Làm gì để thu hút du khách Nga đến VN nhiều hơn?

Nga được xác định là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam nhưng lữ hành trong nước đang gặp khó để khai thác tiềm năng này.
Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm nay, du khách Nga đến Việt Nam đạt 189.317 lượt khách, tăng 63,1% so với cùng kỳ năm 2012.

Và mặc dù đứng thứ 8 trong 10 quốc gia chi tiêu quốc tế nhiều nhất vào Việt Nam nhưng khách du lịch đến từ Liên bang Nga nhờ tăng trưởng cao nhất với mức chi tiêu của chủ thẻ visa tăng 67%, từ mức 17,7 triệu USD lên mức 29,5 triệu USD nên được Tổng cục Du lịch xác định là thị trường tiềm năng nhất cần tập trung đẩy mạnh khai thác.

Tiềm năng lớn là vậy nhưng các Công ty lữ hành lớn như Saigontourist, Vietravel vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác nguồn khách này.

Sức hút Việt Nam

Nhận định về tiềm năng khách Nga, giám đốc Khu vực của Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào-bà Lorijon Bacchi, cho biết: “Người Nga không đi du lịch quá thường xuyên nhưng có mức chi tiêu khá cao, mức tăng cao nhất từ những khách du lịch giàu có và những người trong độ tuổi 25-34 tuổi. Yếu tố then chốt trong việc lựa chọn điểm đến du lịch chính là trải nghiệm văn hóa.”

Hai điểm đến được các gia đình Nga ưu tiên lựa chọn là thành phố Đà Nẵng và trung tâm nghỉ dưỡng Nha Trang, với hơn 13 chuyến bay đến Việt Nam mỗi tuần.

“Họ đi du lịch chủ yếu vào mùa đông để nghỉ dưỡng nên rất chuộng các khu nghỉ dưỡng biển, nhất những khu resort cao cấp. Ngoài ra, họ cũng rất chịu chi tiêu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thưởng thức hải sản, đồ uống và mua sắm đồ lưu niệm… Gần đây, họ có xu hướng kết hợp đi du lịch hai nước trong cùng một chuyến đi, mỗi chuyến đi thường kéo dài hơn 10 ngày với gia đình hoặc theo nhóm,” Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) Lê Tuấn Anh cũng nhận định.

Thống kê cũng cho thấy, tính riêng năm 2012, khách Nga đã tạo ra 206,185 hóa đơn du lịch cho Việt Nam, tăng tới 98,1% so với năm trước đó.

Từ nhu cầu du lịch của người dân Nga ngày càng cao như hiện nay, theo ông Tuấn Anh chỉ cần ngành du lịch cố gắng thu hút thêm 2% khách tới Việt Nam thì thị trường này cũng đã đứng vị trí thứ 4 trong nhóm 10 nước có du khách đến Việt Nam đông nhất. Và mục tiêu từ năm 2015 du lịch trong nước sẽ đón 350.000 khách Nga.

Lữ hành gặp khó


Khách tìm đến đông là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Việt, nhưng chia sẻ câu chuyện này với một số doanh nghiệp lữ hành lớn như Saigontourist, Vietravel... vẫn thấy còn nhiều khó khăn.

Đại diện Công ty Saigontourist, bà Đoàn Thị Thanh Trà cho biết: “Nhu cầu chủ yếu của họ là nghỉ biển dài ngày tại một địa điểm chứ không đi theo chương trình thăm quan qua các địa phương, vùng miền khác nhau, nên việc cung ứng phòng khách sạn vào mùa cao điểm rất khó khăn. Hiện, các dòng sản phẩm cho khách Nga của Saigontourist đều tập trung vào nghỉ dưỡng tại Phan Thiết, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng chứ chưa thể giới thiệu các danh lam thắng cảnh của đất nước với họ một cách rộng rãi.”

Theo bà Thanh Trà, cũng bởi đặc thù lãnh thổ Liên bang Nga rộng lớn, các vùng miền cách nhau rất xa, việc đi lại mất nhiều thời gian và chi phí nên cũng làm hạn chế việc tiếp cận và khai thác các khu vực tiềm năng khác. Nhiều khu vực chưa có đường bay trực tiếp đến Việt Nam mà chủ yếu phải quá cảnh tại Moscow hoặc qua nước thứ ba khiến giá tour tăng (do thêm các chặng bay, mất thêm thời gian bay-quá cảnh...).

Trong khi đó, đối tượng khách Nga qua Công ty Vietreval không những có xu hướng du lịch theo dạng nghỉ dưỡng mà còn du lịch kết hợp chữa bệnh truyền thống phương Đông (y học dân tộc cổ truyền).

“Nhưng hiện tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu để khai thác tốt hơn nữa thị trường khách này. Sản phẩm du lịch kết hợp chữa trị theo hình thức y học dân tộc còn khá nghèo nàn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia…,” đại diện Vietravel, Giám đốc Khối thị trường Nước ngoài, ông Phan Hồ Hải đánh giá.

Ông Hồ Hải cũng cho hay, số lượng phòng thiếu trầm trọng trong giai đoạn từ tháng Mười một đến tháng Tư hàng năm ở những điểm du lịch nổi tiếng được khách yêu thích như Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc.

Đặc biệt, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch quốc tế biết tiếng Nga hiện nay ở Việt Nam mới có 418 người, con số quá ít so với nhu cầu phục vụ khách tối thiểu và đúng quy định hiện hành.

Giải pháp cho thị trường lớn

Tiềm năng có nhưng để khai thác thị trường Nga hiệu quả, theo Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) Lê Tuấn Anh, ngành du lịch nội địa sẽ phải “nghiên cứu sâu và toàn diện về những sản phẩm du lịch phù hợp các phân khúc thị trường khác nhau, bởi đất nước Nga rất rộng lớn với đặc điểm, tâm lý, sở thích của khách du lịch không đồng nhất.”

Song song, công tác xúc tiến, quảng bá cho thị trường Nga cũng cần đầu tư tương xứng, từ việc xúc tiến du lịch tại chỗ tới tận dụng thế mạnh của internet, quảng bá qua các website bằng tiếng Nga... Đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, điều hành, bán tour bằng tiếng Nga cũng cần được đào tạo để tăng cường về số lượng và chất lượng nhằm đảm bảo hiệu quả cho các giao dịch.

Về hướng du lịch kết hợp chữa bệnh theo hình thức y học dân tộc, ông Tuấn Anh cho biết, về mặt chủ trương thì Tổng cục Du lịch rất muốn phát triển loại hình du lịch này nhưng để giới thiệu thành một sản phẩm hoàn chỉnh thì chưa đủ năng lực. Vì ở Việt Nam chưa có cơ sở ý tế nào được đầu tư đến tầm có thể đón được khách quốc tế.

“Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch cũng khuyến khích các doanh nghiệp và các địa phương tự vận động. Nếu họ tìm được nhà đầu tư thì Tổng cục có thể tư vấn hoặc cùng kết hợp giới thiệu đối tác rồi sẵn sàng hỗ trợ quảng bá...,” ông Tuấn Anh khẳng định.

Để đạt mục tiêu đón 350.000 khách vào năm 2015, ông Tuấn Anh cho biết, Tổng cục đã và sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp khai thác thị trường Nga, thông qua việc phối hợp xúc tiến điểm đến quốc gia, điểm đến địa phương, các sản phẩm dịch vụ du lịch tại các hội chợ du lịch quốc tế tổ chức tại Nga.

Ngoài ra, Tổng cục cũng khuyến khích và phối hợp với các hãng hàng không trong và ngoài nước, các doanh nghiệp lữ hành, tăng các chuyến bay đến các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam như Cam Ranh, Phú Quốc; tăng cường phổ biến các ấn phẩm điện tử bằng tiếng Nga quảng bá cho du lịch Việt Nam; trao đổi, phối hợp với cơ quan du lịch Nga thực hiện các cam kết hợp tác theo kế hoạch đã ký kết giữa hai bên./.
Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục