Làm sâu sắc thêm hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Bulgaria

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Bulgaria là dịp để hai nước trao đổi các biện pháp thúc đẩy, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác nhiều mặt.

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng hòa Bulgaria Plamen Oresharski và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6-9/4 tới.

Việt Nam và Bulgari đã có bề dày lịch sử quan hệ hữu nghị truyền thống hơn 60 năm. Thời gian qua, mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hai bên đang tích cực nghiên cứu triển khai “Mô hình hợp tác kinh tế mới” trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi nước.

Cộng hòa Bulgaria nằm ở Đông-Nam châu Âu với diện tích 110.910km2, dân số 6,98 triệu người. Từ năm 2010, kinh tế Bulgaria bắt đầu hồi phục tăng 0,4 %, năm 2011 tăng 1,8%.

Bulgaria đã thành công trong việc giảm nợ công trong 10 năm qua (từ 100% GDP xuống còn 16% GDP), giữ được thâm hụt ngân sách cũng như lạm phát dưới mức trung bình do EU đề ra trong 3 năm qua và là nước duy nhất trong EU được nâng bậc xếp hạng tín nhiệm trong thời kỳ khủng hoảng.

Các ngành kinh tế quan trọng của Bulgaria tập trung vào các lĩnh vực như điện, khí đốt, lọc dầu, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, sản xuất máy móc - thiết bị, các kim loại cơ bản (sắt, đồng, kẽm…), hóa chất, than cốc...

Bulgaria ưu tiên hội nhập toàn diện vào EU, đang phấn đấu gia nhập khối Schengen (Hiệp ước về đi lại tự do do một số nước châu Âu ký kết) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu… đồng thời tăng cường quan hệ với các nước láng giềng.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (8/2/1950), quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bulgaria không ngừng phát triển tốt đẹp. Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 8/1957 đã đặt thêm nền móng và dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Từ 1950 đến 1989 Bulgaria đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu cả về vật chất và tinh thần trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Gần đây, trong chính sách mở rộng và tăng cường quan hệ với các nước khu vực châu Á, Bulgaria đặc biệt quan tâm tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Lãnh đạo cấp cao của Bulgaria cũng bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức đối tác chiến lược. Hai nước cũng đẩy mạnh các chuyến thăm và làm việc giữa các lãnh đạo cấp cao.

Hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây tiến triển tích cực, duy trì ổn định. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 70-80 triệu USD/năm. Hai bên đang tích cực nghiên cứu triển khai "Mô hình hợp tác kinh tế mới" trên cơ sở tận dụng thế mạnh của mỗi nước.

Về đầu tư, Bulgaria hiện có 7 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn hơn 30 triệu USD, đứng thứ 57 trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Trong số 7 dự án đầu tư của Bulgaria có 5 dự án 100% vốn nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 14,96 triệu USD.

Hình thức liên doanh có 2 dự án với tổng vốn đăng ký 14,9 triệu USD. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 2 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 28 triệu USD. Lĩnh vực thông tin truyền thông có 3 dự án với tổng vốn đầu tư là 16,7 triệu USD. Hai dự án còn lại thuộc lĩnh vực khoa học-công nghệ và dịch vụ.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bulgaria trong các lĩnh vực khác như an ninh-quốc phòng, giáo dục-đào tạo, văn hóa cũng đạt nhiều kết quả tốt. Hai bên đang tích cực triển khai "Chương trình hợp tác giáo dục giai đoạn 2012-2016." Ngoài ra, phía Bulgaria khẳng định sẽ giúp đào tạo và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di sản, khảo cổ, cử chuyên gia sang giúp Việt Nam trùng tu một số di tích lịch sử.

Hiện có hơn 1.000 người Việt Nam sinh sống tại Bulgaria, phần lớn đều có cuộc sống ổn định, chủ yếu kinh doanh hàng may mặc, thủ công-mỹ nghệ hoặc nông phẩm. Cộng đồng người Việt tại đây có thuận lợi là hiểu biết sâu về nước sở tại vì một phần đáng kể trong số này từng học tập hoặc lao động xuất khẩu ở Bulgaria, có tri thức và quan hệ tốt với chính quyền. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cộng đồng, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.

Hai nước cũng hợp tác tốt với nhau tại các diễn đàn diễn đàn đa phương. Bulgaria ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009) và ứng cử Hội đồng Nhân quyền (2014-2016); Việt Nam ủng hộ Bulgaria ứng cử vào ECOSOC (Hội đồng kinh tế xã hội Liên hợp quốc) (2007-2009), Ủy ban Thanh tra Liên hợp quốc (2011-2013), Tổng Giám đốc UNESCO (2009-2013) và Thẩm phán tòa án công lý quốc tế ICJ (2011).

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Bulgaria là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi các biện pháp thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bulgaria, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư; triển khai "Mô hình hợp tác kinh tế mới," khuyến khích doanh nghiệp hai nước tiếp cận, tìm hiểu thị trường, tiềm năng cũng như nhu cầu của nhau và phối hợp hành động tại các diễn đàn quốc tế và khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục