Lặng người với câu chuyện cảm động về một liệt sỹ thông tấn

Bà Trần Tố Nga, “cựu binh” của Thông tấn xã Giải phóng, đã dành những lời chan chứa ân tình nói về liệt sỹ Phan Hoài Nam - một trong những người con của ngành thông tấn.
Lặng người với câu chuyện cảm động về một liệt sỹ thông tấn ảnh 1Liệt sỹ Phan Hoài Nam và cha - nhà thơ Xuân Tâm - tại Moskva, năm 1962. (Nguồn: TTXVN)

Bà Trần Tố Nga, “cựu binh” của Thông tấn xã Giải phóng, đã dành những lời chan chứa ân tình nói về liệt sỹ Phan Hoài Nam - một trong những người con của ngành thông tấn đã hy sinh vì nước trong Tổng tấn công Mậu Thân 1968.

Tôi và Phan Hoài Nam về cơ quan Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) chỉ cách nhau hai tuần, nhưng Nam là phóng viên, biên tập với tất cả sự “oai phong” của một chàng trai trẻ, tốt nghiệp đại học, từ miền Bắc chi viện về. Còn tôi, “lạc bầy” từ cơ quan Giáo dục qua, không có chuyên môn nên đuợc phân vào phòng Tư liệu. Gọi là “phòng” cho oai, chứ chúng tôi chỉ có hai nguời và nhiệm vụ chủ yếu là hàng ngày chép lại các đề mục tin, bài mà các phóng viên như Nam đã viết và điện ra miền Bắc, một việc không hề cần đến kiến thức đại học của tôi. Những giờ còn lại thì đi chặt cây, làm nhà, đào giếng, làm chị nuôi... Ðến khi phải chống càn thì thường được phân công canh gác ban đêm để các phóng viên như Nam có thể ngủ và tác chiến bằng tin và bài.

Nam và các bạn học sinh miền Nam cùng cơ quan biết là tôi buồn vì không được làm việc như ý muốn. Các anh lẳng lặng giúp tôi bằng cách giao tin cho tôi tập viết.

Tháng 8/1967, chúng tôi ở trong đoàn phóng viên TTXGP đi dự Ðại hội Anh hùng lần thứ hai. Ði được vài ngày, giặc càn phía trước, chúng tôi phải dừng lại giữa đường. Hai đứa đi hái măng và rau rừng về làm cơm cho cả đoàn. Vừa làm, vừa hát, rồi tôi tự dưng chuyển sang đọc thơ: “Sung sướng quá giờ cuối cùng đã đến...”. Chưa kịp đọc tiếp, Nam gọi giật giọng: "Nga ơi, có biết đang đọc thơ của ai đó không? Của ba mình đó!" Rồi Nam lặng đi hồi lâu, lâu lắm mới kể về chuyện nhà, chuyện ba, mẹ, chuyện các em của Nam.

Học với nhau một năm ở trường 24, nhưng cũng chưa mấy quen nhau, làm việc với nhau hơn một năm nhưng cũng không hiểu nhau hơn. Nhưng từ hôm Nam kể chuyện của mình, tôi và Nam trở thành thân thiết, một tình thân sâu sắc vì cũng lần đầu tiên, tôi nói cho một người bạn tất cả những nỗi đau khổ của chính mình, kể cả nỗi đau không tìm được hài cốt của mẹ.

Ðại hội kết thúc, trên đường trở về, đoàn chúng tôi bị máy bay địch phát hiện. Hai đứa ngồi dưới hai gốc cây dầu cách nhau không xa, tôi đang say sưa kể chuyện thì máy bay địch bỏ bom, một quả đạn rốckét nổ cách tôi không đầy một thước. Hai đứa vùng chạy. Bốn quả đạn liên tiếp nổ đuổi theo, ai cũng nghĩ là hai đứa sẽ chết. Vậy mà chúng tôi lại thoát. Nam cười: "Lúc nãy, mình nghĩ nếu có chết thì để con trai chết tốt hơn." Còn tôi lại nghĩ: Nếu phải chết, tôi chết thì hơn...

Hết máy bay, chúng tôi lại tiếp tục đi, nhưng không bao lâu, hai chiếc khu trục quay lại, quần thật thấp, thật sát ngọn cây, quần mãi, quần mãi... Chúng tôi hồi hộp, sốt ruột, không biết cái chết sẽ đến từ đâu để còn biết đường mà chạy tránh. Ðến khi một trái bom bi từ máy bay rơi xuống, nổ tung như bao gạo bị xé miệng bao, chúng tôi mới chạy về hướng rừng rậm, cứ bom nổ thì nằm xuống, hết tiếng bom lại chạy, chạy đến đứt cả dép râu.

Bom tan, máy bay bỏ đi, chúng tôi quay trở lại thì thấy có nhiều người hy sinh và bị thương. Ðoàn chúng tôi mất hai người, bác Tư Thúy (tức Ðinh Thúy, Bùi Ðình Túy) và anh Nguyễn Ðình Cước. Bác Tư nằm co quắp dưới một gốc cây khô, các viên bi xuyên nát người. Anh Cước chết gục vào một gốc cây, một chân quỳ, một chân đứng… Trước cái chết của hai người đồng nghiệp thân thiết ấy, lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái phù du, mong manh của cuộc sống.

Chôn cất đồng nghiệp bằng chính hai bàn tay của mình vì không hề có cuốc, xẻng, chúng tôi lại chia nhau mang hành trang của những ngừời hy sinh, thay nhau cáng các đồng chí bị thương, đi suốt đêm. Nam xin được một nắm cơm, ép tôi ăn vì cả ngày chưa ai kịp ăn gì. Trạm nơi chúng tôi dừng chân không nhận nguời bị thương, mà đoàn lại có anh Bình bị đạn trúng chân, không cấp cứu nhanh sẽ nguy hiểm. Ai cũng mệt. Cuối cùng chỉ còn Nam, Phụng và tôi, ba học sinh Miền Nam và anh Mến cùng đoàn tiếp tục khiêng thương binh. May mà dọc đuờng, bộ đội thấy con gái phải cáng thương nên tội nghiệp, khiêng giùm một đoạn...

Tổng tấn công mùa Xuân 1968, Nam được phân công “xuống đường”. Cũng như các bạn khác, trước khi đi, Nam gửi lại cho tôi một thùng đạn đại liên, trong đó chứa tất cả các vật dụng của Nam. Tôi tiễn Nam đi, biết rằng bạn còn một vương vấn vì chưa tổ chức được đám cưới với nguời yêu.

Tổng tấn công đợt một kết thúc, Nam xin được ở lại tham gia chiến đấu tiếp. Cho đến một hôm, thủ trưởng cơ quan bảo tôi trao lại thùng đồ của Nam để gửi ra miền Bắc vì Nam đã nằm lại chiến trường Long An. Một viên đạn trúng ngay trán đã cướp đi mạng sống của người bạn ngày nào muốn dùng thân mình che đạn cho tôi.

Giờ đây, đã ở chặng cuối cuộc đời, tôi biết mình sẽ không bao giờ quên từng giây, từng phút chia sẻ hiểm nguy với Nam, những giây phút mà mạng sống của chính mình không quan trọng bằng mạng sống của bạn bè, đồng đội. Trong tôi có ước vọng cháy bỏng là mỗi người chúng ta hãy sống hết mình, sống cho cả những người không may mắn được sống đến già để yêu thương nhau đến già, như người bạn dũng cảm, đầy bản lĩnh và lòng nhân ái của tôi - liệt sỹ Phan Hoài Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục