Lãnh đạo Đức, Pháp đề xuất kế hoạch chung xử lý vấn đề người di cư

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thảo luận với Tổng thổng Pháp Francois Hollande về các giải pháp đối phó với dòng người di cư khổng lồ đang đổ về châu Âu.
Lãnh đạo Đức, Pháp đề xuất kế hoạch chung xử lý vấn đề người di cư ảnh 1Người di cư tại thị trấn Gevgelija, sau khi trèo qua hàng rào ngăn cách biên giới Macedonia-Hy Lạp ngày 22/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 24/8 tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thảo luận với Tổng thổng Pháp Francois Hollande về các giải pháp đối phó với dòng người di cư khổng lồ đang đổ về châu Âu.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, mở đầu phần phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo tuyên bố cực lực lên án những kẻ cực đoan cánh hữu và phátxít mới tại Đức đang cố gắng tuyên truyền tư tưởng bài ngoại cũng như có các hành động quá khích nhằm vào người di cư và cảnh sát tại thành phố Heidenau, miền Đông nước Đức và cho rằng việc làm của các đối tượng này là một điều "đáng xấu hổ."

Về kế hoạch xử lý vấn đề người di cư, hai nhà lãnh đạo nhất trí các nước Liên minh châu Âu (EU) cần tiếp tục xây dựng và củng cố những chính sách đang được Pháp và Đức cùng đề xuất, trong đó có yêu cầu về việc phân bổ lại hạn ngạch tiếp nhận người di cư một cách công bằng hơn.

Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức cũng kêu gọi các nước châu Âu phải có một phản ứng thống nhất trước cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có và nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh ​Thế giới thứ II tới nay, đồng thời xây dựng một hệ thống nguyên tắc chung để bảo vệ các quyền của người di cư.

Với việc người di cư không chỉ đến từ Syria, Iraq hay châu Phi mà còn từ nhiều nước khác không có xung đột quân sự ở Đông Nam châu Âu, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức thống nhất lập trường sẽ đề xuất với Brussels dự thảo danh sách các nước có người di cư nguồn gốc an toàn. Đức xem đây là một ưu tiên chính sách khi 40% người di cư đến từ Albania và Kosovo.

Cả hai nước Pháp và Đức, cũng như phần lớn các thành viên của EU đang phải tìm giải pháp đối với làn sóng người di cư, những người sẵn sàng mạo hiểm vượt hàng nghìn cây số từ vùng Tây Balkan tới Đức hay bám trên các xe tải để đi từ Pháp sang Anh.

Dự kiến số lượng người di cư năm 2015 tới Đức sẽ đạt con số kỷ lục 800.000 người, tương đương 1% dân số nước này, trong bối cảnh tâm lý bài ngoại đang gia tăng đáng bạo động tại một số khu vực và thành phố của Đức.

Tại thành phố Heidenau của Đức đã xảy ra các cuộc tấn công nghiêm trọng nhằm vào người di cư và cảnh sát.

Theo cơ quan biên phòng EU Frontex, trong tháng Bảy vừa qua, cơ quan này đã phát hiện 107.500 người di cư tới châu Âu, chỉ riêng tại Hy Lạp đã có 20.800 người, còn nước láng giềng của Hy Lạp là Macedonia thậm chí đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trước dòng người di cư vượt quá khả năng xử lý của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục