Lấn chiếm vỉa hè - căn bệnh đã nhờn thuốc

Ai cũng biết vỉa hè dành cho người đi bộ, nhưng thực tế nhiều tuyến phố của Hà Nội, kể cả những tuyến phố cấm lấn chiếm hay trong lòng phố cổ, người đi bộ vẫn phải đi dưới lòng đường.
Ai cũng biết vỉa hè dành cho người đi bộ, nhưng thực tế nhiều tuyến phố của Hà Nội, kể cả những tuyến phố cấm lấn chiếm hay trong lòng phố cổ, người đi bộ vẫn buộc phải đi dưới lòng đường.

Tình trạng tận dụng triệt để vỉa hè để mở quán nước, bán hàng ăn đêm, ăn sáng, chứa vật liệu xây dựng, trông rửa xe... đang tái bùng phát như một căn bệnh đã nhờn thuốc!

Ngang nhiên lấn chiếm

Nếu ở phố cổ, vỉa hè trước mặt là "lãnh địa" của mỗi gia đình có nhà mặt tiền thì ở các đường phố khác của Hà Nội, vỉa hè là của chung mà ai cũng có thể chiếm dụng bao nhiêu tùy ý, miễn sao họ biết "chơi đẹp"...

Khi vỉa hè bị chiếm dụng thì khách bộ hành chỉ còn cách bước xuống lòng đường để đi và vô tình lấn chiếm đường của các phương tiện tham gia giao thông. Đã có không ít trường hợp khách bộ hành bị va quệt, mà nguyên nhân là do họ đi dưới lòng đường, không thể đi trên vỉa hè.

Vòng luẩn quẩn này đã được chính quyền sở tại của nhiều phường, không ít lần ra sức xử lý mạnh tay, nhưng sau một thời gian, đâu lại vào đó, chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa. Dọc đường Trần Nhật Duật, đoạn từ gầm cầu Long Biên đến gầm cầu Chương Dương, vỉa hè dành cho người đi bộ hiện đang bị hàng quán chiếm dụng hết.

Các cá nhân, hộ hành nghề “làm đẹp” xe hơi đã biến vỉa hè tuyến phố này thành nơi sửa xe, bán hàng ăn, hoa quả... của riêng mình.

Tại bến xe buýt Ô Quan Chưởng, người chờ đi xe buýt từ bến đầu tiên Long Biên đến các bến khác ngày nào cũng đông nghịt, nhưng do không có vỉa hè, nên mọi người thường xuyên tràn xuống lòng đường đứng đợi, vừa gây mất trật tự giao thông, vừa mất mỹ quan đô thị. Thậm chí, nhiều người đứng xuống lòng đường cũng không được yên vì bị những người chủ hàng bán hoa quả, nước... “nhắc nhở” với thái độ thiếu thiện chí.

Đảo qua nhiều tuyến phố lớn có vỉa hè rộng rãi, thoáng mát của Hà Nội như Đê La Thành, Kim Mã, Xuân Thủy, Thanh Niên, Phố Huế, Bà Triệu mặc dù có cả biển cấm kinh doanh, buôn bán, để xe trên vỉa hè, nhưng... vô giá trị, cấm cũng như không, vì song hành cùng biển cấm vẫn là la liệt những hàng quán tấp nập bán mua.

Có thể thấy lệnh cấm kinh doanh, buôn bán, để xe trên vỉa hè, lòng đường của thành phố ra đời gần 1 năm nay hiện không còn phát huy tác dụng, tình trạng hàng quán lấn chiếm không hề thuyên giảm mà gia tăng nhanh chóng, đòi hỏi một cuộc “đại phẫu” xử lý quyết liệt, mạnh tay.

Xử lý, trọng tâm là công tác tuyên truyền

Đội phó Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát trật tự của Công an thành phố Hà Nội Phạm Cao Bỉnh, cho biết để giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè hiện nay, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, xử lý các đối tượng vi phạm, việc tuyên truyền sâu rộng là biện pháp trọng tâm.

Khi người dân đã thấm nhuần chủ trương chính sách thì tự giác, họ sẽ ý thức được mặt lợi, mặt hại và chấp hành nghiêm. Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành tăng cường tuần tra xử lý từ 6h sáng đến 22h đêm.

Ngoài các tuyến phố nằm trong danh mục cấm để xe trên vỉa hè, buôn bán hàng rong, các quận xem xét để bố trí giao thông tĩnh theo Thông tư 04 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý đường đô thị nhằm giải quyết chỗ để xe cho người dân.

Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Lê Hồng Quân cũng cho biết, 3 tháng qua, lực lượng thanh tra đã xử phạt hành chính gần 400 vụ vi phạm trật tự vỉa hè, lòng đường, trong đó số vụ lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán chiếm tới hơn một nửa.

Giữ gìn trật tự trên vỉa hè là trách nhiệm của chính quyền địa phương kết hợp với đội thanh tra giao thông tại các quận, tuy nhiên, do lực lượng quá mỏng cộng với ý thức người dân chưa cao do đó có bị xử phạt họ vẫn cố tình vi phạm nên khó xử lý triệt để. Do đó, công tác tuyên truyền ý thức tự giác có vai trò quyết định.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã hoàn thành và trình thành phố kế hoạch tập trung xử lý tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông để kinh doanh, buôn bán trên từng quận, huyện từ nay đến hết tháng 12. Dự kiến, việc xử lý “mạnh tay” sẽ được tiến hành bắt đầu từ tuyến Cầu Giấy - Xuân Thủy - Phạm Văn Đồng.

Thành phố cũng đang tập trung triển khai chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống chợ, để bố trí đủ cho các hộ kinh doanh tại các chợ tạm, chợ cóc; hình thành hệ thống thương mại văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện kinh doanh, mua sắm cho nhân dân cũng như các hộ kinh doanh./.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục