Lần đầu tiên tiến hành điều tra dân số, nhà ở giữa kỳ

Ngày 1/4 tới, Tổng cục Thống kê sẽ lần đầu tiên triển khai cuộc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ trên phạm vi cả nước.
Lần đầu tiên tiến hành điều tra dân số, nhà ở giữa kỳ ảnh 1Điều tra viên thực hiện điều tra tại hộ gia đình ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân trong cuộc điều tra dân số và nhà ở năm 2009. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Từ ngày 1/4 tới, Tổng cục Thống kê sẽ triển khai Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ trên phạm vi cả nước.

Cuộc điều tra lần này nhằm thu thập các thông tin về dân số và các chỉ tiêu nhân khẩu học quan trọng làm cơ sở để lập kế hoạch và xây dựng chính sách dân số, đánh giá các chương trình dân số quốc gia.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh những nội dung thực hiện.

- Ông có thể cho biết những nội dung chính về cuộc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 1/4 năm nay?

Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm: Điều tra Dân số và nhà ở giữa kỳ vào thời điểm 1/4 tới là cuộc điều tra mẫu được tiến hành trong khoảng thời gian giữa hai cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009 và 2019, thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 803/QĐ-TTg ngày 28/6/2012. Đây là cuộc điều tra cơ bản, có quy mô lớn, bao gồm nhiều nội dung quan trọng.

Một trong những mục tiêu chính của cuộc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ lần này nhằm thu thập số liệu về dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước làm cơ sở để đánh giá các chương trình quốc gia về dân số và nhà ở; qua đó đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2011-2015; xây dựng chính sách, kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2016-2020…

Đây cũng là cuộc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Trong những năm giữa của các kỳ Tổng điều tra trước đây (1994, 2004) chúng ta cũng tiến hành các cuộc điều tra dân số và kế hoạch hóa gia đình, nhưng với quy mô nhỏ hơn, nội dung tập trung vào lĩnh vực dân số. Còn cuộc điều tra này lại được thực hiện trên quy mô mẫu lớn, 5% số hộ cả nước (trên 1,12 triệu hộ), có nội dung phức tạp, bao gồm cả lĩnh vực nhà ở, phạm vi trải rộng hầu hết các xã, phường, thị trấn cả nước.

Để thực hiện cuộc điều tra này sẽ phải huy động một lực lượng đông đảo với khoảng 13.000 điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên các cấp. Điều này sẽ tăng tính phức tạp của công tác tổ chức, từ tuyển chọn và tập huấn người vẽ sơ đồ, lập bảng kê, điều tra viên, tổ trưởng đến bảo đảm kinh phí và hậu cần; tổ chức điều tra thực địa và hoạt động kiểm tra, giám sát...

- Vậy phương pháp điều tra lần này có khác gì với các cuộc điều tra trước, thưa ông?

Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm: Tổng cục Thống kê đặt ra mục tiêu xây dựng phương án điều tra lần này là phải có tính hiệu quả, chính xác, rút ngắn hơn nữa thời gian xử lý và cung cấp số liệu, mở rộng nội dung nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, còn phải đáp ứng yêu cầu cung cấp số liệu về quy mô dân số cho hơn 700 huyện trong cả nước, bảo đảm nhu cầu nghiên cứu và phân tích sâu về các chỉ tiêu nhân khẩu học của dân cư, đồng thời tiết kiệm chi phí.

Với những mục tiêu đó, có hai yêu cầu quan trọng khi xây dựng phương án các cuộc điều tra phải đảm bảo là: giữ nguyên ranh giới địa bàn điều tra từ kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009 để thiết kế mẫu đại diện cấp huyện; để tăng hiệu quả thiết kế mẫu, giảm thiểu sai số chọn mẫu, điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2014 không thực hiện điều tra tất cả các hộ trong địa bàn như các cuộc điều tra về dân số trước đây mà chỉ chọn điều tra 30 hộ/địa bàn. Điều này đòi hỏi công tác tổ chức, tập huấn và chuẩn bị tài liệu hướng dẫn phải nghiêm túc, cụ thể và tỉ mỉ hơn.

Theo đó, có hai phương pháp điều tra để ước tính quy mô dân số đến cấp huyện đã được Tổng cục Thống kê xem xét và nghiên cứu. Phương pháp thứ nhất: thiết kế mẫu và xây dựng chỉ tiêu thu thập để ước tính dân số trực tiếp suy rộng từ kết quả điều tra mẫu. Phương pháp thứ hai: thiết kế mẫu và xây dựng chỉ tiêu thu thập để ước tính dân số gián tiếp dựa trên các chỉ tiêu biến động dân số và áp dụng phương trình cân bằng dân số.

Qua thực tế nghiên cứu và khuyến nghị từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, việc ước tính quy mô dân số bằng phương pháp thứ nhất, nghĩa là trực tiếp suy rộng từ kết quả điều tra mẫu rất tốn kém, mức độ rủi ro cao, sai số điều tra lớn. Trong khi đó với phương pháp thứ hai ước tính dân số gián tiếp áp dụng phương trình cân bằng dân số là khá hiệu quả. Chính vì thế, nội dung điều tra, đối tượng điều tra, phương pháp phỏng vấn của cuộc điều tra này cũng được thiết kế dựa trên cơ sở ước tính dân số bằng phương pháp gián tiếp.

- Để tổ chức thành công cuộc điều tra quan trọng này, theo ông các lực lượng tham gia cần lưu ý những gì?

Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm: Các nội dung cơ bản của cuộc điều tra đã được thể hiện cụ thể, rõ ràng trong phương án điều tra. Tuy nhiên, có một số điểm cần được nhấn mạnh và làm rõ hơn. Cụ thể: cuộc điều tra tiến hành cập nhật 20% số địa bàn cả nước (tương đương 37.395 địa bàn). Danh sách địa bàn căn cứ vào danh sách từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 để cập nhật. Danh sách nền này do Tổng cục chuyển về cho các Cục Thống kê.

Khi vẽ sơ đồ, lập bảng kê cần lưu ý: phải giữ nguyên ranh giới địa lý địa bàn điều tra năm 2009, trừ những trường hợp mới phát sinh; những vùng đô thị mới, thị trấn, thị tứ; những nơi được chuyển loại đơn vị hành chính (từ xã sang phường/thị trấn); nên sử dụng lực lượng địa chính xã hoặc cán bộ có năng lực tương đương để vẽ sơ đồ, lập bảng kê.

Ngoài ra, khâu thu thập thông tin là cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp nhất đến chất lượng kết quả cuộc điều tra nên phải được đặc biệt chú ý trong tổ chức, kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, điểm khác biệt trong cuộc điều tra này là thống nhất thành lập các đội thực hiện thu thập thông tin theo phương pháp cuốn chiếu, tức là làm hết địa bàn này chuyển sang địa bàn khác. Đối với điều tra viên cần phải làm tốt phương châm “5 đúng;” đó là: đến đúng hộ, gặp đúng người, hỏi đúng câu, ghi đúng mẫu và nộp đúng hạn.

- Ông có tin tưởng rằng cuộc điều tra lần này sẽ thành công?

Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm: Đây là cuộc điều tra mẫu phức tạp, phạm vi điều tra rộng, thời gian điều tra rút ngắn, lại tiến hành trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, đồng thời triển khai trong bối cảnh ngành Thống kê phải tập trung nguồn lực thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính cấp bách vừa trước mắt, vừa lâu dài của toàn ngành như Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đề án khắc phục chênh lệch số liệu giữa Trung ương và địa phương, Đề án xây dựng Luật Thống kê sửa đổi trình Quốc hộ cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8 tới đây...

Nhưng tôi tin rằng, với kinh nghiệm đã từng tổ chức nhiều cuộc điều tra, Tổng điều tra thành công, với sự chuẩn bị kỹ, với sự nỗ lực của lực lượng trực tiếp và gián tiếp tham gia điều tra, tôi tin tưởng cuộc điều tra sẽ thực hiện thắng lợi.

Nhưng một điểm cần lưu ý rằng, nếu chỉ có nỗ lực của ngành Thống kê thôi là chưa đủ, cuộc điều tra sẽ chỉ thực sự thành công nếu nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền từ Trung ương tới cơ sở, sự nhiệt tình cộng tác cung cấp thông tin của mỗi người dân tại địa bàn điều tra và các cơ quan thông tin truyền thông chính là cầu nối hữu hiệu nhất để đưa thông điệp này tới cộng đồng xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục