“Làng tôi” hồi hương sau nhiều năm chu du thế giới

Sau nhiều năm chu du thế giới, xiếc "Làng tôi" sẽ về với khán giả Việt Nam bằng buổi diễn ra mắt ngày 10/08, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.
Sau khi nhận được nhiều thành công trên thế giới, chương trình xiếc Làng tôi sẽ trở lại Việt Nam, dự kiến chính thức công diễn vào tháng 04 năm 2013. Trước đó, các nghệ sỹ sẽ diễn một buổi ra mắt duy nhất vào 20 giờ ngày 10/08 tới đây, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Có thể nói, Làng tôi là một điểm sáng được kỳ vọng sẽ khuấy động và làm mới cho thị trường xiếc trong nước đang trở nên nhàm chán, quanh quẩn chỉ thấy những tung hứng, nhào lộn, thú làm trò…
Hành trình hồi hương
Ra mắt khán giả từ năm 2005 với phiên bản đầu tiên lên tới 100 người biểu diễn, đến năm 2008, Làng tôi được dựng lại với 20 người. Sau hai buổi diễn thử trong nước, cả ê-kip đã “khăn gói” lên đường đi Pháp, Anh, Mỹ và nhiều quốc gia ở châu Âu khác với mong muốn quảng bá hình ảnh xiếc Việt Nam với bạn bè quốc tế.
“Để giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam có chỗ đứng trong lòng khán giả thì nhiều khi chúng tôi buộc phải đi đường vòng, tức là ra thế giới, gây ấn tượng với bên ngoài rồi tiếng lành mới có thể ‘đồn’ về Việt Nam, khiến công chúng trong nước tò mò, quan tâm...,” đạo diễn chương trình, nghệ sỹ Nguyễn Nhất Lý chia sẻ lý do vì sao không công diễn ở trong nước rồi mới lưu diễn nước ngoài.
Một buổi diễn của các nghệ sỹ "Làng tôi" (Nguồn ảnh: internet)
Làng tôi thuộc thể loại xiếc mới (nouveau cirque) - loại xiếc không dùng động vật. Trong xiếc mới, kỹ thuật xiếc truyền thống được đặt vào không gian của ánh sáng, âm nhạc nhằm tạo ra một cốt truyện với các nhân vật cụ thể, có tính cách, câu chuyện. Trên thế giới, xiếc mới đang được coi là hướng đi mới cho nghệ thuật xiếc.
Đạo diễn Lê Ngọc Tuấn Anh của Làng tôi cho biết: “Xu hướng chung của xiếc trên thế giới là không dàn dựng các tiết mục đơn lẻ nữa mà xây dựng chương trình có ý tưởng, có nội dung rõ ràng hay vở diễn có lớp lang và đưa được thông điệp đến người xem. Diễn viên vì thế cũng phải ‘đa năng,’ vừa múa, vừa chơi nhạc, vừa làm xiếc, ngoài biểu diễn sân khấu còn đóng vai trò như khán giả, nghe nhạc và xem các đồng nghiệp khác diễn...”

Kể chuyện với làng
Hầu hết các nghệ sĩ xiếc của Làng tôi đều xuất thân từ trường Xiếc Hà Nội với mong muốn thực hiện một vở xiếc mang đậm hồn dân tộc với dụng cụ chủ yếu là cây tre. “Chúng tôi muốn các bạn trẻ hướng về cội nguồn dân tộc cũng như mang nét đẹp văn hóa Việt Nam tới nhiều quốc gia trên thế giới…,” nghệ sĩ Lê Tuấn nói về ý tưởng của chương trình.
“Làng” có 20 người với đủ nam thanh, nữ tú, có người đứng tuổi, có bé mục đồng. Nội dung không quá gay cấn, không có quá nhiều nút thắt, nhưng lại mang vẻ đẹp của một công trình kiến trúc bằng tre mà trong đó các nghệ sĩ như những người thợ xây, không ngừng biến hóa, nhào lộn, để tạo nên sự cân bằng và vẻ hoàn mỹ cho tác phẩm.
Sân khấu Làng tôi cũng không sặc sỡ dưới ánh đèn màu, chỉ đơn giản được đánh sáng để nổi bật một màu nâu tràm quen thuộc và gắn bó với những người nông dân Việt Nam. Cảnh phông “tĩnh” là những màn tre, bao gồm khoảng chục cây tre dài cùng với ống nứa, rổ tre, mõ tre, mành tre, là những đạo cụ mang tính chủ đạo cho nghệ sĩ tung hứng và làm xiếc.
Sự chuyển động và biến đổi không ngừng của dàn diễn viên trên những thân tre ấy tạo ra sự tương phản giữa động và tĩnh nhưng vẫn hòa hợp và tôn nhau lên trong một chỉnh thể.
Giữa bối cảnh ấy, những âm thanh được khai thác từ chất liệu dân gian quen thuộc nhưng được làm mới với tiết tấu và giai điệu hiện đại. Từ tiếng gà gáy ban mai đến câu ca trong buổi chiều tà, từ tiếng gió rì rào của rặng tre đến tiếng tụng kinh gõ mõ của bậc tu hành, từ câu ca khi mẹ ru con ngủ đến tiếng hò vu vơ của các đôi trai gái trong làng, tiếng chổi quét sân khe khẽ đến những hạt mưa tưới mát ruộng đồng… mang đến cho người xem những hồi tưởng và xúc cảm về một khu làng quê yên bình.
Từ tháng 04/2013, Làng tôi sẽ được biểu diễn hàng tuần và được kỳ vọng sẽ trở thành “đặc sản” của Việt Nam với du khách nước ngoài bên cạnh múa rối nước./.
Mai Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục