Lại thêm một ngày tồi tệ của chứng khoán thế giới

Triển vọng kinh tế thế giới mờ mịt cộng với mối lo nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ) đang rơi vào một cuộc suy thoái nặng nề

Triển vọng kinh tế thế giới mờ mịt cộng với mối lo nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ) đang rơi vào một cuộc suy thoái nặng nề
nhất trong hơn 3 thập kỷ qua một lần nữa lại nhấn chìm thị trường chứng khoán thế giới.

Các loại cổ phiếu chủ lực trên các thị trường châu Âu, châu Á và Mỹ Latinh trong ngày 16/10 tiếp tục sụt giá thảm hại, hầu như xóa sạch bức tranh phục hồi của hai ngày đầu tuần.

Tại châu Âu, chỉ số CAC 40 trên thị trường chứng khoán Paris, Pháp mất 5,92%, chỉ số FTSE 100 trên thị trường London, Anh giảm 5,35% và Frankfurt, Đức giảm 4,91%, trong khi hai chỉ số chứng khoán hàng đầu của Mátxcơva, Nga là RTS và Micex giảm gần 10%. Cổ phiếu niêm yết tại các sàn giao dịch chứng khoán Milan, Madrid, Amsterdam và Zurich cũng giảm từ hơn 3% đến gần 7%.

Nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán châu Âu không thể thoát ra khỏi "vòng xoáy" là do Chính phủ Thụy Sĩ vừa đưa ra đề xuất gói cứu trợ trị giá 60 tỷ USD để tránh cho ngân hàng UBS khỏi sụp đổ và các nhà lãnh đạo châu Âu đang tăng sức ép đòi cải tổ hệ thống tài chính thế giới.

Tại châu Á, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Tokyo, Nhật Bản lại trải qua một ngày giao dịch tồi tệ nhất trong hai thập kỷ qua, khi giảm tới 11,41%. Đặc biệt, các cổ phiếu của ngân hàng cũng bị tấn công mạnh sau khi chứng kiến một loạt ngân hàng của Mỹ chịu tổn thất nặng nề.

Trong khi đó, bên kia bờ Thái Bình Dương, thị trường chứng khoán Phố Wall - thị trường số 1 thế giới trong phiên giao dịch cuối ngày 16/10 lại "nóng" lên với kết quả giao dịch khá ấn tượng, nhờ giá dầu thô giảm và tình hình tín dụng bớt căng thẳng hơn. Sau khi sụt giảm 733,08 điểm (tương đương 7,87% - mức giảm mạnh nhất trong 2 thập kỷ qua) vào phiên giao dịch cuối ngày hôm trước, chỉ số chủ lực Dow Jones vào cuối ngày 16/10 đã tăng 4,68% do các nhà đầu tư đổ xô mua những cổ phiếu được tung ra thị trường với giá rẻ ngày hôm trước khi sàn giao dịch chứng khoán New York lao dốc.

Đáng chú ý là vào lúc mở cửa phiên giao dịch 16/10, các chỉ số chủ lực đã tăng lên đôi chút nhưng sau đó lại trồi sụt thất thường, có lúc chỉ số Dow Jones giảm 0,28% trong khi chỉ số Nasdaq tăng 0,86%. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ vẫn trong tình trạng "rất dễ bốc hơi", vốn đang bị đông cứng bởi một loạt chỉ số kinh tế thảm hại.

Trong khi đó, giá các loại cổ phiếu tại thị trường chứng khoán khu vực Mỹ Latinh ngày 16/10 cũng sụt giảm. Các cổ phiếu của Colombia sụt giảm mạnh nhất (3,54%), tiếp đến là Mexico (3,21%) và Chile (1,46%). Các chỉ số của hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Brazil và Argentina giảm lần lượt là 1,06% và 0,01% so với ngày hôm trước.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày 17/10, chỉ số hàng đầu của Australia cũng tăng 3,1% sau khi đã giảm tới 6,7% vào cuối ngày hôm trước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục