Lãnh đạo Pháp và Panama điện đàm về "Hồ sơ Panama"

Tổng thống Juan Carlos Varela khẳng định Panama "cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với các hoạt động tài chính và dịch vụ doanh nghiệp sai trái."
Lãnh đạo Pháp và Panama điện đàm về "Hồ sơ Panama" ảnh 1Tổng thống Panama Juan Carlos Varela phát biểu sau cuộc họp với các nhà ngoại giao nước ngoài ở Panama City ngày 6/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Panama sẵn sàng hợp tác với Pháp cũng như các nước khác trến thế giới trong cuộc chiến chống nạn trốn thuế và rửa tiền.

Tuyên bố này được Tổng thống Panama Juan Carlos Varela đưa ra ngày 8/4 trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Francois Hollande, sau khi Pháp có những chỉ trích cứng rắn đối với chính quyền Panama liên quan đến vụ "Hồ sơ Panama" gây chấn động thế giới.

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Valera khẳng định Panama "cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với các hoạt động tài chính và dịch vụ doanh nghiệp sai trái."

Ông nhấn mạnh Chính phủ Panama đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc củng cố lĩnh vực dịch vụ tài chính quốc gia, đồng thời cam kết triển khai những biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo thỏa thuận chống gian luận thuế với Pháp được thực thi đầy đủ.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi Chính phủ Panama cần nhanh chóng chia sẻ thông tin thuế cho giới chức ngành thuế nước này nhằm phục vụ công tác điều tra các thông tin liên quan "Hồ sơ Panama."

Vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama," được cho là phanh phui đường dây rửa tiền và trốn thuế lớn nhất từ trước tới nay đã khiến Chính phủ Pháp trong tuần qua đã quyết định đưa Panama trở lại danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác trong cuộc chiến chống nạn trốn thuế.

Năm 2012, Pháp đã đưa Panama ra khỏi danh sách này sau khi hai nước ký thỏa thuận về chống gian lận thuế.

Tổng thống Valera đã chỉ trích quyết định này là bước đi "sai lầm và không cần thiết."

Ông cho biết Bộ trưởng Tài chính nước này Dulicidio de la Guardia sẽ đến Paris (Pháp) vào ngày 12/4 tới để khẳng định Panama là một quốc gia luôn tôn trọng và cởi mở đối thoại.

Ông Valera cũng nhấn mạnh sẵn sàng cải thiện hoạt động chia sẻ thông tin với Pháp, đồng thời tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban điều tra độc lập, gồm các chuyên gia quốc tế và trong nước.

Nhiệm vụ của cơ quan này là đánh giá lại các hoạt động liên quan đến kiểm soát thuế và đề xuất trao đổi thông tin với các quốc gia khác, nhằm tăng cường tính minh bạch của hệ thống tài chính và các hoạt động luật pháp liên quan.

Tổng thống Varela cũng khẳng định các cuộc điều tra sẽ được tiến hành một cách nghiêm túc, có trách nhiệm và thông qua con đường ngoại giao.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Tạp chí Der Spiegel (Tấm gương) của Đức cho biết Berlin đang cân nhắc bãi bỏ ưu đãi về thuế với các công ty có hoạt động làm ăn với các công ty ma để trốn thuế.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, giới chức giám sát ngân hàng khắp châu Âu đang kiểm tra liệu các ngân hàng ở châu lục này có liên quan tới những tài liệu trong "Hồ sơ Panama“ hay không.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã chỉ đạo lập đề xuất về cách thức trừng phạt đối với các công ty bị nêu tên trong "Hồ sơ Panama" liên quan đến việc lập các công ty ma. Một trong các biện pháp trừng phát là bãi bỏ ưu đãi thuế quan với các công ty này.

Vụ "Hồ sơ Panama" đang là tâm điểm chú ý trên thế giới khi nó hé lộ về cái được gọi là vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật của giới siêu giàu trên toàn thế giới.

Theo một phần trong số 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca ở Panama, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế," giúp khoảng 140 chính trị gia cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn nộp thuế.

Số tài liệu này, ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm qua, và được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục