Lãnh đạo đường sắt giải thích về sự cố bán vé qua mạng

Lãnh đạo đường sắt giải thích về sự cố bán vé qua mạng Internet

Phó Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam Đoàn Duy Hoạch khuyến cáo khách hàng đến ga lấy vé ngay sau khi đặt vé qua mạng thành công để tránh rủi ro.
Lãnh đạo đường sắt giải thích về sự cố bán vé qua mạng Internet ảnh 1Hành khách mua vé tàu Tết Ất Mùi 2015 qua hệ thống bán vé điện tử tại Ga Sài Gòn. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Tính đến 8 giờ sáng ngày 4/12, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã bán được 102.000 vé tàu Tết qua hệ thống bán vé qua mạng internet.

Đây là thành công bước đầu của ngành đường sắt, tuy nhiên đã xảy ra một vài sự cố nhỏ gây khó khăn cho người đặt mua vé.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về biện pháp khắc phục những sự cố này.

-Xin ông cho biết kết quả bán vé tàu qua mạng internet phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến thời điểm này?

Ông Đoàn Duy Hoạch: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đưa hệ thống bán vé điện tử trên mạng internet vào hoạt động phục vụ bán vé tàu cho nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên Đán bắt từ ngày 1/12, kết quả tính đến 8 giờ sáng nay (4/12), hệ thống bán vé điện tử của Tổng công ty đã bán được 102.000 vé. Chúng tôi đánh giá đây là kết quả bước đầu khá thành công của Tập đoàn FPT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Toàn hệ thống đã phục vụ tốt việc bán vé qua mạng internet, qua hệ thống bưu điện, ngân hàng Quốc tế (VIB) và qua trực tiếp tại các nhà ga của ngành đường sắt.

Tuy nhiên, qua một số ngày triển khai hệ thống bán vé qua mạng internet đã xảy ra một số sự cố, gây khó khăn cho hành khách trong quá trình đặt vé như: trường hợp đặt vé rồi mà bị lỡ hoặc có những giao dịch mà hành khách đã trả tiền nhưng không nhận được chỗ và vé tàu.

Theo thống kê số lượng này không nhiều chỉ trên 300 trường hợp. Các trường hợp nêu trên chủ yếu xảy ra vào sáng ngày thứ hai (ngày 2/12) của đợt bán vé này. Ngay sau khi biết được các sự cố trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty FPT đã cho tìm hiểu nguyên nhân và có sự điều chỉnh.

Trong các nguyên nhân có nguyên nhân chủ yếu là do thao tác quá thời gian trong việc lựa chọn phương thức thanh toán của hành khách đặt vé online (trực tuyến) đã dẫn đến vé bị đẩy khỏi hệ thống (Quy định giao dịch trực tuyến mỗi lần mua vé tàu online là 10 phút). Nguyên nhân chính thứ hai là hành khách thực hiện giao dịch chưa chính xác cũng đã làm cho việc đặt vé không thành công.

Để khắc phục điều này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh kéo dài thời gian thanh toán đối với hình thức mua vé trực tuyến là không quá 48 tiếng đồng hồ kể từ thời gian đặt vé thành công. Quy định này bằng với thời gian của hình thức mua vé tàu qua bưu điện. Theo báo cáo từ thời điểm Tổng công ty Đường sắt Việt Nam điều chỉnh thời gian thanh toán, đến thời điểm này chưa phát hiện ra trường hợp nào hành khách bị trượt chỗ đặt vé.


-Theo phản ánh thì đã có một vài trường hợp hành khách đã thanh toán tiền nhưng không nhận được vé, trường hợp này, Tổng công ty đã giải quyết như thế nào, thưa ông?

Ông Đoàn Duy Hoạch: Trong hơn 300 trường hợp hành khách xảy ra do lỗi ở trên có một số hành khách đã trả tiền mà không nhận được vé tàu, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với các hành khách để giải quyết.

Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện trả lại tiền cho những hành khách này. Ngoài ra, đối với các hành khách đặt chỗ trên mạng chưa thành công, Tổng công ty đã có sự hỗ trợ để hành khách có thể chọn vé khác để mua trên hệ thống.

Đến thời điểm này chỉ còn lại gần 100 hành khách đã trả tiền mà chưa có vé. Đối với những trường hợp này, Tông công ty Đường sắt Việt Nam cam kết với hành khách là nếu hành khách vẫn muốn mua vé tàu, Tổng công ty sẽ có sự hỗ trợ hành khách trong những ngày tới. Mặt khác, trên hệ thống bán vé của Tổng công ty nếu có vé mà hành khách đã trả lại thì chúng tôi sẽ ưu tiên dành những số vé cho những hành khách này.


-Phía Tổng công ty và Tập đoàn FPT đã có giải pháp nào để giải quyết trong trường hợp hệ thống bán vé bị quá tải, thưa ông?


Ông Đoàn Duy Hoạch:
Có thể khẳng định khó có thể xảy ra tắc nghẽn trên hệ thống bán vé tàu điện tử bởi theo thiết kế, hệ thống bán vé có thể đáp ứng cùng một lúc 2 triệu người truy cập. Ngay như ngày cao điểm hôm mở đầu đợt bán vé (1/12) đã có trên 100.000 lượt người đã truy cập vào hệ thống bán vé cùng một lúc, nhưng không xảy ra hiện tượng ùn tắc. Chỉ xảy ra một vài lỗi kỹ thuật, chúng tôi đã phối hợp điều chỉnh ngay.


-Vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có khuyến cáo gì đối với hành khách mua vé tàu đợt Tết Nguyên Đán này không, thưa ông?

Ông Đoàn Duy Hoạch: Chúng tôi có một vài lưu ý với hành khách, vì đây là phương thức mua vé mới, hiện đại nên có thể hành khách chưa nắm hết được các hướng dẫn về các thao tác trên mạng, vì vậy Tổng công ty đề nghị hành khách cần liên hệ với hệ thống bưu điện của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và chi nhánh giao dịch của ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai... Tất cả các điểm này đều có nhân viên hướng dẫn các vấn đề theo yêu cầu của hành khách.

Thứ hai, trường hợp hành khách đã mua vé rồi (đặt chỗ thành công) và đã trả tiền rồi thì chắc chắn hành khách sẽ có vé. Ngoài ra, hành khách nên đến các ga ngay sau khi đặt vé thành công để lấy vé, tránh trường hợp đến trước giờ tàu chạy 30 phút mới lấy vé thì sẽ gây áp lực lớn, khi đó sự phục vụ hành khách sẽ không được chu đáo.

Trường hợp hành khách muốn trả lại vé mình đã mua cần nên đến ga khởi hành trước 4 giờ tàu chạy để làm thủ tục trả vé nếu đến muộn hơn thì sẽ không trả được vé theo quy định của ngành đường sắt. Mặt khác, trả vé sớm cũng sẽ tạo cơ hội cho những hành khách khác chưa có vé./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục