Làng sản xuất mứt kẹo Xuân Đỉnh chuẩn bị Tết

Cứ mỗi độ Tết đến, các cơ sở sản xuất mứt kẹo Xuân Đỉnh, Hà Nội nhộn nhịp hẳn lên nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân.
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, làng làm mứt kẹo Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội lại nhộn nhịp hẳn lên. Các cơ sở sản xuất mứt đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, với thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Cố lưu lại một nghề truyền thống

Ông Nguyễn Ngọc Lương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Đỉnh cho biết, toàn xã hiện có 41 hộ chuyên sản xuất mứt, kẹo, trong đó 70% số hộ chuyên sản xuất mứt bí. Làng nghề bánh mứt kẹo của xã bận rộn nhất vào dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán với lượng hàng tiêu thụ cả năm 2009 trên 600 tấn, góp phần tăng thu nhập cho người dân trong xã. Nhiều hộ còn nhận gia công cho một số công ty kinh doanh bánh mứt kẹo có tiếng như Công ty bánh mứt kẹo Hà Nội, Hữu Nghị…

Chị Nguyễn Thị Hòa, chủ cơ sở mứt bí Hòa-Lợi cho biết, làng nghề mứt kẹo Xuân Đỉnh có cách đây hơn 100 năm, nhưng hiện nay số hộ duy trì sản xuất không nhiều. Sản phẩm của làng chủ yếu là mứt bí, mứt lạc, mứt gừng, mứt cà rốt, mứt dừa… Sản phẩm của các cơ sở sản xuất được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh phía Bắc như Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Dương, Thanh Hóa. Để làm ra được 1kg mứt bí phải cần đến 1,8kg bí tươi và trải qua gần 20 công đoạn mới có được sản phẩm ưng ý.

Anh Nguyễn Thừa Lợi, chủ một cơ sở làm mứt cho biết: "Để có được những gói mứt thơm ngon, khi ăn ngậy mát, cầm tay không ướt thì khâu quan trọng nhất là phải chọn được nguyên liệu tốt. Bí quả được gọt vỏ sạch sẽ, sau đó thái miếng rồi ngâm trong nước vôi 24 tiếng. Tiếp đến là rửa sạch từ 3-5 nước rồi mang luộc và đem phơi, rồi luộc lại. Công đoạn cuối cùng là muối đường trong thời gian từ 5-6 tiếng. Cầu kỳ nhất là việc tuyển chọn những thanh bí trước khi ngâm đường. Bí làm mứt tránh để dập nát, bởi nếu trong khi ngâm có 5-10 miếng bí bị dập nát coi như cả bể bí phải bỏ ra tuyển lại".

Ông Dương Xuân Hòa, cán bộ thuế thương nghiệp xã Xuân Đỉnh cho hay, nhờ có nghề làm mứt, kẹo mà số lao động ngoại tỉnh như Hòa Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc… đã có việc làm ổn định. So với năm 2009, thu nhập của người lao động tăng từ 10-20% nhờ giá sản phẩm gần Tết đã nhích lên đôi chút. Ngoài chi phí ăn, ở được các chủ hộ lo, lao động thu nhập trung bình từ 1,5-2 triệu đồng sau vụ sản xuất khoảng một tháng. Một số hộ sản xuất đầu tư cả giàn máy đảo bí, máy trộn lạc hiện đại, giảm lượng lao động thủ công.

Làm thuê nhiều năm tại Xuân Đỉnh, anh Nguyễn Hùng quê Thanh Hóa đã thuần thục các công đoạn của nghề làm mứt kẹo. Tranh thủ thời gian nhàn rồi sau những ngày mùa, anh Hùng cùng 5 đồng hương đã tìm được việc ổn định tại các cơ sở sản xuất mứt kẹo ở Xuân Đỉnh. Hy vọng sau hơn 1 tháng vất vả gia đình anh sẽ có cái Tết sung túc hơn năm trước.

"Nghề làm mứt bí, lạc gồm nhiều công đoạn gọt bí, rang lạc, ủ vôi, phơi, trộn đường... Cơ sở sản xuất giữ thợ có tay nghề làm việc quanh năm. Ngày mùa vụ, họ mới cần thêm nhiều lao động cho các việc phụ", anh Hùng cho hay.

Tuy nhiên, chị Hòa cho rằng: "Nhiều lao động trẻ, nhiệt tình nhưng do trình độ văn hóa không cao nên còn lúng túng khi sử dụng các thiết bị hiện đại như máy đảo bí, đóng gói... dù đã được hướng dẫn cụ thể”.

Vẫn lo vấn đề chất lượng

Quan sát một số cơ sở sản xuất mứt bí ở Xuân Đỉnh, chúng tôi nhận thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường ở đây đang đặt ra nhiều điều phải bàn. Tại một xưởng sản xuất mứt ở ngay đầu thôn, gần chục thợ sản xuất được huy động làm việc luôn chân luôn tay. Gọi là thợ nhưng những người này không đeo khẩu trang, không dùng găng tay sản xuất cũng như mặc quần áo riêng biệt. Từng quả bí xanh được xếp thành dãy dài dưới nền sân. Bí được gọt xong vỏ vứt lăn lóc trên lối đi rất mất vệ sinh.

Cả xã có 7.500 hộ nhưng chỉ có khoảng 50 hộ làm nghề. Lý do khiến làng nghề này bị mai một, theo ông Nguyễn Ngọc Lương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Đỉnh là do địa bàn sản xuất không có, nguyên liệu ít, người tiêu dùng giảm, không cạnh tranh được với thị trường bánh kẹo phong phú khác. Đó là lý do khách quan, còn lý do chủ yếu nhất vẫn là thương hiệu, chất lượng của sản phẩm có được người tiêu dùng ưa chuộng và tin tưởng hay không. Muốn có thị trường, trước hết sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng…

Tuy nhiên, những gì chúng tôi chứng kiến ở trên, e rằng người tiêu dùng vẫn chưa thể yên tâm sử dụng bánh mứt kẹo của một số cơ sở sản xuất như họ đã công bố chất lượng. Mứt Tết - món ăn cổ truyền trong mỗi dịp Tết sẽ ngon hơn, đậm đà hương vị hơn nếu nó được sản xuất đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Để làng nghề tồn tại và phát triển, người sản xuất cần xây dựng cho mình được thương hiệu và thương hiệu ấy phải thực sự được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn./.

Nguyễn Viết Tôn (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục