Làng khô Phú Thọ tất bật và nhộn nhịp những ngày cận Tết

Những ngày này, làng khô Phú Thọ nhộn nhịp, rộn ràng hẳn lên, công nhân của các cơ sở sản xuất khô luôn tay thực hiện những công đoạn như làm sạch cá, xẻ cá, ướp muối và gia vị, mang ra phơi nắng.
Làng khô Phú Thọ tất bật và nhộn nhịp những ngày cận Tết ảnh 1Nhiều hộ sản xuất cá khô ở Làng khô Phú Thọ đang chuẩn bị cho thị trường Tết.(Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đang đến rất gần, thời điểm này, làng khô Phú Thọ (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đang tất bật, rộn ràng không khí sản xuất cá khô nhằm kịp phục vụ khách hàng gần xa.

Dọc Tỉnh lộ ĐT 844, đoạn qua địa phận xã Phú Thọ, huyện Tam Nông có nhiều cơ sở sản xuất và quầy bán cá khô. Cặp hai bên đường ĐT 844 là những chiếc giàn phơi đầy ắp cá khô đang đón nắng. Công nhân của các cơ sở sản xuất khô luôn tay thực hiện những công đoạn như làm sạch cá, xẻ cá, ướp muối và gia vị, mang ra phơi nắng… Những ngày này, làng khô Phú Thọ nhộn nhịp, rộn ràng hẳn lên, không khí sản xuất tất bật, chạy đua với thời gian để đảm bảo cung ứng hàng cho thị trường Tết.

Hơn 1 tháng qua, cơ sở sản xuất cá khô của gia đình anh Huỳnh Trung ở xã Phú Thọ đã tăng công suất hoạt động vì đơn hàng nhiều gấp đôi so với ngày thường. Anh Huỳnh Trung cho hay, bình thường, mỗi ngày cơ sở thu mua, chế biến từ 500 - 600 kg cá lóc nguyên liệu để làm khô nhưng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng tăng cao, thời gian gần Tết, mỗi ngày cơ sở chế biến trên 1 tấn cá lóc nguyên liệu.

Từ sáng sớm, gần 10 lao động của Cơ sở sản xuất khô Quốc Huy (xã Phú Thọ) đã bận rộn với việc làm khô cá lóc. Chị Võ Thị Hồng Loan, chủ Cơ sở sản xuất khô Quốc Huy cho biết, mỗi ngày cơ sở chế biến từ 400 - 500 kg cá lóc nguyên liệu để sản xuất được hơn 100 kg cá khô thành phẩm. Ngoài thế mạnh là khô cá lóc, cơ sở còn sản xuất một số loại cá khô khác như cá trê, cá tra, cá chốt, cá chạch… So với năm rồi, năm nay, giá cá lóc nguyên liệu tăng trung bình 10.000 đồng/kg nên kéo theo giá cá khô cũng tăng nhẹ.

Để kịp cung ứng cá khô cho khách hàng, nhiều cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, thiết bị, thuê thêm lao động, cho công nhân làm việc thêm giờ vào ban đêm. Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân ở địa phương.

“Tôi phụ làm cá khô ở cơ sở gần nhà, được trả tiền công là 180.000 đồng/ngày, nếu làm thêm giờ thì tăng lên khoảng 280.000 đồng. Không có đất canh tác, nhờ làm nghề cá khô mà tôi có tiền trang trải, lo cho gia đình có cái Tết đầm ấm”, chị Trần Thị Lệ ở xã Phú Thọ bộc bạch.

Làng khô Phú Thọ hoạt động xuyên suốt trong năm nhưng từ tháng 11 âm lịch hàng năm, các gia đình và cơ sở sản xuất tăng công suất hoạt động so với ngày thường để phục vụ thị trường Tết. Làng khô Phú Thọ có trên 100 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh cá khô các loại như: cá sặc rằn, cá chạch, cá chốt... nhưng chủ yếu là cá lóc. Sản lượng khô cá lóc bình quân hơn 600 tấn/năm.

Trung bình khoảng 3 - 4kg cá lóc tươi sẽ thu được 1kg khô cá lóc, giá bán từ 120.000 - 175.000 đồng/kg, tùy thuộc vào kích cỡ cá và thời gian được phơi nắng. Nhờ hương vị thơm ngon, giá cả hợp lý nên nhiều năm qua, đặc sản cá khô Phú Thọ nói chung và khô cá lóc nói riêng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp ưa chuộng. Không chỉ có mặt khắp các tỉnh, thành phố của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà khô Phú Thọ còn tiêu thụ mạnh ở tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.

[Làng khô xứ biển Trần Đề tấp nập vào vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021]

Theo UBND xã Phú Thọ, chính quyền địa phương và ngành chức năng tích cực hỗ trợ việc quảng bá thương hiệu khô Phú Thọ. Qua đó, nhiều người biết đến, vừa duy trì lượng khách hàng truyền thống, vừa tìm kiếm khách hàng mới.

Sản phẩm cá khô đặc sản của xã Phú Thọ được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “Khô Phú Thọ”. Năm 2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông triển khai thực hiện dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Khô Phú Thọ”, góp phần tạo nên khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, nâng tầm giá trị thương phẩm.

Để tập hợp những hộ nuôi cá lóc và sản xuất cá khô ở xã Phú Thọ; trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá khô, Phú Nông hội quán cũng đã được thành lập./.

Phơi khô cá lóc tại cơ sở sản xuất khô Như Hằng tại xã Phú Thọ (Tam Nông, Đồng Tháp). (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Phơi khô cá lóc tại cơ sở sản xuất khô Như Hằng tại xã Phú Thọ (Tam Nông, Đồng Tháp). (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Nhiều hộ sản xuất cá khô ở Làng khô Phú Thọ đang chuẩn bị cho thị trường Tết.(Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Nhiều hộ sản xuất cá khô ở Làng khô Phú Thọ đang chuẩn bị cho thị trường Tết.(Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Phơi khô cá lóc tại xã Phú Thọ (Tam Nông, Đồng Tháp). (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Phơi khô cá lóc tại xã Phú Thọ (Tam Nông, Đồng Tháp). (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Khô cá lóc sợi - sản phẩm mới của Làng khô Phú Thọ đang được thị trường ưa chuộng.(Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Khô cá lóc sợi - sản phẩm mới của Làng khô Phú Thọ đang được thị trường ưa chuộng.(Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Người dân chọn mua cá khô. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Người dân chọn mua cá khô. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Chế biến làm khô cá.(Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Chế biến làm khô cá.(Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Sau khi làm sạch và tẩm ướp gia vị, cá lóc được phơi dưới ánh nắng mặt trời.(Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Sau khi làm sạch và tẩm ướp gia vị, cá lóc được phơi dưới ánh nắng mặt trời.(Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Sau khi làm sạch và tẩm ướp gia vị, cá lóc được phơi dưới ánh nắng mặt trời.(Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Sau khi làm sạch và tẩm ướp gia vị, cá lóc được phơi dưới ánh nắng mặt trời.(Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Công nhân làm sạch cá lóc để chế biến thành cá khô phục vụ thị trường Tết.(Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Công nhân làm sạch cá lóc để chế biến thành cá khô phục vụ thị trường Tết.(Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục