Lần đầu tiên có 2 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đạt chuẩn 6 sao

Sau 5 năm tổ chức xếp hạng, lần đầu tiên có 2 doanh nghiệp được xếp hạng cao nhất (6 sao) theo Bộ Quy tắc ứng xử (COC-VN) đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Lần đầu tiên có 2 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đạt chuẩn 6 sao ảnh 1Trao chứng nhận xếp hạng 6 sao COC-VN cho hai doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo kết quả một cuộc đánh giá của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, sau 5 năm tổ chức xếp hạng lần đầu tiên có 2 doanh nghiệp được xếp hạng cao nhất (6 sao) theo Bộ Quy tắc ứng xử (COC-VN) đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Đó là Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD và Công ty cổ phần xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (TTLC).

[Tuyển chọn 500 thực tập sinh đi Nhật Bản không mất phí môi giới]

Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp thực hiện COC-VN năm thứ 5 do Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam tổ chức ngày 24/4 tại Hà Nội.

106 doanh nghiệp tham gia xếp hạng

Có 106 doanh nghiệp được giám sát và đánh giá quá trình thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử năm thứ 5 (từ 1/1/2016 đến 31/12/2017), tăng 20 doanh nghiệp so với lần xếp hạng thứ 4. Hội đồng đánh giá và xếp hạng dựa trên thông tin thu nhập từ các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thanh tra Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ban Quản lý lao động Việt Nam ở các nước tiếp nhận lao động, kết quả phỏng vấn người lao động...

Kết quả đánh giá cho thấy có 2 doanh nghiệp nào được xếp hạng 6 sao, 53 doanh nghiệp xếp hạng 5 sao, 46 doanh nghiệp xếp hạng 4 sao, 5 doanh nghiệp xếp hạng 3 sao và không có doanh nghiệp nào xếp hạng 2 sao, 1 sao.

Mặc dù số doanh nghiệp tham gia COC-VN năm 2017 chỉ chiếm 34% số doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhưng số lao động do các doanh nghiệp này đưa đi chiếm tới gần 70% tổng số lao động xuất cảnh.

Lần đầu tiên có 2 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đạt chuẩn 6 sao ảnh 2

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam nhận định, các doanh nguyện xuất khẩu lao động khi tham gia đánh giá, xếp hạng đã có những chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện các quy thế hoạt động theo chuẩn mực của bộ quy tắc ứng xử. Nhiều doanh nghiệp đã không chỉ thụ động chờ hiệp hội đánh giá mà chủ động theo dõi, giám sát đánh giá nội bộ các bộ phận của doanh nghiệp.

Đánh giá về Bộ Quy tắc ứng xử, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, sau 5 năm thực hiện, quá trình giám sát, đánh giá COC-VN đã có sự tham gia đầy đủ của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các đối tác xã hội, người lao động di cư, các đối tác nước ngoài... Các doanh nghiệp được xếp hạng dựa trên kết quả thực thiện các hoạt động quảng cáo, tuyển chọn lao động, đào tạo, ký kết hợp đồng lao động, giải quyết tranh chấp và hỗ trợ lao động trở về.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng kỳ vọng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ tham gia thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử sẽ tiếp tục tăng để bảo vệ người lao động và xây dựng hình ảnh, uy tín của doan nghiệp, lao động Việt Nam.COC-VN 2018 tập trung vào tuyển dụng

COC-VN 2018 tập trung vào tuyển dụng

Bộ quy tắc COC-VN sẽ áp dụng năm 2018 được kỳ vọng sẽ giúp tăng tính minh bạch trong xếp hạng doanh nghiệp tuyển dụng, giải quyết những thách thức mà người lao động, đặc biệt là nữ lao động giúp việc gia đình, thường gặp phải.

Các chuẩn mực mới đưa ra trong bộ quy tắc năm 2018 sẽ tập trung nhiều hơn vào việc giảm phí cho người lao động bằng cách công bố minh bạch các chi phí trong các quảng cáo tuyển dụng, hợp đồng và chia sẻ thông tin về chi phí trong các khóa bồi dưỡng kiến thức cơ bản trước khi xuất cảnh.

Lần đầu tiên có 2 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đạt chuẩn 6 sao ảnh 3Tư vấn cho lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ông Nguyễn Lương Trào cho biết: “Quy tắc ứng xử mới thể hiện rõ hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế về chống phân biệt đối xử và các tiêu chuẩn được nêu trong Công ước 189 về lao động giúp việc gia đình.”

Các nguồn thông tin cơ bản cho công cụ giám sát được đề xuất gồm tự đánh giá của doanh nghiệp, rà soát tài liệu, giám sát thực địa và đối chiếu với Hội đồng giám sát và đánh giá Bộ Quy tắc chịu trách nhiệm đánh giá việc tuân thủ của các doanh nghiệp. Cùng với các thành viên giám sát trong Hiệp hội VAMAS, quá trình giám sát và đánh giá của Bộ Quy tắc, ngoài VAMAS cũng bao gồm chính người lao động, đại diện của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Vụ Bình đẳng giới của (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam nhấn mạnh, “Việc xây dựng các bộ quy tắc ứng xử và công cụ giám sát là phương tiện quan trọng để thông qua đó cải thiện hoạt động kinh doanh, khuyến khích chia sẻ thông tin tin cậy cho người lao động. Hoạt động tuyển chọn hiệu quả của các doanh nghiệp là mắt xích quan trọng trong việc bảo vệ người lao động khỏi bị lạm dụng.”

Hiện nay, cùng với sự gia tăng của số người đi làm việc ở nước ngoài, số lượng đơn khiếu nại của người lao động đi làm việc ở nước ngoài đang tăng lên, đặc biệt là từ người lao động giúp việc gia đình, những người làm việc trong môi trường biệt lập.

Ông David Knight, trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho rằng: “Người lao động di cư là một phần quan trọng trong lực lượng lao động toàn cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu ngày nay. Di cư lao động cần phải được quản lý theo cách thức đảm bảo rằng tất cả người lao động đều được hưởng quyền tiếp cận với di cư an toàn, để việc di cư có thể đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng và gia đình của họ.”/.

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 540.000 lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, chủ yếu ở Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia. Tính riêng năm 2017 đã ghi nhận con số kỷ lục 134.751 người lao động ra nước ngoài làm việc.
Nhức nhối lao động xuất khẩu “chui”. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục