"Làm cho quan hệ Trung-Việt có sự phát triển mới"

Đại sứ Trung Quốc tại VN nhấn mạnh, không để những bất đồng về vấn đề trên biển ảnh hưởng tới sự phát triển thuận lợi của quan hệ hai nước.
Nhân dịp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Khổng Huyền Hựu mới nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin Đại sứ cho biết cảm nghĩ khi nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam?

Đại sứ Khổng Huyền Hựu: Tôi rất vui mừng được gặp các bạn phóng viên ngay sau khi mới sang Việt Nam được 1 tháng. Mặc dù những gì mà tôi được nhìn thấy, nghe thấy sau khi sang Việt Nam vẫn còn hạn chế, nhưng cảm nhận đầu tiên của tôi là Việt Nam đã thay đổi rất lớn.

So với 5 năm trước đây, Hà Nội đổi thay rất nhiều, tràn đầy sức sống, đâu đâu cũng có công trình xây dựng, có nhiều nhà cao tầng. Đặc biệt là tinh thần làm việc cần cù của nhân dân Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi. Thực tiễn đã chứng tỏ rằng, lựa chọn của lãnh đạo Việt Nam là đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế và nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất của nhân dân Việt Nam.

Trước khi đến làm việc tại Việt Nam, tôi đã có nhiều năm làm việc ở các nước phát triển. Mặc dù Việt Nam, Trung Quốc đều đang phát triển nhưng cũng như các nước đang phát triển khác, trình độ phát triển của đất nước, mức sống của nhân dân... vẫn có khoảng cách tương đối xa so với các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ rằng, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn còn là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi phải kiên trì.

Khi đến Việt Nam, tôi đã lần lượt đến chào các đồng chí lãnh đạo, đi thăm các bộ, ban, ngành của Việt Nam và tôi đều cảm nhận được quyết tâm của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược Trung Quốc-Việt Nam.

Trong thời kỳ chiến tranh cách mạng gian khổ cũng như trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa, là hai nước láng giềng, Trung Quốc và Việt Nam luôn ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau, nhân dân hai nước đã chung sống hòa bình, hữu nghị.

Tôi lấy làm vinh dự và vui mừng được đến làm việc tại Việt Nam, tận mắt chứng kiến những tiến bộ mới của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Là Đại sứ nhiệm kỳ thứ 16 của Trung Quốc tại Việt Nam, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để góp phần vào việc phát triển quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam.

- Ông nhìn nhận thế nào về kết quả hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc trong thời gian qua, cũng như triển vọng phát triển quan hệ trong thời gian tới?


Đại sứ Khổng Huyền Hựu: Với phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, trong những năm gần đây, quan hệ Trung-Việt được phát triển một cách toàn diện và sâu rộng. Các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên, liên tục, lãnh đạo của hai Đảng, hai nước thường xuyên gặp gỡ, trao đổi một cách kịp thời và sâu sát về quan hệ song phương, cũng như những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, qua đó củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước và đi tới nhiều thỏa thuận chung.

Trong những năm vừa qua, sự giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa các ngành, các địa phương của hai nước được đồng hành một cách có hiệu quả. Việc trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng và quản lý nhà nước của hai bên cũng không ngừng đi vào chiều sâu. Theo thống kê của phía Trung Quốc, năm ngoái hai bên đã trao đổi 334 đoàn các cấp sang thăm lẫn nhau, trong đó Đoàn đại biểu cấp Thứ trưởng trở lên là 125 đoàn.

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại của hai nước có nhiều kết quả tốt đẹp. Theo thống kê của phía Trung Quốc, năm ngoái, kim ngạch mậu dịch hai bên đạt trên 30 tỷ USD. Trung Quốc đã liên tục 7 năm trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. 6 tháng đầu năm nay, tình hình hợp tác kinh tế, thương mại của hai nước cũng rất đáng mừng; kim ngạch mậu dịch song phương đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 40,9% so với cùng kỳ.

Những vấn đề biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại đã từng bước được giải quyết một cách thỏa đáng. Năm ngoái, 3 văn kiện biên giới trên đất liền của hai nước Trung Quốc-Việt Nam đã chính thức có hiệu lực. Tháng 4 năm nay, Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Trung Quốc-Việt Nam cũng đã được chính thức khởi động, đặt cơ sở vững chắc cho việc phát triển một cách ổn định quan hệ giữa hai nước chúng ta.

Sự giao lưu giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa cũng diễn ra sôi nổi. Năm ngoái, hai bên chào mừng 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm Hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam, đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, trong đó có Diễn đàn nhân dân, có Liên hoan thanh niên hai nước với quy mô lớn và đã thu được kết quả tốt đẹp. Sau này, chúng ta cần tăng cường giao lưu trên lĩnh vực văn hóa, cần có những sáng tạo mới về hình thức trao đổi để làm cho quan hệ hai nước phát triển một cách lành mạnh và đi vào chiều sâu.

Cũng phải thừa nhận là giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn tồn tại vấn đề bất đồng trên biển, lãnh đạo hai nước cũng đã đi tới nhận thức chung quan trọng để giải quyết những bất đồng trên. Hạt nhân của nó chính là hai bên cần phải xuất phát từ đại cục hữu nghị của hai nước thông qua hiệp thương hữu nghị để tìm cho ra giải pháp mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Nếu không thể giải quyết vấn đề trong một thời gian cũng không nên làm cho bất đồng ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước.

Chúng tôi cho rằng, những nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo hai nước có ý nghĩa chỉ đạo rất quan trọng đối với chúng ta để giải quyết những tranh chấp, bất đồng đang tồn tại giữa hai nước, có lợi cho giữ gìn đại cục ổn định của hai nước và cũng có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Do đó, hai bên đã thành lập cơ chế bàn bạc cấp Chính phủ và cấp chuyên gia giải quyết vấn đề trên biển. Hiện nay, hai bên đang tiến hành thương lượng về Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển và đã có những tiến triển tích cực.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa, đều đang ở trong thời kỳ then chốt cải cách và phát triển. Xử lý một cách thỏa đáng bất đồng giữa hai nước, sẽ củng cố thêm tình hữu nghị Trung-Việt, tăng cường hợp tác cùng có lợi, phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nhân dân hai nước, cũng như có lợi cho hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực.

Chỉ cần hai bên đều đứng trên tầm cao chiến lược này để nhìn nhận những tranh chấp, bất đồng, sự khác biệt đang tồn tại giữa hai nước chúng ta, tôi cho rằng, đây chính là điểm căn bản, mấu chốt, là kế hoạch lâu dài thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định.

Sắp tới, ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện của Trung Quốc sẽ đến thăm Việt Nam, sẽ cùng với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp lần thứ 5 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương. Cuộc họp lần này diễn ra trong thời điểm Việt Nam đã bầu ra ban lãnh đạo khóa mới và quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đang đứng trước tình hình mới, nhiệm vụ mới.

Chuyến thăm này là sự kiện trọng đại trong quan hệ hai nước chúng ta trong năm nay, cũng là sự tiếp xúc quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước. Trong thời gian thăm tại Hà Nội, ông Đới Bình Quốc sẽ hội kiến và hội đàm với các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam, cùng điểm lại tình hình phát triển quan hệ Trung Quốc-Việt Nam trong một năm vừa qua và điều phối, đưa ra quy hoạch để thúc đẩy sự hợp tác trên các lĩnh vực, giữa các địa phương, ban, ngành hai nước trong thời gian sắp tới, thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Việt Nam phát triển một cách bền vững, lành mạnh và ổn định trong tình hình mới.

- Trong vai trò Đại sứ, ông có kế hoạch, dự định gì để thúc đẩy quan hệ hai nước trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam?

Đại sứ Khổng Huyền Hựu: Là Đại sứ Trung Quốc mới tại Việt Nam, tôi sẽ cố hết sức mình để thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, làm cho quan hệ Trung Quốc-Việt Nam có sự phát triển mới.

Tôi mong muốn triển khai một số trọng tâm công tác như, tăng cường giao lưu hữu nghị, tăng thêm tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị. Chúng ta cần phải tiếp tục duy trì các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước, để không ngừng chỉ rõ phương hướng phát triển đúng đắn cho quan hệ hai nước. Chúng ta cần thực hiện tốt cơ chế hợp tác giữa các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an... hai nước, cũng như giữa các Ban Đối ngoại, Tuyên giáo của hai Đảng. Đồng thời, chúng ta cũng phải không ngừng làm sâu sắc thêm sự giao lưu hợp tác, hữu nghị giữa các ngành, các lĩnh vực và các địa phương của hai nước.

Về mở rộng hợp tác kinh tế thương mại, tôi cho rằng, hai bên cần phải tích cực tạo điều kiện để sớm ký kết quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại; triển khai hợp tác lâu dài các dự án lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như các dự án công nghiệp; khẩn trương thực hiện các dự án hợp tác đã được xác định; tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác về đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Hai bên cần giải quyết một cách thỏa đáng những vấn đề do lịch sử để lại để đảm bảo cho quan hệ hai nước phát triển lành mạnh. Đối với những bất đồng về vấn đề trên biển, tôi tin rằng, miễn là hai bên nghiêm chỉnh thực hiện những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, tiếp thu, tham khảo một cách đầy đủ kinh nghiệm thành công về phân giới cắm mốc đường biên giới đất liền của hai nước, cũng như về phân định Vịnh Bắc bộ của hai nước, thì chúng ta nhất định có trí tuệ để tránh được, không để những bất đồng làm ảnh hưởng tới sự phát triển thuận lợi của quan hệ hai nước.

Không ngừng đưa giao lưu văn hóa, xã hội của hai nước đi vào chiều sâu, mở rộng giao lưu hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, du lịch, y tế, báo chí, thể dục thể thao... Không ngừng làm phong phú thêm hình thức giao lưu hợp tác, nội hàm hợp tác, tăng cường tuyên truyền giáo dục về tình hữu nghị Trung-Việt để tạo ra bầu không khí tốt đẹp cho việc thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước phát triển thuận lợi.

Hai bên cần tăng cường sự trao đổi và hợp tác, điều phối trên diễn đàn Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, cũng như Tiểu vùng sông Mekong... góp phần vào hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực, cũng như thế giới.

Tôi tin rằng, miễn là hai bên đều nắm đúng hướng phát triển quan hệ hai nước, không ngừng tăng thêm sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tăng cường trao đổi với nhau, quan hệ hợp tác Trung-Việt nhất định sẽ có sự phát triển mới ngày càng tốt đẹp.

Là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, tôi cảm thấy nhiệm vụ của tôi rất là nặng nề và lớn lao, nhưng tôi tin chắc rằng với sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và Chính phủ Việt Nam cũng như các giới của Việt Nam, tôi nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ Trung Quốc giao phó.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục