Làng nghề thủ công Thừa Thiên-Huế thu hút khách

Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 88 làng nghề truyền thống, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa, thu hút khách nước ngoài.
Thế mạnh của các làng nghề là các sản phẩm làm thủ công, nên việc trình diễn tại các làng nghề hết sức hấp dẫn và thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài.

Nắm bắt đặc điểm này, nhiều làng nghề ở Thừa Thiên-Huế vừa tổ chức sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm, gắn với hàng lưu niệm, thu hút đông khách du lịch đến với các làng nghề.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 88 làng nghề truyền thống, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa. Nhiều nghề trong số đó đi liền với việc xây dựng các công trình di tích Huế như nghề mộc, chạm khắc gỗ, đúc đồng, gốm sứ, luyện sắt, rèn... Nếu biết kết hợp khai thác tiềm năng du lịch làng nghề, đây cũng là thế mạnh thu hút khách du lịch hiện nay của Thừa Thiên-Huế.

Năm nay, trong quy hoạch phát triển các làng nghề gắn với du lịch, tỉnh Thừa Thiên-Huế đầu tư 5,4 tỷ đồng; trong đó tập trung vào hai nhiệm vụ chính là bảo tồn, khôi phục, phát triển các nghề, làng nghề như gốm Phước Tích, mây tre đan Bao La và các làng nghề nón lá (Mỹ Lam, Thủy Thanh, Phong Sơn, Đông Đô), phát triển nghề chế biến dầu tràm, nước mắm và các làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khác; đồng thời hỗ trợ đào tạo nghề cho các cơ sở sản xuất ở các làng nghề.

Một trong những địa điểm thu hút khách du lịch ở Huế hiện nay là cơ sở sản xuất "nón Thuý," ngụ tại tổ 13 phường Phước Vĩnh, thành phố Huế. Chị Nguyễn Thị Thúy đã tạo nên thương hiệu nón lá từ bàn tay tật nguyền.

Sinh năm 1986, ngay từ buổi đầu, cánh tay phải của chị bị dị tật vào đến khuỷu, mọi sinh hoạt, học hành đều sử dụng bàn tay trái. Để không trở thành gánh nặng của gia đình, Thúy chọn cho mình nghề chằm nón, ban đầu chỉ để giúp mẹ và bà ngoại trong một số công đoạn. Vậy mà vượt lên chính mình, Thúy đã thành thạo với nghề và cơ sở sản xuất của chị trở thành điểm đến tham quan cho khách du lịch gần xa.

Trong khi nghề chằm nón ở Huế đang đứng trước nguy cơ mai một, Thúy chọn cho mình cách làm theo hướng du lịch. Khách đến với cơ sở của chị, vừa được xem cô gái chỉ với một tay, nhưng làm nên những chiếc nón xinh xắn, lại có sản phẩm mua về làm quà cho người thân. Khách du lịch tìm đến với cơ sở nón Thúy không chỉ đơn thuần mua về cho mình chiếc nón Huế của đất nước Việt Nam, mà ẩn chứa cả tấm gương của một con người không chịu đầu hàng trước số phận, như nhiều khách du lịch đến đây đã từng ngợi ca.

Cách thành phố Huế chỉ vài cây số, nghề đúc đồng ở phường Đúc lại có cách thu hút khách du lịch theo kiểu "làng nghề." Phường có tới hơn 60 lò đúc với khoảng 150 người làm nghề này. Ngoài các sản phẩm thông thường như đúc Đại hồng chung (chuông đồng cỡ lớn), lư hương, các mặt hàng mỹ nghệ, các cơ sở đúc đồng ở phường đúc còn có thể sản xuất những chi tiết máy dùng trong công nghiệp và những linh kiện có tính chính xác cao.

Các sản phẩm đồng mỹ nghệ, từ khâu lên khuôn, nung chảy và rót đồng đều chủ yếu làm bằng tay nên rất thu hút du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Cũng chính từ đây, giữa khách du lịch và người thợ thủ công có dịp trao đổi để hoàn thiện sản phẩm, như cải tiến, đổi mới mẫu mã, nhằm cho ra thị trường những sản phẩm đẹp mắt, nhỏ gọn hơn so với các sản phẩm bằng đồng khá thô và nặng trước đây./.

Quốc Việt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục