Làng nghề: Sống trong... sợ thất nghiệp!

Sản xuất cầm chừng hoặc phá sản đang là tình trạng chung của các làng nghề trong cả nước. Hiện có khoảng 11 triệu lao động làm việc trong 2.700 làng nghề. Trong đó, dự báo nếu tình tình tiếp tục xấu đi, tình trạng mất việc hàng loạt sẽ diễn ra trên diện rộng ở các làng nghề…

Sản xuất cầm chừng hoặc phá sản đang là tình trạng chung của các làng nghề trong cả nước. Hiện có khoảng 11 triệu lao động làm việc trong 2.700 làng nghề. Trong đó, dự báo nếu tình tình tiếp tục xấu đi, tình trạng mất việc hàng loạt sẽ diễn ra trên diện rộng ở các làng nghề…
 
Sẽ có 5 triệu lao động nông thôn mất việc?
 
Tại xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) - một địa phương nổi tiếng cả nước với nghề mây tre đan xuất khẩu, khoảng hơn 3 tháng trở lại đây, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mây tre đan, hầu như không nhận được thêm đơn hàng mới. Các đơn hàng cũ cũng bị phía các đối tác nước ngoài hoãn lại.
 
Doanh nghiệp mây tre đan Hiền Dương (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) trước đây có khoảng 40 lao động thường xuyên, giờ chỉ còn 15. Anh Nguyễn Trọng Bền, chủ doanh nghiệp cho biết: “ Từ tháng 9/2008 tới nay, hầu như không có đơn hàng mới. Gần một tháng giáp Tết Nguyên đán, phải cho lao động thường xuyên tại nhà nghỉ việc...”
 
Hộ gia đình sản xuất mây tre đan nhà ông Nguyễn Văn Ký, giữa đầu năm ngoái, có tới 5 lao động làm thường xuyên, giờ chỉ có 2 người. Thu nhập gia đình từ đó cũng giảm xuống đáng kể, năm ngoái một ngày công của một lao động trong gia đình là 30 nghìn đồng, năm nay chỉ còn 20 nghìn đồng…
 
Hiện tại, cả xã Phú Vinh có 17 doanh nghiệp, hộ kinh doanh mây tre đan xuất khẩu nhưng chỉ có một vài hộ là vẫn có đơn hàng. Ông Nguyễn Văn Đô, giám đốc công ty mây tre xuất khẩu khẩu Hằng Đô, là người ít ỏi trong xã nhận được đơn hàng trong thời buổi khó khăn này.
 
Theo ông Đô, nguyên nhân chủ yếu của việc làm ăn đình đốn của các cơ sở sản xuất tại xã, là do đầu năm nhập nguyên liệu với giá cao ngất ngưởng, cuối năm giá nguyên liệu giảm nhưng lại không có thêm đơn hàng mới. "Mặt khác, hầu hết các cơ sở vay vốn ngân hàng nửa đầu năm ngoái với lãi suất cao nhưng cuối năm không xuất hàng được nên không có tiền trả nợ, muốn vay thêm để mở rộng sản xuất cũng không được." - ông Đô nói.
 
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Lưu Huy Dần, Tổng Thư kí hiệp hội làng nghề cho biết không chỉ riêng xã Phú Nghĩa và mặt hàng mây tre đan mới gặp khốn khó như vậy mà tình hình xấu của làng nghề đang diễn ra trên diện rộng khắp cả nước, không trừ những làng nghề nổi tiếng như gốm sứ Bát Tràng hay gỗ Đồng Kỵ…
 
Thống kê Bộ Nông nghiệp Phát triền Nông thôn cũng cho thấy: Trong 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện tại đã có 9 làng nghề phá sản, 124 làng nghề sản xuất cầm chừng; trong đó khoảng 2.116 hộ sản xuất có đăng kí kinh doanh phá sản, 468 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.
 
Theo ông Dần, con số thực tại về tình hình làng nghề còn ảm đạm hơn nhiều so với báo cáo. Vì hiện tại, mới chỉ có 38/63 tỉnh thành tham gia báo cáo, trong khi trên cả nước có 2.790 làng nghề với khoảng 11 triệu lao động. “Năm 2009, sẽ có trên 50% doanh nghiệp làng nghề phải giải thể, kéo theo khoảng 5 triệu lao động mất việc làm. Hiện có khoảng 60% doanh nghiệp làng nghề đang hoạt động cầm cự, 20% đang thoi thóp”, ông Dần cho biết.
 
Trong khó khăn cần có "nhạc trưởng"?
 

Cũng theo ông Dần, không phải những bất cập của làng nghề bây giờ trong lúc khó khăn mới đuợc phát hiện, mà nội tại đã có từ lâu. Từ bất cập về vốn vay, thông tin thị trường, công nghệ, đào tạo lao động…, tất cả những vấn đề đó đã là bức thiết. Nhưng khi gặp khó khăn, thì nó mới hiện ra rõ ràng.
 
Tính đến hết tháng 12/2008, tổng số dư nợ của làng nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã và hỗ sản xuất tại 38/63 tỉnh thành có báo cáo là gần 2.170 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 12,3 tỷ đồng…
 
Trong Dự thảo Báo cáo về tình hình và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển làng nghề do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sáng 11/2, cũng đã đề cập tới các khó khăn và biện pháp tháo gỡ như hỗ trợ lãi suất vay Ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục nhập nguyên liệu, đảm bảo cung ứng điện đầy đủ…
 
Ông Dần nhấn mạnh, trong lúc khó khăn cũng là lúc chúng ta nhìn nhận lại các vấn đề để tháo gỡ. Có nhiều lĩnh vực trong làng nghề lâu nay không được chú ý, như xây dựng vùng nguyên liệu. Để làng nghề đi vào hoạt động ổn định thì cần phải có quy hoạch vùng nguyên liệu cụ thể. “Lâu nay, về nguyên liệu vẫn là mạnh ai người nấy thu mua. Vì thế, khi có những biến động về giá lớn, dễ gây khủng hoảng cho làng nghề.” - ông Dần cho biết.
 
Hiện nay, giải quyết các vấn đề của làng nghề có tới 3 bộ tham gia là Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước. Trong phạm vi quản lý làng nghề cũng có 2 bộ đang giữ chức năng quản lý là Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương. Trong khi đó, 25 tỉnh thành phía Bắc có làng nghề lại đang thuộc Sở Công thương các tỉnh quản lý, chiếm gần 2/3 tổng số làng nghề trong cả nước. “Bộ nào cũng có chức năng giải quyết, nhưng không có tiền cụ thể”, ông Dần nói.
 
Để tháo gỡ tận gốc các vấn đề trên, theo ông Dần, phải có Ban chỉ đạo nhà nước về vấn đề tư vấn và phát triển bền vững các làng nghề. “Một ban chỉ đạo chung sẽ chuyên tâm và theo dõi sát xao hơn với các làng nghề, chứ các Bộ cùng tham gia thì chỉ khi nào gặp khó khăn, các Bộ mới vào cuộc thì…không ổn!”, ông Dần bày tỏ nguyện vọng./.
 
 Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục