Khẩn trương vào vụ

Làng hoa Hà Nội khẩn trương vào vụ cây cảnh Tết

Gần 2 tháng nữa là đến Tết, các làng hoa Hà Nội vào giai đoạn ”nước rút,” hoàn thiện những khâu cuối của vụ hoa, cây cảnh phục vụ Tết.
Còn gần hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, song tại thời điểm này, tại các vùng chuyên trồng hoa, cây cảnh của Thủ đô như đào Nhật Tân (quận Tây Hồ), quất cảnh Tứ Liên (Tây Hồ), Đông Ngạc (Từ Liêm) hay làng trồng cây phất lộc ở xã Tích Giang (Phúc Thọ), không khí đã hết sức khẩn trương.

Bà con nông dân gọi đây là giai đoạn ”nước rút” để hoàn thiện những khâu cuối cùng trong vụ hoa, cây cảnh phục vụ Tết.

Tuốt lá để đào bật nụ

Những ngày này, người trồng đào ở Nhật Tân (Tây Hồ), Vân Tảo (Thường Tín) đang tích cực thăm vườn, tỉa dáng và chuẩn bị tuốt lá cho đào kịp bật nụ, bung hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.

Một số vườn đào còn được tuốt lá sớm để kịp phục vụ những khách hàng muốn có đào chơi sớm ngay vào dịp Tết dương lịch.

Anh Trần Tuấn Việt có gần 300 gốc đào phai, đào bích ở phường Nhật Tân cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán chưa biết thời tiết sẽ diễn biến thế nào, song vẫn phải mạnh dạn tuốt lá dần cho cây. Nếu đến gần Tết có nhiều đợt rét đậm, tuốt muộn quá, cây sẽ bật nụ, bung hoa chậm.

Theo anh Việt, kinh nghiệm của người trồng đào ở Nhật Tân là cứ vào cữ cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch những cây đào sẽ được tuốt hết lá trên thân cành, để trơ ra những gốc, những thân cành màu nâu sẫm và dần bật nụ, đơm hoa hồng thắm, báo hiệu mùa Xuân về vào đúng dịp Tết cổ truyền.

Gò, xếp tầng cho cây

Nếu như với cây hoa đào, đây là thời kỳ tuốt lá thì với cây quất cảnh hay cây phất lộc, những ngày này chính là thời điểm bắt đầu “gò” hoặc xếp tầng để hoàn thiện cây.

Hội Nông dân phường Tứ Liên cho biết hơn 10ha quất cảnh ở Tứ Liên quả đã bắt đầu chín và đang được bà con nông dân “gò” (nghĩa là buộc, cắt tỉa, tạo dáng) sao cho có được một cây quất cảnh có tán đẹp, gọn, quả, lá hoa phân bố hài hòa trên từng cây.

Theo người trồng quất ở Tứ Liên, năm nay, thời tiết không khắc nghiệt, nhưng do giá cây giống cao và chi phí đầu tư, chăm sóc cho cây như công đảo gốc, gò cây cũng “đội lên” nên có thể giá quất cảnh năm nay sẽ cao hơn năm trước một chút.

Hiện nay, quất cảnh không chỉ được bán theo nhu cầu truyền thống là ngày Tết Nguyên đán mà xu thế chơi quất trong dịp Noel, Tết dương lịch đã được nhiều người dân Hà Nội chọn lựa nên người trồng quất ở Tứ Liên đang vừa khẩn trương “gò” cây, vừa nghe ngóng thời tiết để nếu có mưa phùn, gió bấc sẽ lập tức che chắn, tránh cho cây bị "nổ" quả, hỏng dáng.

Còn tại làng chuyên trồng cây phất lộc (một loại cây cảnh thường được đặt trong nhà, hoặc khu vực tiền sảnh công ty, khách sạn với mong muốn cây sẽ tạo khoảng không gian xanh vừa mang lại tài lộc, may mắn cho gia chủ), người trồng cây cũng đang hoàn thiện việc cắt cây, xếp và tạo hình cho cây thành từng tầng theo hình chiếc tháp.

Theo anh Khuất Quang Uy, một nông dân trồng cây phất lộc ở Tích Giang, năm nay phất lộc dạng cành hoặc được xếp tầng tạo thành hình tháp vẫn là xu hướng chính được khá nhiều người về thu gom, đặt hàng chọn lựa.

Giá bán buôn loại cây này cũng chỉ tăng đôi chút so với năm ngoái.

Hiện, giá mỗi tháp cây phất lộc được bán buôn tại làng khoảng 300.000 đồng trở lên tùy theo số lượng tầng và kích cỡ tháp. Tuy nhiên, khi đến tay người tiêu dùng, giá mỗi tháp phất lộc 3-4 tầng có thể lên tới cả triệu đồng./.

Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục