Lãng đãng hồn phố, tình người trong ký ức Tết của người Hà Nội

Cái không gian vốn chật chội, ồn ào, náo nhiệt của thành phố bỗng chốc tan đi, người Hà Nội thức dậy trong ngày đầu tiên của năm mới bằng một bầu không khí đầy trong lành và thanh tịnh.
Lãng đãng hồn phố, tình người trong ký ức Tết của người Hà Nội ảnh 1Tháp nước cổ Hàng Đậu sớm mùng 1 không còn cảnh người xe như nêm, thay vào đó là hình ảnh cổ kính hiện lên rõ nét. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Những đợt rét se lạnh cuối cùng ào về, như thể cuốn đi bao khó khăn, lo toan vất vả của cả năm trời qua. Rồi cái không gian vốn ồn ào, náo nhiệt của những ngày cuối năm cũng không còn. Thay vào đó ngày đầu tiên của năm, người Hà Nội lại được thức dậy trong một bầu không khí trong lành, tĩnh mịch.

“Hồn cũ”… linh thiêng

Mặc dù cùng gia đình đón Giao thừa rất muộn, nhưng chưa tới 5 giờ sáng chú Nguyễn Văn Chính (Ba Đình, Hà Nội) đã tỉnh giấc. Một năm mới bắt đầu! Trong lúc cả nhà vẫn còn say sưa trong chăn ấm, chú Chính nhẹ nhàng thức dậy và thực hiện những công việc đầu tiên của năm.

Chú thay mấy chén nước mới và thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên. Rồi chú đun ấm nước và châm bình trà nóng.

Một thói quen từ nhiều năm nay của chú Chính, kể từ khi người Việt không còn đốt pháo trong ngày Tết, để có một bầu không khí tràn đầy hương thơm, tỏa ra nồng nàn khắp gian phòng, chú Chính đã ngâm một bó mùi già trong nước nóng. Hương lá mùi thơm thanh khiết hòa quện với nén hương trầm ngào ngạt tạo nên “gia vị” ngày Tết, ấm áp đặc trưng của gia đình.

Những tia sáng đầu tiên của ngày mới cũng bắt đầu len lỏi, lan tỏa khắp phòng khách, chú Chính lặng lẽ, bình thảnh nhâm nhi chén trà còn nghi ngút khói và lắng nghe những giai điệu Xuân thảnh thót được tấu lên từ một dàn nhạc dân tộc.

“Giây phút riêng tư đó dường như rất chậm, chú nhớ tới ánh mắt nheo nheo của cha và chùm râu bạc rung rung mỗi khi ông cười. Chú thấy, bóng mẹ lom khom dưới bếp nơi nếp nhà nhỏ cũ, tất bật chuẩn bị cho mâm cỗ cúng ông bà ngày mồng Một Tết. Chú dường như quên đi cái tuổi ngoại ngũ tuần mà cảm thấy mình còn trẻ lắm, như ngày nào vẫn trong vòng tay của những đấng sinh thành,” chú Chính rưng rưng nói về những phút giây hoài niệm, linh thiêng trong tâm thức của mình.

Ở cái tuổi bảy mươi, nhưng vốn là một người công nhân của Thủ đô sau ngày đất nước độc lập, nên đối với cô Hoàng Thị Nga (Thanh Xuân, Hà Nội) các nghi lễ ngày Tết không mấy rườm rà. Cô không đòi hỏi khắt khe đối với con cái trong chuyện “hương khói” ngày Tết. Tuy nhiên ba năm trở lại đây kể từ ngày chồng cô mất, đối với cô Nga những ngày này trở nên hết sức quan trọng.

Trong suốt ba ngày Tết, ngoài mâm cơm cúng tổ tiên vào buổi sáng, các bữa khác trong ngày cô Nga cũng chú trọng bày cơm, canh, thức ăn lên ban thờ, thắp nén hương thơm với mong muốn chú “trở về” đoàn viên cùng gia đình trong ngày Tết.

“Dù không mê tín, nhưng không khí ngày Tết như một ‘sợi dây’ tâm linh vô hình kéo người đã khuất về gần hơn với chúng ta. Cô có cảm giác như thấy chú ở xung quanh, chú tỉa mấy chậu cây cảnh, xuýt xoa luyến tiếc mấy bông hoa vừa bị táp cánh. Chú nhấm nháp mấy ngụm trà xanh, rồi trầm ngâm về mấy câu chuyện thời cuộc…,” cô Nga chia sẻ.

Âm thanh từ miền ký ức

Tết về, trên những con phố Hà Nội, đường rộng thênh thang, lác đác vài ba người tham gia giao thông. Dăm chiếc xe hơi cùng vài xe gắn máy thản nhiên, bình tĩnh chờ đợi dưới mỗi chặng ngã tư có đèn đỏ. Những khách bộ hành rảo bước khoan thai, mà ngỡ như đang du lịch giữa chốn thanh tao.

Không khí Xuân yên bình, tĩnh lặng… cũng khiến không ít người con trẻ tuổi của đất Hà Thành trở về miền ký ức một thời.

Tiết trời Xuân mỗi năm, cho dù có lạnh tái tê hay mưa phùn rả rích hoặc có nắng hanh vàng thì lồng ngực con người vẫn được bơm no, căng tròn một bầu không khí ngọt ngào, trong trẻo. Chưa bao giờ người dân Hà Nội lại thấu hiểu giá trị của không gian sao đắt đến thế.

Cô giáo Nguyễn Minh Anh (Ba Đình, Hà Nội) có cả gia đình nhà mình và nhà chồng đều là người Hà Nội gốc ba đời chia sẻ tâm trạng: “Kinh tế phát triển đã khiến thành phố ngày càng trở nên đông đúc, ngột ngạt. Bỗng chốc mấy ngày Tết, cả Hà Nội như được trở về những năm 80 của thập kỷ trước. Hai bên đường không còn bóng những cửa hàng, văn phòng… người ra, người vào náo nhiệt, vỉa hè rộng thênh thang. Bước ra cửa như thấy một thời của tuổi trẻ, một thời bao cấp, có nghèo đấy, có thiếu thốn đấy… nhưng thảnh thơi, thong dong và rạng rỡ tình người.”

Vẫn chưa quen với nếp sống hiện đại, mấy ngày Tết của gia đình cô giáo Minh Anh được duy trì theo phong cách truyền thống. Minh Anh dậy sớm cùng mẹ chồng chuẩn bị mâm cỗ thắp hương tổ tiên, không thể thiếu canh măng, canh bóng, bánh chưng, xôi, gà và cả giò…

Trưa đến, một gia đình lớn quây quần đoàn tụ bên mâm cơm khiến căn phòng 25m2 trở nên chật chội, cả chục người lớn với tám đứa bé ríu rít nói cười, rộn ràng chúc tụng.

“Xong xuôi đâu đó, chúng tôi cùng nhau đi chúc Tết những người cao tuổi trong họ hàng. Tranh thủ mấy ngày Tết đi thăm viếng, gặp gỡ người thân, đến đâu cũng mời trà, mời bánh, mời cơm… dứt ra không được. Thú thật, những ngày này mà không tới thăm đủ bà con, họ hàng, mình áy náy lắm,” Minh Anh tâm sự.

“Chỉ có đàn ông mới mang lại cho nhau hạnh phúc,” mấy anh chàng thạc sĩ, tiến sĩ du học sinh từ mấy nước phát triển… có gốc gác Hà Nội gặp nhau bên quán cà phê vỉa hè ở một phố cổ hào sảng thốt lên như vậy.

Tết đến không thể thiếu bạn bè, những người thanh niên này chọn cho mình một nơi tụ tập bình dân, lan man bên những ly càphê đắng, ngắm nghía phố vắng dưới tán cây xà cừ già nua, xanh mướt màu lá mới.

Câu chuyện của họ thật kỳ lạ, chủ đề tưởng quá tầm thường lại trở thành nỗi niềm đau đáu của những anh chàng trí thức trẻ “chúng ta là ai, chúng ta đang làm gì, chúng ta đi về đâu?”

Rồi một anh trong nhóm bất giác nhìn qua lọ hoa Tết, được bày trang trọng trên bàn khách nhà ông lão chủ quán và thốt lên: “Ôi! Hoa thược dược kìa, đẹp quá. Tôi nhớ lắm, nhớ về cái ngày mà Tết đến mới được sắm bộ quần áo mới, đôi dép mới và cả khu, nhà nào cũng trưng một lọ hoa to đùng toàn thược dược, lay-ơn, violet, đồng tiền… giống y hệt nhau, mấy ông nhỉ!”

Đối với nhiều người Hà Nội cái Tết đơn giản là hơi thở, là hoài niệm, là nghĩa tình, là nguồn cội… Chợt nhớ câu hát “mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi, mộc mạc thôi mà bâng khuâng nhớ mãi…,” và thầm cảm ơn nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhạc sĩ Lê Vinh với ca khúc đi cùng năm tháng “Hà Nội và Tôi”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục