“Lãnh đạo chi bộ 8X: Chân dung những người truyền lửa”

Sắp xếp công việc chuyên môn bận rộn ở doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, Huân dành rất nhiều thời gian để xây dựng, phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp của Bắc Giang.

Họ là lớp thanh niên thể hệ 8X, mang trong mình nhiệt huyết, sự khát khao, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trưởng thành từ cơ sở, với họ, được vinh dự đứng trong hàng ngũ những người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh là những bước đi quan trọng của cuộc đời, được xem như tiêu chuẩn, là thước đo giá trị của cuộc sống và khiến cuộc đời của họ như có ý nghĩa hơn.

VietnamPlus khởi đăng loạt bài: “Lãnh đạo chi bộ 8X: Chân dung những người truyền lửa,” với mong muốn sẽ đem lại cho độc giả cái nhìn mới về những đảng viên trẻ đang nỗ lực không nghỉ để đóng góp sức mình cho xã hội, xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở ngày càng vững mạnh.

“Lãnh đạo chi bộ 8X: Chân dung những người truyền lửa” ảnh 1Phó Bí thư tuổi 8X Lê Văn Huân tự hứa với lòng mình sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao phó. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Bài 1: Người phát triển “Búa liềm Vàng” trong các khu công nghiệp Bắc Giang

Khéo léo để không nói về mình, Lê Văn Huân (Phó Bí thư Chi bộ các doanh nghiệp khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang) kể cho chúng tôi nghe về “thước đo giá trị trong cuộc sống.” Đó những khát khao, vinh dự của những người làm công tại các doanh nghiệp khi được đứng dưới cờ Đảng quang vinh…

Và Huân, một lãnh đạo Chi bộ ở thế hệ 8X vẫn ngày ngày tìm kiếm những quần chúng ưu tú, nguyện đem hết sức mình để phát triển Đảng trong các khu công nghiệp…

Thước đo giá trị cuộc sống

Con "ngựa sắt" cũ kỹ miệt mài đưa chúng tôi từ Hà Nội tới Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên, Bắc Giang) vào một sớm mùa Thu. Mới hơn 7 giờ sáng, gọi cho Huân, đã thấy anh ở nơi làm việc để bắt đầu cho một ngày dài vất vả.

Trong căn phòng họp của Công ty Sung Woo Vina (Doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc-nơi Huân làm việc), Huân niềm nở đón khách lạ. Khi được hỏi về mình, chàng trai trẻ cười, bảo rằng, công lao phát triển Đảng ở các doanh nghiệp khu công nghiệp Bắc Giang thuộc về nhiều người, trong đó có vai trò quan trọng của đồng chí Nguyễn Minh Chiến, Phó bí thư Đảng bộ Khu công nghiệp, Bí thư Chi bộ các doanh nghiệp Khu công nghiệp (Nguyên tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng trường chính trị tỉnh Bắc Giang), anh chỉ góp một phần công sức nhỏ!

Sinh năm 1982, Huân tốt nghiệp Đại học Thương mại Hà Nội năm 2005. Sau khi làm việc tại Hà Nội hai năm, anh trở về Bắc Giang làm việc cho Công ty Unico Global (100% vốn Hàn Quốc), Công ty cổ phần May Bắc Giang và từ 2009 tới nay, đầu quân cho Sung Woo Vina.

Huân kể rằng, khi ấy, anh mong muốn trở thành một Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng Chi bộ tại doanh nghiệp chưa ra đời. Anh về địa phương (huyện Yên Dũng) sinh hoạt và phát triển và được đứng trong hàng ngũ của Đảng vào năm 2012.

Năm 2013, Chi bộ các doanh nghiệp Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang ra đời với 3 đảng viên ban đầu. Tới tháng 1/2015, Huân chuyển về công tác Đảng tại Chi bộ này với cương vị là Phó Bí thư. Từ đây, anh đã nỗ lực để tập hợp, phát triển những quần chúng, công nhân, đoàn viên ưu tú vào Đảng.

“Con đường để trở thành Đảng viên đã mở ra cho công nhân ở khu công nghiệp. Thế nhưng, làm thế nào để người lao động chủ động phấn đấu tìm tới Đảng, làm thế nào để Đảng lựa chọn được người xứng đáng đứng trong tổ chức là những câu hỏi tôi cũng như nhiều đồng chí trong Chi bộ luôn tự đặt ra với mình,” Huân tâm sự.

Để giúp người lao động tiếp cận với cương lĩnh của Đảng, Huân bảo, qua các tổ chức công đoàn, Chi bộ đã lựa chọn được những thành viên ưu tú và mời họ tham gia trong mỗi cuộc họp. Qua những lần như vậy, việc theo dõi, bồi dưỡng, kết nạp Đảng viên đã trở thành một quy trình chặt chẽ. Tới nay, sau khi tách và thành lập 4 Chi bộ độc lập tại 4 doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp tỉnh, Chi bộ các doanh nghiệp khu công nghiệp Bắc Giang đã có 48 Đảng viên. Và, dự kiến đến hết năm sẽ kết nạp thêm 15 Đảng viên nữa.

Phó Bí thư Chi bộ 8X kể rằng, trong quá trình xây dựng, phát triển Đảng tại nơi làm việc, anh rất bất ngờ vì nhiều người lao động muốn và rất có ý thức phấn đấu để vào Đảng. Nhiều người gia đình có 2-3 thế hệ là Đảng viên và có những người dù gia đình không có ai được là Đảng viên nhưng rất muốn phấn đấu để đứng trong hàng ngũ của Đảng bởi với họ, trở thành Đảng viên là thước đo giá trị trong cuộc sống.

“Lãnh đạo chi bộ 8X: Chân dung những người truyền lửa” ảnh 2Phó Bí thư Lê Văn Huân kiểm tra sản phẩm tại nhà máy Sung Woo Vina. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dùng công nghệ hỗ trợ sinh hoạt Đảng

Trong câu chuyện với chúng tôi, Huân kể, việc phát triển Đảng trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI có thuận lợi nhưng cũng khó khăn. Các ông chủ người nước ngoài vốn chỉ muốn sử dụng lao động hiệu quả và không quan tâm vấn đề khác. Thế nhưng, họ lại muốn có đội ngũ cán bộ, nhân lực có chuyên môn, ý thức kỷ luật cao.

Trong khi đó, quá trình phát triển Đảng lựa chọn từ quần chúng ưu tú, rồi trải qua quá trình bồi dưỡng, kết nạp, thử thách 12 tháng… qua đó giúp họ hoàn thiện hơn, vượt lên bản thân. Đây cũng chính là “điểm gặp nhau” giữa các ông chủ nước ngoài và phát triển Đảng. Qua đó, không có doanh nghiệp nào tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang ngăn cản người lao động tham gia trở thành thành viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, các khó khăn của người lao động khi tham gia sinh hoạt Đảng cũng được Chi bộ các doanh nghiệp khu công nghiệp thấu hiểu. Qua đó, họ đã kiến nghị tạo điều kiện về thời gian, địa điểm cho quần chúng tham gia đông đủ lớp học cảm tình Đảng bằng cách rút ngắn thời gian học, học vào ngày nghỉ, gần nơi làm việc…

Bên cạnh đó, việc sinh hoạt Chi bộ cũng được tổ chức ngoài giờ (sau giờ làm việc) để các Đảng viên có thời gian tới sinh hoạt đầy đủ.

Là Đảng viên trẻ tuổi, Huân cũng luôn tìm tòi các phương pháp để việc sinh hoạt Đảng trong Chi bộ được hiệu quả. Với đặc thù các đảng viên trong Chi bộ đa phần là người trẻ và 100% trong độ tuổi lao động, có điều kiện tiếp cận công nghệ, Phó Bí thư Huân đã sử dụng email, ứng dụng OTT để công việc được hiệu quả hơn.

Cụ thể, trước mỗi lần sinh hoạt Chi bộ 3 ngày, anh đều gửi mail tới các Đảng viên về thời gian, nội dung họp cũng như các vấn đề liên quan như lấy ý kiến vào Nghị quyết… để họ có thể chuẩn bị tốt hợn những phát biểu, đóng góp cho cuộc họp.

Nếu như việc khai báo lý lịch Đảng “truyền thống” sẽ gặp nhiều khó khăn bởi nếu khai bằng tay sai chi tiết nào, người khai sẽ phải khai lại từ đầu thì Huân lại nghĩ ra phương pháp khác. Anh hướng dẫn quần chúng khai báo lý lịch bằng file "mềm," trao đổi qua email. Dựa vào một mẫu lý lịch chuẩn có sẵn, quần chúng ưu tú tiến hành khai lý lịch bản thân rồi gửi lại cho anh kiểm tra và hướng dẫn cho đến khi hoàn chỉnh rồi mới khai thật trên giấy.

“Việc này không lớn, nhưng nó cũng giúp các quần chúng ưu tú đỡ tốn nhiều thời gian và vất vả trong việc khai báo,” Huân cười, nói.

Để nắm bắt tâm tư tình cảm của quần chúng, Phó bí thư Huân cũng thường xuyên đến tận nơi để trò chuyện, hoặc dùng các ứng dụng như Zalo, Viber… “tâm sự” với các quần chúng, từ đó giúp họ thấm nhuần tư tưởng của Đảng để có ý thức phấn đấu đứng trong hàng ngũ.

Chia tay chúng tôi, Huân bảo rằng, công việc phát triển Đảng trong các doanh nghiệp khu công nghiệp còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của cả Chi bộ, trong đó có anh. Là Trưởng phòng xuất nhập khẩu, “ngập đầu” trong công việc, nhưng anh tự hứa với lòng mình sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ các Khu công nghiệp tỉnh cũng như Chi bộ các doanh nghiệp Khu công nghiệp giao phó…/.

Phó Bí thư Lê Văn Huân.

Lê Văn Huân sinh ngày 8/3/1982, hiện là Trưởng phòng xuất nhập khẩu của Công ty Sung Woo Vina (doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc), chuyên sản xuất, xuất khẩu hàng may mặc.

Ngoài việc là Phó Bí thư Chi bộ các doanh nghiệp khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, Huân còn là Chủ tịch Công đoàn của công ty. Trước đó, anh cũng là Chủ tịch Công đoàn của Công ty Unico Global VN…

Trong suốt quá trình hoạt động, Huân đã được nhiều tổ chức ghi nhận như Giải thưởng Lý Tự Trọng do Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng năm 2000; Bằng khen do Ban chấp hành Liên Đoàn Lao Động tỉnh Bắc Giang tặng năm 2012, 2013; Bằng khen điển hình tiên tiến 5 năm do Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang tặng năm 2015; Giải Nhất cuộc thi “Thực hiện tốt quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững” thuộc một Dự án do Báo Lao Động và Quỹ châu Á thực hiện năm 2015…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục