Làng nghề rèn Bàn Mạch: Tất bật và tràn sức sống

Hiện cả thôn Bàn Mạch có 600/700 hộ sống bằng nghề rèn và đem tới cho người dân thu nhập cao gấp nhiều lần so với nghề nông.
Giữa buổi trưa nhưng từ đầu làng cho đến cuối làng vẫn vang tiếng đe, tiếng búa nện. Những tia lửa từ các thanh sắt đỏ rực bắn tung tóe, nghề rèn mở rộng đã biến Bàn Mạch (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) thành một công xưởng cơ khí tất bật và tràn đầy sức sống. Các lò rèn hối hả làm việc cho kịp hàng đặt mối. Thương hiệu hàng rèn thủ công Lý Nhân đã và đang nổi tiếng khắp nơi…

Nổi danh làng nghề

Con đường vào thôn Bàn Mạch được bê tông hóa, các ngôi nhà cũ, nhà tạm giờ đây đã được thay thế bằng nhà cao tầng khang trang... đã nói lên sự khởi sắc của một vùng quê lúa nằm sâu trong quốc lộ. Bộ mặt nông thôn đã thực sự thay da đổi thịt chính nhờ nghề truyền thống của cha ông để lại.

Theo lời kể của bậc bô lão trong làng thì nghề rèn đã có từ lâu. Trẻ làng rèn sinh ra đã quen mắt, quen tai với tiếng búa quai, tiếng ống bễ phì phò thâu đêm suốt sáng... Trong cuốn hương ước của làng, xa xưa Bàn Mạch chỉ là một làng thuần nông, những ngày nông nhàn xa cái cày, cái cuốc, người Bàn Mạch lại tìm thú vui trong những cuộc đỏ đen, trong chén rượu. Đến một ngày có ông quận công về làng, chán cung cách làm ăn của người dân nơi đây mới mượn thầy giỏi về truyền nghề, dạy việc... Nghề rèn Bàn Mạch ra đời từ đó. Đến nay, nghề này không còn là truyền thuyết, mà đã trở thành chuyện miếng cơm, manh áo của người dân nơi đây.

Nghề rèn trong thời kỳ kinh tế thị trường được giải phóng khỏi những o ép, khẳng định sức sống của một làng nghề danh tiếng đã từng được Bác Hồ đặt 1.500 con dao tặng cho đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc trước khi tiến hành chiến dịch Biên giới 1950. Nghề rèn Bàn Mạch đi lên từ đó...

Ông Trần Văn Can - Trưởng thôn Bàn Mạch dẫn chúng tôi đi "thị sát" một số lò có tiếng của làng. Ông cho biết, hiện cả thôn có 600/700 hộ sống bằng nghề rèn. So với nghề nông, thu nhập do nghề rèn mang lại cao gấp nhiều lần và là nguồn thu chính của người dân nơi đây.

Điều đáng nói là Lý Nhân đã nhanh chóng áp dụng khoa học vào sản xuất, từng bước cơ khí hóa làng nghề để tăng năng suất và giảm nhọc nhằn cho người lao động. Các hộ đã tự trang bị cho mình máy mài (máy rèn), máy cán thép, máy cắt gọt kim loại, búa máy, máy dập nóng, dập nguội... để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Đây cũng là biện pháp sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, chuyên môn hóa ngành nghề, dần dần tạo dựng thương hiệu của một làng rèn truyền thống.

"Sản phẩm của Lý Nhân có chỗ đứng trong thị trường không phải bởi sự lâu năm của lịch sử làng nghề, mà là chất lượng của nó , chừng nào nghề nông còn tồn tại thì chừng đó còn cần đến sản phẩm của chúng tôi "- ông Can cho biết. Mặt hàng mà Lý Nhân sản xuất chủ yếu là các nông cụ như liềm, hái, dao, rìu, kéo, các loại dao chuyên dùng cung cấp cho các nhà hàng kinh doanh hàng ăn uống và dao đi nương dùng cho đồng bào dân tộc....

Nâng con dao lên phía ánh nắng mặt trời, ông Trần Văn Long, nghệ nhân 70 tuổi chậm rãi: "Nói thật, nhìn nước thép đổi màu chúng tôi có thể nhận ra được đấy có phải là con dao của Bàn Mạch hay không, thậm chí có thể gọi tên nó do nhà nào làm ra. Đấy là bí kíp của cha ông mà không sách vở nào dạy hết...". Để có một con dao tốt phải bắt đầu từ giai đoạn tôi. Sắt khối phải vừa tuổi lửa, non quá dễ bị quăn lưỡi, già quá sẽ bị mẻ hoặc rạn.

Lý Nhân có phương pháp bổ thép với nước tôi không vùng nào có được. Miếng sắt nung vừa chín tới được bổ đôi để nhồi lưỡi thép vào giữa theo một tỷ lệ phù hợp với trọng lượng sắt. Mài cũng giữ một vai trò quan trọng. Đôi tai và con mắt của người thợ lâu năm trong nghề chỉ cần nhìn vào hoa lửa bắn ra hoặc nghe tiếng máy kêu cũng có thể biết được sản phẩm đã hoàn thiện hay chưa. Đấy chính là lý do vì sao những người vùng khác đến học nghề không thể "lấy" được bí kíp của người thợ Bàn Mạch. Một người thợ bình thường một ngày sản xuất được trên 40 thành phẩm, tính cả xã con số dao, rìu, rựa... ra đời trong một ngày trên dưới 2 vạn chiếc.
 
Dao sắc gọt chuôi

Theo ông Nguyễn Ngọc Vụ - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lý Nhân, nghề rèn đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây. Do đặc điểm đất canh tác hẹp, nên bà con rất gìn giữ và phát triển nghề này.

Đã có một thời, các làng nghề rèn ở Lý Nhân chao đảo, tưởng như không còn đứng nổi. Các lò rèn hoạt động cầm chừng, sản phẩm không tiêu thụ được. Nguyên nhân là do người tiêu dùng bị ngợp trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại dao, kéo nhập ngoại từ Trung Quốc, Thái Lan, ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, có mẫu mã đẹp, màu trắng sáng không gỉ, giá rẻ hơn.

Nhưng rồi người dân lại trở lại với Lý Nhân bằng chính chất lượng sản phẩm, đẩy lùi đồ "hàng mã" ngoại nhập. Ngược lại, nhiều khu chợ bên kia biên giới cũng đã xuất hiện hàng hóa của Lý Nhân. Bởi các loại dao Thái Lan, Trung Quốc thì lịch sự, hình thức bắt mắt, chứ dùng không sắc, chỉ một thời gian là cùn mòn, khó mài được và nhanh phải bỏ đi. Trong khi đó, dao, kéo Lý Nhân dùng lâu khi cần chỉ mài sơ qua lại dùng tốt.

Theo ông Can - Trưởng thôn, nghề rèn không chỉ có sức khỏe mà làm được. Học được tinh thông nghề này, người nhanh nhẹn cũng phải mất đến 3 năm chuyên cần. Không có sách vở nào ghi chép các bí quyết cả, chỉ có người đi trước truyền lại cho người đi sau. Cho nên, thợ học việc phải nhẫn nại học hỏi, rồi cảm nhận bằng sự tinh tế của tai, mắt, của bàn tay chính mình. Đến khi có thể làm được sản phẩm sắc bén, rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm, thì đã coi như thành nghề. "Người làm nghề rèn ở Lý Nhân luôn nhiệt tình truyền dạy cho lớp thợ trẻ tâm huyết để họ tiếp nối, không có chuyện giấu nghề, gìn giữ bí quyết đâu."

Nghề rèn truyền thống của Bàn Mạch - Lý Nhân hiện nay thu hút tới 70% số người lao động trong độ tuổi của thôn và nhiều lao động từ các huyện, tỉnh khác trong khu vực làm thuê, với thu nhập bình quân trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, làng nghề rèn Bàn Mạch đã được quy hoạch xây dựng thành một khu sản xuất riêng, đảm bảo về môi trường, tránh tiếng ồn và ô nhiễm. Mỗi ngày làng nghề có thể làm ra hàng vạn sản phẩm có chất lượng tốt, đem lại nguồn thu nhập lớn và giải quyết việc làm cho phần lớn lao động trong thôn ./.

Nguyễn Thị Thảo (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục