Làm thế nào để thế hệ trẻ hứng khởi với di sản ca trù?

Hà Nội có 14 câu lạc bộ và nhóm ca trù đang hoạt động, trong đó 50 người có khả năng truyền dạy, 220 người thực hành, hàng trăm người theo học.
Làm thế nào để thế hệ trẻ hứng khởi với di sản ca trù? ảnh 1Ca nương Hải Lý, câu lạc bộ ca trù Ngãi Cầu, Hà Nội, biểu diễn 'Hát nói.' (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Là một trong 14 địa phương có Di sản văn hóa phi vật thể ca trù, Hà Nội được đánh giá là nơi ca trù có sức sống mạnh mẽ hơn cả. Điều này đặt ra trách nhiệm cho thành phố trong việc gìn giữ, phát huy, đưa ca trù ra khỏi danh sách Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Vấn đề này đã được bàn thảo tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức ngày 22/10.

Đầu tư cho việc trao truyền

Hà Nội có 14 câu lạc bộ và nhóm ca trù đang hoạt động, trong đó 50 người có khả năng truyền dạy, 220 người thực hành, hàng trăm người theo học. Các câu lạc bộ còn nắm giữ hơn 30 thể cách, điệu múa cổ, sáng tác thêm 18 làn điệu biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách.

Nhưng tại địa phương sở hữu nhiều di sản ca trù nhất trong cả nước này, việc trao truyền di sản vẫn gặp nhiều khó khăn.

Thực tế, thời gian qua, các các câu lạc bộ ca trù ở Hà Nội duy trì hoạt động chủ yếu bằng cái tâm của những người yêu ca trù. Sự hỗ trợ của địa phương mới chỉ rất khiêm tốn so với thời gian, công sức, kinh phí mà chính các ca nương, kép đàn bỏ ra. Nhưng với nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ, dù yêu ca trù nhưng nỗi lo cơm áo hằng ngày đã không đủ sức giữ họ ở lại với các câu lạc bộ.

Ca nương Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm giáo phường ca trù Thăng Long, chia sẻ: "Câu lạc bộ chúng tôi bỏ công đào tạo miễn phí nhiều ca nương nhưng họ không thể sống được nhờ ca trù nên bỏ sang làm nghề khác. Trong khi lớp trẻ không mặn mà với ca trù thì các nghệ nhân cao tuổi cũng thưa dần, các thế hệ kế cận cũng không có nhiều. Ngay cả các nghệ nhân, những người thường xuyên trao truyền di sản thì đa phần sức khỏe yếu, ảnh hưởng đến việc truyền dạy cho lớp kế cận."

Bà Trần Thị Hạnh, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đông Anh, cho rằng: "Để bảo tồn, phát triển ca trù, trước hết phải đầu tư về nguồn lực con người, đào tạo con người ngay tại mảnh đất đã sinh ra ca trù. Đó mới là cái gốc rễ của sự phát triển."

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để động viên các nghệ nhân cao tuổi tích cực trao truyền di sản ca trù cho thế hệ trẻ và làm sao để thế hệ trẻ hứng khởi với ca trù.

Trong khi nhiều năm qua, sự hỗ trợ của ngành văn hóa và các địa phương cho hoạt động của các câu lạc bộ chưa nhiều; cơ chế, chính sách đãi ngộ của Nhà nước cho người đang nắm giữ di sản lại chưa có.

Cần có chiến lược bảo vệ

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, từ khi ca trù được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Hà Nội bước đầu đã có sự quan tâm chăm lo cho hoạt động bảo tồn, phát triển ca trù. Năm 2017, thời điểm UNESCO yêu cầu Việt Nam báo cáo công tác bảo vệ khẩn cấp của ca trù đã đến gần.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Hà Nội là đơn vị cốt lõi trong nắm giữ di sản ca trù nên cần tiên phong, xây dựng các chính sách bảo vệ để các tỉnh, thành khác soi chiếu, làm theo.

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng Hà Nội cần xây dựng dự án bảo vệ trong vòng 2 năm tới để báo cáo Quốc gia, làm cơ sở để Quốc gia báo cáo UNESCO đưa di sản ca trù thoát ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Giải pháp tập trung trước mắt là đầu tư cấp tốc cho việc trao truyền di sản, thường xuyên tổ chức trình diễn, tư liệu hóa di sản, giáo dục di sản… Về lâu dài, Hà Nội cần xây dựng đề án, có định hướng cụ thể, có các cơ chế chính sách cho di sản ca trù.

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý cũng chia sẻ Nghệ thuật hát Xoan ở Phú Thọ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sau ca trù 2 năm nhưng đã xây dựng được đề án bảo vệ và được Chính phủ thông qua. Trong khi di sản ca trù lại chưa có. “Chúng ta chỉ thắng lợi khi chúng ta cùng cộng đồng xây dựng được biện pháp bảo vệ để ca trù phát triển bền vững,” tiến sỹ Lê Thị Minh Lý khẳng định.

Về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết trong khi Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ, các câu lạc bộ đã nâng cao vai trò của mình, tích cực hoạt động để bảo tồn và phát triển. Nỗ lực ấy, ngành văn hóa Hà Nội luôn ghi nhận và ngành cũng luôn trăn trở về chính sách, chế độ đãi ngộ các nghệ nhân, hỗ trợ cho các câu lạc bộ.

Cuộc tọa đàm này chính là cơ sở để Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng kế hoạch bảo tồn phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể ca trù giai đoạn 2016-2020, trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt.

Mặc dù việc xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể ca trù giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội đang ở giai đoạn đầu nhưng đây là động lực để các ca nương, kép đàn và những người yêu di sản ca trù thêm vững tin gắn bó với loại hình nghệ thuật này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục