Làn sóng mới đang làm rung chuyển thế giới Arab

Theo trang mạng project-syndicate.org, một làn sóng mới đang làm rung chuyển thế giới Arab, cụ thể là các quốc gia Liban, Iraq, Sudan và Algeria.

Theo trang mạng project-syndicate.org, một làn sóng nổi dậy mới đang làm rung chuyển thế giới Arab, cụ thể là các quốc gia Liban, Iraq, Sudan và Algeria.

Các cuộc biểu tình rầm rộ gần đây ở mỗi quốc gia này đã huy động lên đến hàng triệu người từ mọi tầng lớp, tất cả đều tức giận vì nền kinh tế suy thoái do sự quản lý sai lầm và yếu kém của chính phủ.

Giống như trong Mùa Xuân Arab năm 2011, các cuộc biểu tình hiện nay ở mỗi quốc gia đều gắn với những đòi hỏi thay đổi chế độ. Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng là những khao khát được tôn trọng của người dân đã thổi bùng các cuộc nổi dậy trước đây, còn các cuộc biểu tình ngày hôm nay lại xuất phát từ sự nghèo đói của người dân. Mùa Xuân Arab đã phải nhường chỗ cho một Mùa Đông bất mãn đầy khắc nghiệt.

Trở lại năm 2011, khi đó giá dầu đạt mức đỉnh điểm và nhiều nền kinh tế Arab tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ. Những người lãnh đạo các cuộc nổi dậy chủ yếu là những người trẻ tuổi có học thức, họ khao khát có công việc tốt hơn và có tiếng nói hơn trong đời sống chính trị và xã hội.

Nhiều chính phủ trong khu vực đã xoa dịu được các cuộc biểu tình trên đường phố bằng các chính sách kinh tế mở rộng được tài trợ bởi nguồn thu từ dầu mỏ, sự hỗ trợ từ các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và kiều hối. Tuy nhiên, với việc giá dầu lao dốc vào năm 2014, ngân sách của nhiều nước đã bị cắt giảm mạnh. 10 chính phủ trong khu vực đã có tỷ lệ nợ trên GDP hơn 75%. Khi tăng trưởng chậm lại, chi tiêu công chắc chắn giảm và gây ra bất ổn kinh tế. Ngay cả khi điều chỉnh tài khóa vừa mới bắt đầu, mô hình cũ của phân phối tiền thuê đã trở nên quá mạo hiểm và dân chúng quay sang chống đối các chế độ dường như không thể hoặc không muốn thực hiện cải cách.

Hơn nữa, các phong trào quần chúng mới ở Algeria, Sudan, Liban và Iraq đã tiếp thu những bài học quan trọng từ cuộc nổi dậy năm 2011. Không còn là những lời kêu gọi thay thế lãnh đạo chuyên quyền già nua, những người biểu tình ngày nay đang nhằm vào các thành phần chủ chốt của nhà nước và lực lượng an ninh.

Tại Algeria và Sudan, họ đã nhanh chóng từ chối các cuộc bầu cử và thay vào đó yêu cầu thời gian cho các đảng mới thành lập, để họ có thể cạnh tranh với các tổ chức Hồi giáo đã được thiết lập từ lâu. Ngoài yêu cầu thay đổi hoàn toàn hệ thống chính trị, những người biểu tình hiện nay còn từ chối đàm phán với chế độ cũ.

Trong trường hợp của Algeria, sự kết hợp của 70 tỷ USD dự trữ ngoại hối và một ít nợ nước ngoài có nghĩa là phong trào biểu tình và lực lượng vũ trang có đủ khả năng để duy trì trò chơi “ai là gà” hiện nay, trong đó phong trào biểu tình mong chế độ tan rã và lực lượng an ninh chờ đợi xuất ngũ ồ ạt. Tất nhiên, rủi ro là một giải pháp sẽ không thể đạt được nếu cải cách kinh tế không được thực hiện.

[Nhiều dấu hiệu cho thấy “Mùa Xuân Arab” đang quay trở lại]

Ngược lại, tại Sudan, trong tháng Tám vừa qua, mặt trận dân chủ đã miễn cưỡng đồng ý tham gia một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với quân đội. Nền kinh tế sụp đổ đến mức hợp tác trở thành chiến lược đáng mong đợi hơn. Quân đội không thể tiếp tục "ngốn" tới 60% chi tiêu của nhà nước khi mà những khoản này giảm xuống còn 8% GDP. Hiện nay, một chính phủ kỹ trị đã được giao trách nhiệm ổn định nền kinh tế, để lại sự mặc cả chính trị cho tương lai - và khiến cả hai bên tìm cách hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi này.

Nền kinh tế của Liban và Iraq cũng đang xấu đi nhanh chóng. Trong khi Iraq quay cuồng với doanh thu từ dầu mỏ giảm, Liban lại rơi vào bất ổn vì dòng vốn giảm. Những cú sốc kinh tế này đã làm lộ ra những chi phí khổng lồ của hệ thống chính trị vốn dựa trên giáo phái của mỗi quốc gia.

Làn sóng mới đang làm rung chuyển thế giới Arab ảnh 1Chuyển người biểu tình bị thương tại quảng trường Tahrir, Baghdad, Iraq, ngày 27/10/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ở cả bốn quốc gia này, mức độ nghiêm trọng trong quản lý kinh tế phản ánh việc sử dụng lâu dài các khoản chi tiêu của nhà nước để tài trợ cho các đồng minh của chế độ, thay vì mang lại lợi ích cho toàn dân. Các chế độ này đã thống trị khu vực tư nhân thông qua chủ nghĩa thân hữu. Kết quả là, vốn và kỹ năng đã bị phân bổ sai, môi trường kinh doanh xấu đi; cạnh tranh, đổi mới và tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng.

Tình hình ở Iraq và Liban còn phức tạp hơn bởi sự đa dạng của mỗi quốc gia. Các chế độ xuất hiện sau cuộc nội chiến ở Liban vào những năm 1990 và sau cuộc xâm lược Iraq do Mỹ lãnh đạo đầu những năm 2000, phần còn lại là các thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa các thủ lĩnh giáo phái, những người duy trì vị thế của họ thông qua áp bức và chủ nghĩa thân hữu. Những liên minh này có thể được duy trì, miễn là có nhiều chiến lợi phẩm để phân chia. Tuy nhiên, khi giá cho thuê giảm, các bên đã không thể đồng ý về cách phân chia những tổn thất này như thế nào, và thay vào đó họ đã khai thác nốt nguồn tài nguyên còn lại, gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tại Liban, cái giá phải trả cho sự điên rồ này hiện do lĩnh vực tài chính - vốn rất mong manh, gánh chịu, và có thể nổ tung bất cứ lúc nào.

Cuối cùng, các động lực địa chính trị khu vực cũng đóng một vai trò trong chính trị nội địa của Liban và Iraq. Ở cả hai quốc gia này, các nhóm chính trị được Iran hậu thuẫn đều có "hỏa lực," nhưng cho đến nay, đã chứng minh không có khả năng tạo ra một thỏa thuận xã hội được chấp nhận rộng rãi cho phép họ củng cố vị thế chính trị.

Lịch sử đang lặp lại ở Algeria, Sudan, Liban và Iraq. Doanh thu từ dầu mỏ ở Trung Đông đã giảm khoảng 1/3 kể từ năm 2014, khiến các chế độ chuyên quyền có ít nguồn lực hơn để tài trợ cho các tổ chức. Khi chúng ta bước vào mùa đông năm 2020, làn sóng bất mãn mới này có thể sẽ gia tăng và nhấn chìm các quốc gia khác. Thách thức đối với mỗi quốc gia sẽ là tìm ra con đường dẫn đến sự chuyển đổi chính trị và kinh tế có thể làm hài lòng những người biểu tình và tạo điều kiện thuận lợi cho sự thịnh vượng.

Tuy nhiên, cho đến nay, các chế độ già nua - vốn phải đối mặt với các phong trào quần chúng đòi hỏi một thỏa thuận xã hội công bằng và hiệu quả hơn, đang phải dùng đến sự đàn áp, và điều này chỉ khiến dân chúng đòi hỏi họ phải nhượng bộ nhiều hơn. Điều gì xảy ra tiếp theo thì bất kỳ ai cũng có thể dự đoán. Vẫn chưa có một quốc gia Arab nào tìm được một con đường đáng tin cậy để tiến về phía trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục