Lặng đi trước “Hà Nội những ngày đêm năm 1972”

Nhịp sống Thủ đô ở những thời khắc 1972 được tái hiện đầy ám ảnh trong không gian triển lãm “Hà Nội, những ngày đêm năm 1972.”
Nhịp sống Thủ đô trong những thời khắc lịch sử 1972 được tái hiện đầy ám ảnh trong không gian triển lãm “Hà Nội, những ngày đêm năm 1972.”
Khoảng cách thời gian đã bị xóa nhòa. Lặng đi trước những bức ảnh về Hà Nội đổ nát, tang thương trong lửa đạn chiến tranh nhưng vẫn luôn đau đáu một niềm tin chiến thắng, công chúng như được sống lại, đi giữa không khí hào hùng một thời. “Tôi thấy người gai gai Hình ảnh đôi mắt khắc khoải kiếm tìm của bà cụ lão sau trận mưa bom; khẩu hiệu “Nixon phải trả nợ máu” còn nguyên trên bức tường sót lại giữa quang cảnh đổ nát; hình ảnh em bé thu mình trong chiếc thúng nhỏ là mục tiêu tìm diệt của siêu pháo đài bay,… làm sống dậy tất cả những gì mà người dân Hà Nội đã sống và trải qua. Từ góc nhìn ấy, triển lãm đã dựng lại số phận bi thương của hàng ngàn người dân, tái hiện lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của năm 1972, năm mấu chốt cho việc giải quyết cuộc xung đột giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Cùng với đó, những trích đoạn từ các câu chuyện được kể lại từ những nhân chứng sống tại Hà Nội trong những thời khắc lịch sử ấy đã góp phần quan trọng làm hoàn chỉnh và tạo nên chiều sâu, sức thuyết phục cho bức tranh tổng thể “Hà Nội, những ngày đêm năm 1972.” Bức ảnh về góc phố Khâm Thiên, nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong 12 ngày đêm quân dân Hà Nội chiến đấu chống lại cuộc tập kích của đế quốc Mỹ cùng những dòng hồi ức của ông Nguyễn Văn Cầu (một người dân sống ở khu phố Khâm Thiên) được ghi bên cạnh bức ảnh thu hút sự chú ý đặc biệt của người xem.
Lặng đi trước “Hà Nội những ngày đêm năm 1972” ảnh 1

Một góc phố Khâm Thiên năm 1972
“Tôi ở ngõ Sân Quần, phố Khâm Thiên. Sáng 22/12, tôi cho nhà tôi và các cháu về nhà ông chú ở quê sơ tán. Đến chiều 25 thì lại đón bà ấy với thằng con ốm về Hà Nội, thấy bảo Noel, Mỹ không đánh nữa. Đêm 26 tôi được lệnh lên trực chiến ở phố Hàng Bồ, nơi có hai phân xưởng in báo. Lên tới nơi, thấy súng bắn xung quanh bốn phía, sáng rực lên ...Về đến đầu Khâm Thiên thì thấy dây điện đứt, nhà cửa đổ vỡ. Trong ngõ nhà tôi có cái hầm tập thể to. Ôi giời ơi, nó cho mấy quả bom, chết chẳng toàn thây. Bốn mươi mốt người chết, toàn là hàng xóm và người quen. Tôi đi tìm vợ, chỉ còn nửa người trên, thằng con còn mỗi cái chân, nhận ra được vì có cái sẹo nó bị bỏng ngày xưa”. Lặng đi trước bức ảnh về những con phố, những khu nhà tập thể chỉ còn lại đống đổ nát, bác Nguyễn Nam (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) tâm sự: “Tôi thấy người gai gai, như có một luồng điện chạy khắp cơ thể. Mẹ tôi cũng đã qua đời trong đợt không kích 12 ngày đêm ấy. Trong đống hoang tàn kia có căn nhà tuổi thơ của tôi.” Nói rồi, đôi mắt bác nhòa lệ. "Cuộc sống vẫn tiếp diễn" Thế nhưng, không phải vì vậy mà triển lãm mang lại cảm giác u ám, tang thương bao trùm. Trong nước mắt vẫn ẩn chứa những nụ cười, trong đau thương vẫn bền bỉ những niềm tin! Đó cũng chính là thông điệp mà chùm ảnh “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” muốn gửi tới công chúng. Giữa cuộc chiến vẫn có những nụ cười nơi góc hầm trú ẩn, vẫn hiện hữu hình ảnh người Hà Nội lạc quan sắm Tết… Rất đời thường, người Hà Nội gửi gắm khát khao hòa bình vào chính việc đặt tên con. Cô Trịnh Thanh Năng (trong tập hợp ảnh về hòa bình lập lại trên miền Bắc, nhưng chiến tranh vẫn chưa kết thúc) nhớ lại: "… Tháng 3-1973, tôi sinh cháu trai thứ hai (…), đặt tên con là Hà Quang, tức là ánh sáng. Tên con sáng sủa để nó, gia đình mình cũng như mọi người, không dám nói rộng ra là đất nước sang một trang mới.” Nở nụ cười hiền hậu khi ngắm nhìn những bức ảnh này, cô Hoài Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi như thấy lại được tuổi thơ của mình. Khi đó, tôi mới chỉ là cô nhóc 10 tuổi. Mỗi lần nghe thấy tín hiệu báo động, các anh chị em lại hô nhau xuống hầm trú ẩn thật nhanh. Rất lâu rồi không tìm lại được cảm xúc ngày ấy!’ Khát vọng hạnh phúc luôn thường trực. Ba tuần sau đợt 12 ngày đêm B52 trải thảm, đám cưới của phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam diễn ra trong không khí mừng chiến thắng và chờ Hiệp định Paris.
Lặng đi trước “Hà Nội những ngày đêm năm 1972” ảnh 2

Cuộc sống vẫn tiếp diễn
Nhà báo Chu Chí Thành, nhân vật chính của đám cưới ấy kể lại những ký ức xưa: “Khi dừng ném bom, người mình không chùng xuống sau đợt căng thẳng mà khỏe lên, phấn khởi lên. Cái gì ghê gớm nặng nề đã qua rồi. (…) Hơn ba tuần sau đợt 12 ngày đêm, chúng tôi làm đám cưới, mừng chiến thắng và chờ đợi Hiệp định Paris. Tổ chức ở nhà vợ tôi, bạn bè đến rất đông. Đám cưới đơn giản, chỉ có kẹo bánh và hoa đồng tiền. Chúng tôi cưới hôm 23 tháng Giêng thì hôm 27 ký hiệp định Paris.” Nơi góc triển lãm, một cô bé học sinh lúi húi ghi lại những câu chuyên được in bên cạnh những bức ảnh. “Em muốn chép bằng tay hơn là chụp lại, để hiểu sâu hơn về những tháng ngày hào hùng ấy và để ‘thấm’ hơn giá trị của cuộc sống hòa bình mà mình đang được hưởng,” cô bé chia sẻ. Triển lãm như một cuốn nhật ký, nhắc lại quá khứ đau thương để người ta hiểu hơn giá trị của hòa bình. Trên đống đổ nát, đau thương xưa, Hà Nội nay đã khác. Vang vọng trong không gian triển lãm là tiếng kèn saxophone với bản nhạc "Hà Nội niềm tin và hy vọng.”
Cùng với những cảm xúc sâu lắng về một thời xưa cũ, các bức ảnh về "Hà Nội những ngày đêm năm 1972" sẽ được trưng bày đến hết ngày 9/11 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội)./.
Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục