Lại thêm những yếu tố kịch tính mới trong 'vở kịch' Brexit

Việc một nhóm gồm 7 nghị sỹ, trong đó có cả những người lâu nay vẫn chỉ trích lãnh đạo Công đảng đối lập, đã xin ra khỏi đảng để thành lập Nhóm Độc lập, có ý nghĩa gì với tiến trình Brexit?
Lại thêm những yếu tố kịch tính mới trong 'vở kịch' Brexit ảnh 1(Nguồn: BBC)

Theo trang mạng politico.eu, một nhóm gồm 7 nghị sỹ, trong đó có cả những người lâu nay vẫn chỉ trích lãnh đạo Công đảng đối lập, đã xin ra khỏi đảng để thành lập Nhóm Độc lập và mời những người có chung quan điểm từ tất cả các đảng chính trị khác cùng tham gia.

Tuyên bố trên trang mạng của mình, họ nhấn mạnh: “Để thay đổi nền chính trị đang bị phá vỡ, chúng tôi cần một nền văn hóa khác. Nhóm Độc lập đặt mục tiêu vượt qua những chia rẽ lỗi thời và cùng nhau giải quyết các vấn đề của Anh."

Sự kiện đầy bất ngờ này có ý nghĩa gì đối với tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit?

Tất cả 7 nghị sỹ trên đều là những người ủng hộ việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai và bày tỏ sự thất vọng với lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn, người không sẵn lòng đi theo con đường đó. Đây là những lý do góp phần vào quyết định rời Công đảng của họ.

Mặc dù sẽ là sai lầm khi cho rằng sự chia rẽ này là vấn đề chỉ do Brexit gây ra (sự tức giận đối với chủ nghĩa bài Do thái trong hàng ngũ Công đảng và những khác biệt lớn về chính trị cũng như tư tưởng với Corbyn cũng góp phần vào sự chia rẽ này), song vào thời điểm chỉ còn chưa đầy 40 ngày nữa Anh rời khỏi EU theo dự kiến, điều này có nghĩa là Brexit sẽ hoàn toàn chi phối chương trình nghị sự của nhóm nghị sỹ quốc hội mới thành lập này.

Điều đầu tiên cần lưu ý là tác động trong ngắn hạn của Nhóm Đối lập đối với thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May cũng như những cơ hội để họ được Hạ viện phê chuẩn là không đáng kể. Với tư cách là những người ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai, khả năng các nghị sỹ trong nhóm này ủng hộ thỏa thuận Brexit dường như là không có, trừ khi có một cuộc bỏ phiếu công khai - và có khả năng họ sẽ tham gia bỏ phiếu dù họ có thuộc Công đảng hay không.

[Nội bộ chính quyền của Thủ tướng Anh vẫn chia rẽ về Brexit]

Tuy nhiên, đây là một thời điểm thú vị để thúc đẩy chiến dịch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai. Một yếu tố quan trọng cần lưu ý là liệu những người ủng hộ khác trong Công đảng, đảng Dân chủ Tự do và thậm chí một số ít những nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ, có tập hợp trong Nhóm Độc lập khi “vở kịch” Brexit sẽ diễn ra ở Westminster trong vài tuần tới hay không?

Các nghị sỹ này đã tạo ra một nền tảng chính sách mơ hồ, và thậm chí mức nghị sỹ tối thiểu dường như được thiết kế để mô tả nhóm này như một “túp lều trống” mà các nghị sỹ với những niềm tin khác nhau có thể cảm thấy thoải mái khi gia nhập.

Trong khi đó, chiến dịch mang tên People’s Vote kêu gọi người dân bỏ phiếu công khai về thỏa thuận Brexit cuối cùng trong đảng ngay lập tức chia rẽ họ với những nghị sỹ ủng hộ Anh rời EU.

Phát ngôn viên chiến dịch People’s Vote nói: “Chúng tôi không phải là một đảng chính trị, do đó chúng tôi sẽ không cho phép mình được liên kết với một phe phái của bất kỳ đảng chính trị nào."

Người này cho rằng ưu tiên của chiến dịch vẫn là thuyết phục lãnh đạo Công đảng ủng hộ một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai.

Sự ủng hộ của toàn Công đảng, sau tất cả, sẽ là con đường thực tế duy nhất để thúc đẩy Hạ viện phê chuẩn một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai.

Dưới thời Thủ tướng Theresa May, và với một phe phái lớn gồm những người ủng hộ Brexit đầy bảo thủ, đảng Bảo thủ sẽ không bao giờ tán thành cách tiếp cận như vậy. Do đó, không có gì lạ khi nhóm chiến dịch People’s Vote không muốn liên kết với Nhóm Độc lập.

Bảy nghị sỹ này sẽ rất mờ nhạt bởi thiếu vắng sự ủng hộ của Công đảng - trong trường hợp nhóm chiến dịch này liên kết với họ (bởi họ sẽ phải ngồi trong Quốc hội với tư cách độc lập, bỏ phiếu với tư cách độc lập, đấu tranh trong cuộc bầu cử với tư cách độc lập, và sau đó độc lập giúp đảng Bảo thủ nắm quyền).

Ngược lại, có một rủi ro đối với Nhóm Độc lập khi việc ly khai của họ sẽ chẳng đạt được gì ngoài việc khiến quyết tâm không ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân lần hai của Công đảng ngày càng mạnh mẽ hơn.

Giới lãnh đạo Công đảng sẽ không chọn việc xa cách một nửa dân số - và 1/3 cử tri Công đảng - những người ủng hộ Anh rời EU. Do đó, việc những người vừa rời khỏi đảng quay lại quở trách đảng là điều có lẽ không mấy thuyết phục.

Bản thân Chuka Umunna, một trong 7 nghị sỹ thuộc Nhóm Độc lập, lại suy nghĩ khác. Ông nói trong cuộc họp báo hôm 18/2 rằng 7 nghị sĩ rời Công đảng có thể giúp thuyết phục Corbyn “ làm điều đúng đắn” và ủng hộ một cuộc bỏ phiếu công khai mới. Quyết định rời đi chắc chắn cho thấy Nhóm Độc lập nghĩ rằng họ có thể tác động tới việc Anh rời EU (hoặc không rời EU) thay vì chỉ đơn giản là vạch ra một hướng giải quyết trong tương lai cho một quốc gia bên ngoài EU.

Có thể họ hy vọng rằng các cuộc thăm dò ý dân sẽ cho thấy lập trường Brexit của Nhóm Độc lập sẽ khiến lượng lớn cử tri tính đến việc quay lưng với Công đảng - và rằng điều này sẽ là một sự thúc đẩy mạnh mẽ để Công đảng thay đổi hướng đi. Đây là một chiến lược đầy rủi ro và cơ hội thành công của chiến lược này là vô cùng mơ hồ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục