Lăng kính chuyển nhượng, nhìn từ "Gạch" và "Gỗ"

Có vẻ như sau một chu kỳ thành công, người ta không còn mấy mặn mà với tham vọng bá vương nữa. Xét bề nổi dường như Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tâm Long An đang "đuối" trong xu thế chung của các đội bóng giàu tham vọng.

Có vẻ như sau một chu kỳ thành công, người ta không còn mấy mặn mà với tham vọng bá vương nữa. Xét bề nổi dường như Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tâm Long An đang "đuối" trong xu thế chung của các đội bóng giàu tham vọng.
 
“Gạch”: Toan tính kiểu anh hà tiện
 
Đó là tiêu chí rất rõ ràng trong cung cách làm bóng đá của Đồng Tâm Long An. Không có chính sách chiêu dụ ngôi sao (nội), không có những chữ ký tiền tỷ, để đảm bảo không bị mang tiếng là phá giá thị trường. Nhưng sở dĩ lúc này người ta phải quan tâm, vì không hiểu Đồng Tâm Long An lấy gì để chơi, khi dàn hảo thủ của họ đã và đang bước sang sườn bên kia của sự nghiệp.
 
Chứng kiến những vụ mua bán tiền tỷ của T&T Hà Nội, The Vissai Ninh Bình hay Thể Công, rồi Ximăng Hải Phòng thời gian qua, Giám đốc điều hành Phạm Phú Hòa của Đồng Tâm Long An đã thẳng thắn: “Tôi không hiểu sao họ lại phí tiền cho những phi vụ trời ơi như vậy?! Sao không dành nó cho đào tạo trẻ, hoặc một vài cái tên ngoại thực sự chất lượng để nâng tầm đội bóng nhỉ?”. Cách lập luận kiểu hỏi ngược của ông Hòa xem như câu trả lời rất rõ ràng của Đồng Tâm Long An.
 
Đồng Tâm Long An từng 2 lần liên tiếp vô địch V-League và liên tục có mặt trong tốp 3 đội dẫn đầu ở 7/9 mùa giải chuyên nghiệp chạy thử nghiệm. Điều đó chứng tỏ, họ vẫn đang là một trong số ít những câu lạc bộ Việt Nam thành công nhất kể từ khi cái tên V-League ra đời.
 
Nhưng sau một thời gian dài vắng bóng trên bục danh hiệu của hệ thống các giải đấu trẻ, Đồng Tâm Long An đã phải giật mình. Một đội bóng lớn phải có hệ thống đào tạo trẻ uy tín và hiệu quả. Nhưng ở “Gạch”, điều này như thứ xa xỉ phẩm.

Thế mới nói, khi một đội bóng lớn như Đồng Tâm Long An thay đổi cung cách làm bóng đá, thì hẳn phải có nguyên do.
 
“Gỗ”: Hướng tới sự ổn định
 
Cùng với Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai vẫn được xem là đội bóng đi tiên phong, trong quá trình chuyên nghiệp hóa của các câu lạc bộ Việt Nam. Nhưng cả hai đội bóng này vẫn bị xem là đi tắt đón đầu, khi họ gần như chỉ sử dụng “đồ ăn nhanh”, tức các cầu thủ đã có thương hiệu.

Thời buổi “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” vẫn đang rất thịnh, thì người của “Gỗ” cũng buộc phải chuyển hướng. Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal-JMG ra đời, ngoài mục đích kinh doanh, thì cũng xuất phát từ đòi hỏi tất yếu là tạo chiều sâu cho đội bóng.
 
Đội hình của Hoàng Anh Gia Lai về cơ bản đang dần ổn định. Nhưng khoan nói về việc khai thác thương hiệu, thì việc tận dụng chuyên môn thuần túy của cầu thủ đắt nhất V-League 2009, Lee Nguyễn, đối với Hoàng Anh Gia Lai, xem như thất bại. Một mình Lee Nguyễn không thể đem lại chức vô địch cho phố núi. Mọi chuyện bắt đầu rẽ sang một hướng khác sau trận thua đậm ở Đà Nẵng. Người của “Gỗ” chính thức phải điều chỉnh lại mục tiêu ở mùa giải năm nay.
 
Theo đó, khi cơ hội vô địch của Hoàng Anh Gia Lai bị giảm thiểu đến mức tối đa, họ sẽ cố gắng bám trụ để không cách quá xa nhà vô địch. Tức là Hoàng Anh Gia Lai chỉ có thể phấn đấu để lọt vào tốp 3 đội dẫn đầu ở V-League năm nay. Đó là sự tính toán rất biết mình biết người. Mục tiêu cao nhất của Hoàng Anh Gia Lai lúc này là đấu trường Cúp Quốc gia, nơi họ sẽ gặp Becamex Bình Dương ở bán kết.
 
Theo người của “Gỗ” thì không vì một mùa giải thất bát, mà khiến họ phải lao vào thị trường chuyển nhượng một cách mù quáng. Sẽ không có thêm ngôi sao đắt giá nào nữa đến Pleiku vào mùa giải năm sau, mà một vài cái tên trong lứa trẻ U19 sẽ được đôn lên.
 
Hoàng Anh Gia Lai sẽ kéo Quý Sửu và Anh Tuấn từ Đồng Tháp trở lại Hàm Rồng. Cùng với đó là một ngoại binh khác ở hàng tiền đạo để thay thế Evaldo. Trọng tâm của kế hoạch chuyển nhượng là gia cố hàng phòng ngự và vị trí trong khung gỗ, nhưng là ai thì vẫn chưa biết đích xác.
 
Thế nên, đừng hy vọng sự bùng nổ trên thị trường chuyển nhượng của các ông lớn phía Nam./.
 
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục