Làm rõ trách nhiệm trong công tác chống tội phạm

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của đơn vị và của người đứng đầu cơ quan trong công tác phòng chống tội phạm.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, trong ngày 17/9, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và đại diện một số bộ, ngành dự phiên họp.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Lãnh đạo Bộ Công an báo cáo tại buổi làm việc, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, năm 2013, tình hình tội phạm cơ bản đã được kiềm chế, nhiều loại tội phạm giảm, nhưng còn diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý là hoạt động của các băng, nhóm tội phạm có xu hướng phức tạp trở lại ở các tỉnh, thành phố lớn và những khu vực, địa bàn giáp ranh; còn xảy ra nhiều vụ xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và phát triển kinh tế-xã hội; tình trạng vi phạm trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải ở các khu công nghiệp, khu đô thị vẫn còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ngoài ra, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản còn diễn ra ở nhiều địa phương; tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đối tượng sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ.

Theo báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân tình trạng trên chủ yếu là do sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Mặc khác, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, nhất là trong thanh thiếu niên; công tác cai nghiện ở một số địa phương hiệu quả còn thấp; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa hiệu quả. Công tác phòng ngừa nghiệp vụ của các lực lượng chức năng còn hạn chế, chưa chủ động nắm chắc tình hình nổi lên trên một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm…

Báo cáo của các ngành kiểm sát, tòa án cho thấy, trong năm 2013, tiến độ, chất lượng giải quyết án; hạn chế oan, sai và bỏ lọt tội phạm được cải thiện. Tuy nhiên, một số vụ án việc giải quyết còn để kéo dài, nhất là đối với một số vụ án về kinh tế và chức vụ do các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp trung ương giải quyết; tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung ở cấp trung ương còn cao; trách nhiệm công tố của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp...

Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán tuy có giảm nhưng chưa được như mong muốn, nhất là trong giải quyết các vụ án hành chính. Công tác tổng kết thực tiễn, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu thực tiễn công tác xét xử.

Ngành tòa án nhân dân cũng đã hoàn thành nhiều yêu cầu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 37 đề ra như tăng cường tranh tụng tại phiên tòa; đẩy mạnh việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động; làm tốt công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự...

Năm 2013, toàn bộ các cơ sở giam giữ được bảo đảm tuyệt đối an toàn, số phạm nhân trốn giảm thấp nhất từ trước đến nay. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị kết án tù, tử hình được nghiêm minh; công tác giáo dục, cải tạo đã có những cải cách tích cực.

Báo cáo thẩm tra về những nội dung của phiên họp do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày nêu rõ: Nội dung báo cáo của các đơn vị đã phản ánh khá đầy đủ các mặt công tác cũng như kết quả đạt được và hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến tán thành với những báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp về công tác thi hành án, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013, cũng như kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội trong năm qua.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn và cho rằng Báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh được toàn diện tình hình vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính trên các mặt của đời sống kinh tế-xã hội; chưa đánh giá, phân tích đầy đủ các nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong công tác thi hành án thời gian tới.

Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chưa phân tích, đánh giá toàn diện nguyên nhân của tình hình tội phạm, nhất là đối với những tội phạm có chiều hướng gia tăng như tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ… Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao chưa chỉ ra được những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác của Tòa án nhân dân các cấp mà trọng tâm là công tác xét xử các loại án…

Việc ban hành Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác tư pháp năm 2012 đã có tác động tích cực, tạo chuyển biến đồng bộ trong triển khai công tác giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án tòa án nhân dân tối cao tới các cấp, các ngành, địa phương, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng cần xử lý nghiêm hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật tại đơn vị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp các ngành trong việc để xảy ra tội phạm. Bên cạnh đó, phân tích và nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã.

Góp ý tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cơ bản nhất trí với những các báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và có thể trình những nội dung này tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các báo cáo đã nêu bật được những mặt tích cực cũng như hạn chế, khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần hướng tới củng cố, tăng cường các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở; đồng thời, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh, trật tự...

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị các cơ quan làm rõ nguyên nhân những tồn tại trong quản lý Nhà nước ở lĩnh vực quản lý tài chính, ngân hàng, đất đai... xác định rõ trách nhiệm của đơn vị và của người đứng đầu cơ quan trong công tác thi hành án, tình hình và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan lập báo cáo tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo báo cáo, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan cũng như chính quyền địa phương trong phòng ngừa tội phạm; đồng thời đưa ra những nhận định, đánh giá về tình hình tội phạm trong thời gian tới./.

Quang Vũ-Hồng Cường (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục