Làng báo khó khăn

Washington Post giữa khó khăn chung của làng báo

Washington Post có một lịch sử lâu đời trong làng báo chí chính trị ở Mỹ, từng đoạt 47 giải Pulitzer, nhưng đang gặp nhiều khó khăn.
Vụ nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos mua lại tờ Washington Post đã thực sự gây chấn động bởi đây không chỉ là tờ báo nhiều ảnh hưởng nhất tại nước Mỹ, mà còn là dấu hiệu nữa cho thấy làng báo thế giới đang gặp khó khăn đến mức nào. Tờ Washington Post có một lịch sử lâu đời trong làng báo chí chính trị cấp cao ở Mỹ và các nhà báo của tờ này là những người đầu tiên đưa tin về các vụ việc chấn động của thế kỷ 20, bao gồm vụ bê bối Watergate. Gần đây hơn, tờ báo là một trong hai cơ quan báo chí quốc tế đã được “người thổi còi” Edward Snowden tiếp cận khi anh muốn công bố hàng loạt chi tiết chương trình thu thập thông tin mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Nhưng như nhiều tờ báo khác, Washington Post đang phải vật lộn với bối cảnh mới của ngành truyền thông khi ngày càng nhiều độc giả lên mạng đọc báo và doanh số chung của ngành sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ngạc nhiên trước tuyên bố ngày 5/8 rằng mảng báo chí của công ty, do gia đình Meyer-Graham sở hữu từ năm 1933, sẽ được bán cho nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos.
[Tổng thống Mỹ Obama: Báo in truyền thống đã hết thời]
“Đây là ngày mà gia đình tôi và tôi không bao giờ chờ đợi,” tổng giám đốc Washington Post Katharine Weymouth viết trong một lá thư gửi độc giả. Người bác của bà Don Graham, đứng đầu toàn bộ tập đoàn Washington Post, viết một lá thư khác nói gia đình “rất tự hào biết rằng chúng tôi rất nhỏ bé vì chúng tôi là một phần của gia đình sở hữu Washington Post.” Tờ báo có lẽ nổi tiếng nhất với loạt phóng sự điều tra đầu những năm 1970 do các phóng viên khi đó còn vô danh Bob Woodward và Carl Bernstein chấp bút về một cuộc đột nhập trụ sở Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ. Tòa nhà nằm ở khách sạn Watergate, nơi bắt đầu vụ bê bối chính trị vào loại lớn nhất lịch sử nước Mỹ dẫn tới việc tổng thống Richard Nixon phải từ chức. Sau đó, Woodward và Bernstein đều được trao giải Pulitzer về loạt phóng sự, chủ yếu dựa trên các nguồn nặc danh, cho thấy các quan chức cấp cao nhất của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Bộ Tư pháp, Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Nhà Trắng có liên quan tới vụ việc và tìm cách che giấu nó. Chiến tích này của các nhà báo diễn ra dưới thời Katharine Graham, lãnh đạo công ty suốt ba thập kỷ kể từ năm 1963. Graham - con gái của Eugene Meyer, người đã mua lại Washington Post năm 1933 lúc công ty vừa phá sản - đã đảm nhận cương vị lãnh đạo sau khi chồng bà tự sát. Thời đó, phụ nữ còn rất hiếm ở những vị trí cấp cao trong làng báo. Bà nhận được sự tôn trong lớn trong báo giới. Bà niêm yết cổ phần công ty trên sàn vào năm 1971 và vào thời điểm từ nhiệm, cổ phiếu công ty đã tăng hơn 30 lần so với giá ban đầu. [Báo chí và cuộc "di dân" từ báo in sang báo điện tử] Phần phóng sự điều tra của tờ báo tiếp tục để lại dấu ấn sâu sắc, bao gồm một cuộc điều tra mới đây với quân y viện Walter Reed dẫn tới việc Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét lại toàn bộ quá trình điều trị cho các cựu binh bị thương trở về từ Iraq và Afghanistan. Tờ báo đã giành 47 giải Pulitzer, bao gồm sáu giải chỉ trong năm 2008.
Washington Post giữa khó khăn chung của làng báo ảnh 1
Tờ Washington Post đã phải đối diện với một tương lai ảm đạm (Nguồn: AFP)
Nhưng danh tiếng tờ báo bị một đòn nặng năm 2009, khi Weymouth và tổng biên tập Marcus Brauchli lên kế hoạch bán đi những thông tin không đăng tải cho các phóng viên cũng như các quan chức, nhà phân tích và giới doanh nghiệp với giá cao trong những cuộc tụ tập ở nhà Weymouth. Vụ việc cũng cho thấy tình trạng tài chính khó khăn hiện giờ của tờ Washington Post, với khoản thua lỗ hoạt động 53,7 triệu USD vào năm ngoái./.
Trần Trọng Hải Minh

Tin cùng chuyên mục