Lào Cai: Lượng sắn củ xuất khẩu tăng đột biến

Theo Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, trung bình mỗi ngày có 300 xe tải chở sắn thông quan qua thị trường Hà Khẩu (Trung Quốc).
Theo Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, trung bình mỗi ngày có 300 xe tải chở sắn thông quan qua thị trường Hà Khẩu (Trung Quốc).

Từ tháng 11/2009 đến 20/1/2010 đã có trên 100.000 tấn sắn tươi xuất khẩu với giá trị trên 30 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2008-2009. Ngoài lượng sắn lấy từ các địa phương trong tỉnh Lào Cai, nguồn hàng còn có nguồn gốc từ Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang...

Được biết giá sắn tươi nhập tại Hà Khẩu (Trung Quốc) vào khoảng 3.000 đồng/kg, tăng gấp 7 lần niên vụ sắn 2008-2009. Do giá sắn xuất khẩu lên cao nên nhiều hộ trồng sắn ở các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn... (Lào Cai) đã huy động toàn bộ nhân lực để thu hoạch sắn.

Có nơi bà con còn góp tiền mở đường cho xe tải vào tận nương chở sắn. Riêng khu vực trung tâm xã Xuân Quang và Trì Quang, huyện Bảo Thắng, trong 15 ngày đầu tháng 1, bà con đã bán ra khoảng 500 tấn sắn tươi, thu về hàng tỷ đồng.

Để tránh tình trạng sản xuất tự phát, Lào Cai đã quy hoạch vùng trồng sắn nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến và xuất khẩu.

Theo ông Phạm Đình Quê, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lào Cai, về cơ bản, cây sắn chỉ là cây trồng phụ bởi ngành nông nghiệp khuyến cáo đây là cây trồng gây bạc màu đất, ảnh hưởng đến rừng, hiệu quả kinh tế kém...

Hơn nữa, giá sắn tươi không ổn định, lệ thuộc khá nhiều vào sự điều chỉnh của các nhà nhập khẩu. Theo Chi cục phát triển lâm nghiệp Lào Cai, hiện 3 huyện Bảo Yên, Bảo Thắng và Văn Bàn là những địa phương có tỷ lệ phát triển độ che phủ rừng nhanh và cao nhất tỉnh Lào Cai (từ 45 đến 60% diện tích tự nhiên).

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, diện tích trồng rừng không những không phát triển mà còn có nguy cơ bị thu hẹp bởi người dân chạy theo phong trào trồng sắn tự phát vì lợi nhuận trước mắt./.

Lục Văn Toán (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục