Làm gì để thay đổi thói quen dùng tiền mặt tại vùng nông thôn?

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng trong nước nói chung và người nông dân, nông thôn nói riêng thường sử dụng tiền mặt bởi phương thức thanh toán này rất nhanh, thuận tiện.
Làm gì để thay đổi thói quen dùng tiền mặt tại vùng nông thôn? ảnh 1Các đại biểu tham dự hội thảo. (Nguồn: NHNN)

"Muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thì trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Nếu người dân có hiểu biết đầy đủ hơn thì họ sẽ cảm thấy an toàn hơn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, từ đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng."

Đó là chia sẻ của ông Phạm Tiến Nam, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tại hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 28/9 tại Hà Nội.

[Đẩy mạnh thanh toán các dịch vụ công không dùng tiền mặt]

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Khắc Lợi, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, đặc biệt khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế. Theo thống kê, 99% người dân sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng có giá trị dưới 100.000 đồng, 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.

Nguyên nhân được ông Lợi chỉ ra là do thói quen và tâm lý ngại thay đổi của đa số người dân. Người tiêu dùng trong nước nói chung và người nông dân, nông thôn nói riêng thường sử dụng tiền mặt bởi phương thức thanh toán này rất nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi. Ngoài ra, tiền mặt giúp họ dễ dàng quản lý ngân sách mà không lo phát sinh chi phí; đồng thời thanh toán bằng tiền mặt bảo đảm an toàn, riêng tư bởi không để lại dấu vết giao dịch và không lộ thông tin cá nhân.

Theo thông tin từ ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, thống kê hiện nay ở khu vực nông thôn có trên 60% người dân đã sử dụng điện thoại thông minh, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phải mở rộng các điểm mạng lưới chấp nhận thẻ để giúp cho người dân cũng như điểm giao dịch nhỏ lẻ ở khu vực xa xôi.

Ông Sơn cho biết, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và triển khai Đề án thí điểm một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, qua đó sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn để mở rộng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện quy trình xử lý giao dịch của ngân hàng theo hướng số hóa, tự động hóa, an toàn và thuận tiện. Kết hợp giữa ngân hàng và viễn thông phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn (thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số… ) nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và cả đối với những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các tổ chức tín dụng, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Làm gì để thay đổi thói quen dùng tiền mặt tại vùng nông thôn? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam đề xuất, muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thì trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Nếu người dân có hiểu biết đầy đủ hơn thì họ sẽ cảm thấy an toàn hơn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, từ đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng.

"Việc tuyên truyền một cách cụ thể cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay trong nền kinh tế chứ không phải tung hô cho các hình thức thanh toán mới để khách hàng hiểu hơn, nắm được ưu nhược điểm của từng hình thức, rồi từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức phù hợp nhất với mình. Có như vậy, những thay đổi này mới thực sự xuất phát từ nhu cầu tự thân và mới khiến cho khách hàng xóa đi thói quen và tập quán thanh toán chi tiêu bằng tiền mặt," ông Nam nhấn mạnh.

Tại phần trao đổi, ông Nguyễn Văn Hạnh (xã Đan Phượng - Hà Nội) đặt câu hỏi: Việc thanh toán không dùng tiền mặt có thuận lợi thế nào và có an toàn hơn dùng tiền mặt không?

Ông Sơn khẳng định việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiện lợi hơn rất nhiều. Ví dụ, sử dụng thẻ ngân hàng ATM sẽ được toàn bộ các điểm chấp nhận thẻ trên toàn quốc với khoảng 300.000 điểm tiếp nhận thẻ, giúp cho người dân có thể dễ dàng chuyển tiền cho người thân, khách hàng… Mặt khác, sử dụng thanh toán tiền mặt có nguy cơ gặp phải tiền giả, mất trộm, mất cắp trong khi không dùng tiền mặt sẽ thuận tiện và an toàn hơn rất nhiều.

Còn ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Lucavi có trụ sở tại Bắc Ninh chuyên về chăn nuôi chế biến gia cầm cũng cho rằng nếu muốn phát triển được hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn thì phải đẩy mạnh tuyên truyền, ngân hàng cam kết về tính an toàn, bảo mật. Đặc biệt là trong thời gian gần đây nhiều vụ mất tiền lúc nửa đêm khiến nhiều người lo lắng.

Về vấn đề này, ông Sơn cũng cho biết thêm, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay vấn đề quan trọng nhất là niềm tin. Vừa qua, việc mất niềm tin của khách hàng chỉ là những vụ hi hữu và chỉ nằm trong số hàng chục triệu giao dịch mỗi ngày.

"Cho dù nguyên nhân xuất phát từ đâu, do ngân hàng hay lỗi người sử dụng cũng khiến người dân lo ngại. Chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước sẽ luôn theo dõi sát các vấn đề này và khẳng định khi xảy ra sự cố phải đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân bị mất tiền,” ông Sơn nói.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục