Lãnh thổ Tây Sahara - Vấn đề chính trị gây chia rẽ nhất ở châu Phi

Hầu hết các nước châu Phi lựa chọn lảng tránh vấn đề tự quyết cho Tây Sahara vốn đầy gai góc; thay vào đó, các quốc gia này đang theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Maroc.
Lãnh thổ Tây Sahara - Vấn đề chính trị gây chia rẽ nhất ở châu Phi ảnh 1(Nguồn: afrika-junior.de)

Trang mạng theconversation.com ngày 27/3 đăng bài của chuyên gia nghiên cứu cao cấp Frank Mattheis thuộc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề toàn cầu, Đại học Pretoria, trong đó phân tích về lãnh thổ Tây Sahara - một trong những vấn đề chính trị gây chia rẽ nhất ở châu Phi hiện nay. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Ngày 25-26/3, tại Pretoria, Nam Phi và Namibia đã đồng tổ chức “Hội nghị đoàn kết về Cộng hòa Dân chủ Arab Sahrawi (SADR)/ Tây Sahara” của Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC).

Hội nghị mở đầu với lời kêu gọi đoàn kết “nhằm đảm bảo quyền tự do và quyền tự quyết của người dân Tây Sahara.”

Lý do Tây Sahara cần hội nghị đoàn kết?

Tây Sahara là phần lãnh thổ tranh chấp ở thuộc Tây Bắc châu Phi, với dân cư thưa thớt, chủ yếu là sa mạc. Chính phủ Maroc coi Tây Sahara là tỉnh thuộc chủ quyền nước này với những quyền tự trị nhất định, trong khi Mặt trận Polisario - tổ chức chính trị và quân sự đã tự tuyên bố vùng lãnh thổ này là Cộng hòa Dân chủ Arập Sahrawi (SADR).

Năm 1991, các bên liên quan dự định tổ chức cuộc trưng cầu ý dân để quyết định tương lai của vùng lãnh thổ này nhưng đã không thể tiến hành, do 2 bên không thống nhất được tiêu chí về những người đủ điều kiện để bỏ phiếu.

Từ đó đến nay, các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Maroc và Mặt trận Polisaro hầu như không mang lại tiến triển.

Kể từ năm 1991, hai bên đã chính thức chấm dứt các hoạt động quân sự tại vùng đất tranh chấp này, nhưng tình hình vẫn rất mong manh mặc dù phái đoàn gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã được triển khai đến Tây Sahara từ đó đến nay.

Hội nghị đoàn kết của SADC phần nào cho thấy sự thay đổi ảnh hưởng quyền lực của Maroc.

Năm 2017, Morocco tái gia nhập Liên minh châu Phi (AU) sau 33 năm vắng bóng. Trước đó, năm 1984, Vương quốc Maroc đã rút khỏi Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU) - cơ quan tiền thân của AU, khi OAU công nhận Cộng hòa Dân chủ Arab Sahrawi và chấp nhận SADR là một thành viên của tổ chức này. 

Kể từ khi Maroc tái gia nhập Liên minh châu Phi, AU không đóng vai trò gì đáng kể trong cuộc xung đột tại Tây Sahara, dù trước đây, Hội đồng An ninh và hòa bình của AU từng nỗ lực giải quyết cuộc xung đột này.

Điều đó cho thấy hầu hết các nước châu Phi lựa chọn lảng tránh vấn đề tự quyết cho Tây Sahara vốn đầy gai góc; thay vào đó, các quốc gia này đang theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Maroc.

Tuy nhiên, Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi bao gồm một số nước chủ chốt như Zimbabwe và Nam Phi - vốn là những quốc gia đã lên tiếng ủng hộ Mặt trận Polisario ngay từ đầu do cách thức Maroc xử lý vấn đề Tây Sahara khiến Zimbabwe và Nam Phi nhớ lại thời kỳ thuộc địa mà 2 nước này từng phải trải qua trong quá khứ (năm 2004 Nam Phi công nhận Cộng hòa Dân chủ Arập Sahrawi là chính phủ hợp pháp ở Tây Sahara, Maroc đã triệu hồi đại sứ nước này tại Nam Phi từ đó cho đến nay).

Lịch sử của cuộc xung đột Tây Sahara

Từ cuối thế kỷ 19, Tây Sahara là vùng lãnh thổ thuộc địa của Tây Ban Nha. Khi Tây Ban Nha rút quân vào năm 1975, cuộc chiến giữa Maroc, Mauritania và Mặt trận Polisario về quyền kiểm soát Tây Sahara đã bùng phát.

Bốn năm sau đó, Mauritania rút lui khỏi xung đột. Nhưng đụng độ giữa Maroc và Mặt trận Polisario (được Algeria hỗ trợ) tiếp diễn cho đến năm 1991.

Liên hợp quốc cũng đã thành lập Phái đoàn trưng cầu dân ý ở Tây Sahara để giám sát thỏa thuận ngừng bắn, nhưng từ đó đến nay chưa có bất kỳ giải pháp nào được thực hiện.

[Các bên xung đột tại Tây Sahara đồng ý tham gia đàm phán]

Đặc phái viên của Liên hợp quốc hiện nay tại Tây Sahara, nguyên Tổng thống Đức Horst Köhler, đã nỗ lực thúc đẩy tình hình theo hướng tốt hơn.

Cuộc xung đột càng kéo dài, cân bằng quyền lực càng nghiêng về phía có lợi cho Maroc. Xét về cả kinh tế lẫn ngoại giao, ảnh hưởng của Vương quốc Maroc trên lục địa ngày một gia tăng.

Thực lực ngoại giao, kinh tế của Maroc mang lại lợi ích hữu hình cho các đồng minh của nước này và làm tăng ảnh hưởng của Vương quốc Maroc ở mức chưa từng có trước đó.

Trong khi đó, người dân Tây Sahara đang phải gánh chịu nhiều khó khăn với vi phạm nhân quyền được cho là khá phổ biến.

Các phong trào phản kháng nhằm ủng hộ quyền tự quyết bị hạn chế và áp bức. Trong những năm gần đây, mức độ bạo lực cũng giảm dần khiến vấn đề Tây Sahara ngày càng ít xuất hiện trong chương trình nghị sự quốc tế.

Tầm quan trọng từ tuyên bố của SADC

Ngày 26/3, tại lễ bế mạc Hội nghị đoàn kết, Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi ra tuyên bố khẳng định sự ủng hộ lâu dài của tổ chức này đối với Mặt trận Polisario.

Các quốc gia châu Phi khác không tỏ quan điểm ủng hộ Mặt trận Polisario, thay vào đó những nước này thúc đẩy mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Maroc, song SADC (và nhiều nước khác như Algeria) vẫn tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại định hướng giá trị trong vấn đề Tây Sahara. Tuyên bố của SADC cho thấy AU vẫn bị chia rẽ về vấn đề SADR.

Tuy nhiên, tuyên bố của SADC chỉ giới hạn việc duy trì vấn đề Tây Sahara trong chương trình nghị sự của tổ chức này, khó có thể có tác động trực tiếp đến cuộc trưng cầu dân ý và Liên hợp quốc vẫn là thực thể chính có thể giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay.

Đáng chú ý, cùng thời điểm diễn ra Hội nghị đoàn kết của SADC về Cộng hòa Dân chủ Arab Sahrawi, Maroc cũng tổ chức hội nghị về Tây Sahara nhằm làm suy yếu các nỗ lực của SADC (Moroc đài thọ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở cho bộ trưởng hoặc quan chức ngoại giao các nước châu Phi tham dự).

Sự kiện này càng khẳng định sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước thuộc AU trong vấn đề Tây Sahara.

Theo quan điểm của Cộng hòa Dân chủ Arab Sahrawi và SADC, thành công của hội nghị đoàn kết nói trên chính là quyền tự quyết của người dân Sahrawi.

Ở một khía cạnh nào đó, thành công của hội nghị còn là sự đảo ngược xu hướng hiện tại trong sự ủng hộ ngoại giao của nhiều nước châu Phi đối với Maroc.

Ở cấp độ toàn cầu, thành công của Cộng hòa Dân chủ Arab Sahrawi đồng nghĩa với việc người dân nước này có thể củng cố các liên minh chặt chẽ hơn với các thực thể khác, chẳng hạn như Liên minh châu Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục