhận định, đây là dấu hiệu bất thường của thị trường tiền tệ khiến các rủi ro về thanh khoản, rủi ro lãi suất và các rủi ro liên quan đến tài sản, công nợ của các ngân hàng thương mại đang lớn hơn bao giờ hết.

Với biểu lãi suất này, người có ý định gửi tiền sẽ không dại gì chọn kỳ hạn dài, trừ khi có thêm khuyến mãi. Do đó, hoặc là ngân hàng chỉ huy động được tiền gửi kỳ hạn ngắn, hoặc là huy động được tiền gửi ở kỳ hạn dài nhưng lãi suất thực (gồm khuyến mãi) chắc chắn cao hơn mức 11%/năm.

Thực tế, mặc dù nhiều ngân hàng liên tục tung ra các hình thức khuyến mại đa dạng và không kém phần hấp dẫn, khách hàng vẫn có thiên hướng chọn gửi kỳ hạn ngắn hơn là gửi kỳ hạn dài kèm khuyến mãi do sự lấn át của những băn khoăn về sự ổn định của giá trị tiền đồng.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng về phía mình. Một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội đã giảm lãi suất từ 11,5% xuống 11% nhưng lại tri ân các khách hàng bằng cách khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên với số tiền gửi tối thiểu 10 triệu đồng hoặc 1.000 USD sẽ nhận được quà tặng là các sản phẩm bảo quản thực phẩm cao cấp. Ngoài ra, các khách hàng còn có cơ hội nhận thêm quà tặng bằng tiền mặt khi giới thiệu khách hàng mới gửi tiết kiệm tại ngân hàng này.

Thậm chí, một ngân hàng lớn tại Hà Nội còn có chương trình khuyến mãi cho tất cả các khách hàng nữ khi gửi tiết kiệm VND, USD kỳ hạn 3,6,12 hoặc 15 tháng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi của sản phẩm như hưởng lãi suất hấp dẫn và được cộng thêm lãi suất ưu đãi khi tiếp tục gửi tiền; được hưởng lãi suất ưu đãi tròn tháng khi thanh toán trước hạn; chuyển nhượng sổ tiết kiệm, sử dụng sổ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm để vay vốn, phát hành thẻ tín dụng quốc tế.

Theo chuyên gia tài chính Cao Sĩ Kiêm, xảy ra tình trạng chạy đua khuyến mãi như hiện nay là do cuối năm các doanh nghiệp đều đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sản xuất kinh doanh, dự trữ nguyên liệu... do vậy nhu cầu vay vốn rất lớn. Nhu cầu tiền mặt để chi trả lương, thưởng cuối năm cũng tăng cao nên ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn để dự phòng thanh khoản. Tuy nhiên người dân hạn chế gửi tiền dẫn đến khả năng cung ứng tín dụng của ngân hàng hạn chế. Lãi suất huy động đã kịch trần 11%/năm ở các kỳ hạn thì việc ngân hàng phải “dấm dúi” bằng lãi suất thưởng, quà tặng... là tất yếu.

Lạm phát gây sức ép lên lãi suất

Điều đáng lo ngại hiện nay là chỉ số CPI từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu, theo thông lệ hàng năm cứ gần đến cuối năm sức mua tăng gây sức ép lên việc tăng giá.

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, chỉ số CPI của 10 tháng đã tăng 7,58%, gần bằng mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm là 8%. Nếu hạ lãi suất huy động sẽ khiến người gửi tiền e ngại, quay sang USD vì lãi suất USD ngày càng tăng mạnh. Khi đó, nguồn vốn huy động của ngân hàng sụt giảm, càng gây khó khăn hơn cho mục tiêu hạ lãi suất.

Đồng quan điểm trên, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam dự báo đến cuối năm lạm phát có thể sẽ lên khoảng 9%. Lãi suất huy động 11%/năm vẫn đảm bảo thực dương cho người gửi tiền. Nhưng nếu giá vàng còn biến động bất thường, tỷ giá bất ổn... như thời gian qua thì mức lãi suất 11%/năm không đủ sức hấp dẫn người gửi.

Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), thông lệ hàng năm, bình quân CPI tăng trên 1% cho cả hai tháng cuối năm. Tuy nhiên xác suất tăng 4% trong hai tháng như năm 2007 vẫn có thể xảy ra nếu thị trường xuất hiện những yếu tố biến động, căng thẳng.

Ông Ánh cho rằng, thực chất của việc kiềm chế lạm phát đang nằm ở vấn đề kinh tế vĩ mô chứ không chỉ bình ổn giá cả. Điều cần làm hiện nay là tập trung các biện pháp chính sách tiền tệ, tài khóa, đặc biệt là chi tiêu ngân sách, về tăng cung tiền cũng như tín dụng cho nền kinh tế và kết hợp chính sách tỉ giá hối đoái, chính sách thương mại. Các chính sách này phải đảm bảo phòng ngừa lạm phát tăng lại trong năm tiếp theo.

“Phương án hút tiền trong lưu thông nếu thực hiện vẫn nhằm đạt mục tiêu ổn định, kiểm soát được lạm phát ở mức một con số trong năm 2010,” ông Ánh nói.

Ông Kiêm kiến nghị, ngân hàng muốn giảm lãi suất phải giảm được chi phí, đồng thời Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ bằng cách cho họ sử dụng nghiệp vụ thị trường mở như cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu đúng địa chỉ, liều lượng hợp lý./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục