Lãnh đạo Ai Cập và Israel hội đàm về Trung Đông

Tổng thống Ai Cập Mubarak đã gặp Thủ tướng Israel Netanyahu để thảo luận biện pháp nhằm nối lại hòa đàm giữa Israel và Palestine.
Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ngày 6/1 đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại khu nghỉ dưỡng Sharm El-Sheikh bên bờ Biển Đỏ nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông đang lâm vào bế tắc.

Tại cuộc gặp, hai bên chủ yếu thảo luận các biện pháp giải quyết trở ngại cũng như các nỗ lực nhằm nối lại các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine, sau khi Mỹ thông báo không thuyết phục được Israel gia hạn dừng xây dựng nhà định cư Do Thái.

Hãng tin chính thức MENA của Ai Cập cho biết, Tổng thống Mubarack đã hối thúc Israel xem xét lại chính sách về tiến trình hòa bình, cho rằng Israel phải chịu trách nhiệm về sự bế tắc hiện nay và hối thúc Tel Aviv thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin với Palestine.

Tổng thống Mubarack nhấn mạnh Ai Cập hoàn toàn phản đối bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào người dân Dải Gaza, đồng thời cảnh báo sự đe dọa hiện nay của Israel đang gây mất ổn định khu vực.

Về phần mình, ông Netanyahu đánh giá cao vai trò quan trọng của Ai Cập trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông và đề nghị Tổng thống Mubarack thuyết phục Palestine trở lại đàm phán trực tiếp với Israel.

Cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine được nối lại hồi đầu tháng 9/2010 đã đình trệ ba tuần sau đó khi Israel không gia hạn dừng xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Palestine khẳng định sẽ không trở lại đàm phán chừng nào Tel Aviv vẫn tiếp tục hoạt động định cư.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton cùng ngày 6/1 cũng có cuộc hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây.

Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Abbas đề nghị EU đóng một vai trò lớn hơn để phục hồi tiến trình hòa bình Trung Đông. Bà Ashton tái khẳng định cam kết của EU thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của EU sẽ công nhận nhà nước Palestine "khi thích hợp."

EU cũng kêu gọi nối lại tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông và yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu định cư ở các vùng đất Palestine bị chiếm đóng.

Phát biểu khi kết thúc chuyến thăm Israel và các vùng lãnh thổ Palestine, bà Ashton đề nghị Bộ Tứ bảo trợ tiến trình hòa bình Trung Đông (gồm Mỹ, EU, Liên hợp quốc và Nga) nhóm họp vào đầu tháng Hai tới để tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc giữa Israel và Palestine.

Cùng ngày, phát biểu trên Đài Tiếng nói Palestine, Ngoại trưởng Palestine Reyadh Al-Maliki cho biết, các nước châu Âu dự kiến nâng cấp đại diện ngoại giao Palestine, theo đó các văn phòng đại diện của Chính quyền dân tộc Palestine tại các nước này sẽ nâng cấp thành phái đoàn ngoại giao và người đứng đầu phái đoàn được gọi là đại sứ. Gần đây Tây Ban Nha và Pháp đã thực hiện động thái này. Anh cũng hứa nghiên cứu các thủ tục để nâng cấp văn phòng đại diện Palestine ở London.

Theo ông Maliki, đây là các bước ban đầu công nhận nhà nước Palestine độc lập. Cuối năm 2010, một số nước Mỹ Latin gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Ecuador đã công nhận một nhà nước Palestine có chủ quyền trên các vùng đất bị Israel chiếm đóng từ năm 1967./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục