Lần đầu công diễn vở nhạc kịch “Người giữ cồn”

Lần đầu tiên một vở nhạc kịch về con người và mảnh đất "chín rồng" được công diễn tại Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ trong hai đêm 22-23/4.
Trong hai đêm 22-23/4 tại Nhà hát Tây Đô (số 105 Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức công diễn vở nhạc kịch “Người giữ cồn” chào mừng các ngày lễ lớn và nhân sự kiện khánh thành cầu Cần Thơ - cây cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á.

Vở nhạc kịch “Người giữ cồn” được giáo sư-nhạc sĩ Ca Lê Thuần viết kịch bản trong vòng ba năm, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Nguyễn Thế Hùng (tác phẩm đạt giải nhất truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2005).

Nhạc sĩ Võ Đăng Tín, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vở nhạc kịch “Người giữ cồn” được dàn dựng công phu với kinh phí đầu tư hơn 700 triệu đồng, quy tụ gần 150 diễn viên gồm : dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, vũ kịch tham gia với các hiệu ứng ánh sáng, hoạt cảnh thể hiện làng xóm, biển cả, sông nước, mua bán trên sông, cảnh cây cầu mới xây.

Ông Tín cũng cho biết, đây là lần đầu tiên từ trước đến nay ở một vở nhạc kịch viết về mảnh đất “chín rồng” Đồng bằng sông Cửu Long được công diễn giới thiệu với công chúng.

Nội dung vở nhạc kịch “Người giữ cồn” kể về ông già giữ cồn trên sông Hậu trong lúc cuộc chiến tranh của nhân dân đang đi vào cao trào khốc liệt.

Trong cuộc chiến tranh ấy, tình yêu giữa người giữ cồn và cô du kích đã đơm hoa kết trái như chính cuộc sống tự do bất diệt người dân mảnh đất "chín rồng."

Khi niềm vui giải phóng đã cận kề cũng là lúc người giữ cồn nhận được hung tin người vợ sắp cưới đã hi sinh trong một trận chiến.

Từ đó, ông tình nguyện ở lại cồn để trông coi mộ của người vợ chưa cưới và thắp đèn cho tàu bè qua lại.

Ngày khánh thành cầu bắc qua sông Hậu, ông len lỏi qua dòng người đông đúc, ôm chân cầu và viết lên dòng chữ: "Nhắn những ai đi trên cây cầu, hãy nhớ bao người con trung kiên đã ngã xuống."/.

Thanh Sang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục