Lào Cai: Phụ huynh đến trường làm giáo viên dạy nghề truyền thống

Nếu đến trường Tiểu học Tả Phìn vào giờ ra chơi du khách sẽ được cùng các em học sinh múa khèn, múa ô, nhảy sạp và vẽ tranh bằng sáp ong theo cách của đồng bào dân tộc nơi đây.
Lào Cai: Phụ huynh đến trường làm giáo viên dạy nghề truyền thống ảnh 1Giờ ra chơi sôi động của học sinh trường Tiểu học Tả Phìn. Cả phụ huynh, học sinh và khách cùng nhún nhảy theo điệu múa khèn, múa ô. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Tại trường Tiểu học Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, giờ ra chơi rất sôi động với nhiều hoạt động, từ thể dục, múa ô, nhảy sạp đến thêu thùa, làm khèn, bốc lá thuốc… Cùng tham gia các hoạt động này với các em là những phụ huynh.

Nhiều vị khách du lịch tranh thủ ghé qua vẫn còn đang ngỡ ngàng thì đã được các học sinh chủ động mời vào nhảy sạp cùng. Trong tiếng nhạc rộn ràng réo rắt, những bước chân nhịp đều theo phách, những điệu múa khèn, múa ô đầy sắc màu của học sinh khiến cho giờ ra chơi phút chốc biến thành lễ hội.

Đưa văn hóa truyền thống vào trường học

Thầy Hà Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tả Phìn cho biết, thực hiện chủ trương trường học thực hành, thực nghiệp, với lợi thế nằm trong khu du lịch Sa Pa, trường bắt đầu triển khai mô hình trường học du lịch từ năm học 2013-2014. Mục tiêu hướng đến là giáo dục toàn diện cho học sinh, thu hút phụ huynh và cộng đồng vào các hoạt động của trường.

Học sinh được dạy nghề truyền thống như nghề thêu thổ cẩm, nghề thuốc tắm bằng lá cây rừng, ẩm thực địa phương. Trong các lớp học có trang bị cả cân để học sinh có thể tự cân từng thang thuốc theo đúng liều lượng.

Lào Cai: Phụ huynh đến trường làm giáo viên dạy nghề truyền thống ảnh 2Các học sinh nam vây quanh các phụ huynh để học cách làm nhạc cụ, vật dụng truyền thống. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Các em cũng được dạy về văn hóa địa phương như múa ô, múa khèn, hát dân ca, trò chơi dân gian, học tiếng Mông.

Giờ ra chơi chính là giờ học văn hóa dân tộc một cách sôi động nhất. Học sinh nữ thì nhảy sạp, múa ô, học thêu, học vẽ. Học sinh nam lại hứng thú với múa khèn, làm khèn.

Không khí náo nhiệt nhưng đậm chất dân tộc ở trường Tiểu học Tả Phìn đã thu hút rất đông du khách ghé qua mỗi khi có dịp lên Sa Pa. Những học sinh nhí ở đây còn được dạy cách nói chuyện với khách, cách giới thiệu về trường, cách chụp ảnh…

Tuy nhiên, theo thầy Dũng, trường chỉ mở cửa đón khách vào giờ ra chơi để không ảnh hưởng đến việc học của các em.

Lào Cai: Phụ huynh đến trường làm giáo viên dạy nghề truyền thống ảnh 3Học sinh nữ học vẽ và học thêu. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Trường, phụ huynh đồng lòng

Nhìn những em học sinh say sưa với các trò chơi trên sân trường, thầy Hiệu trưởng Hà Tiến Dũng cho biết, để đưa được văn hóa truyền thống đến với các em học sinh thì sự vào cuộc, đồng hành của các phụ huynh rất quan trọng.

Hiện trường có 38 phụ huynh tham gia trong các hoạt động giáo dục văn hóa cho học trò. Họ chính là giáo viên của con em mình trong các giờ học thêu, học vẽ, học bốc thuốc hay làm khèn, dệt vải.

Anh Lý Láo Ú, phụ huynh của một học sinh lớp 2 cho biết, nhà anh ở gần trường nên khi thấy trường có việc hay khi rảnh rỗi, anh chủ động đến để xem mình có thể giúp được gì mà không cần nhà trường phải nhờ hay gọi. “Mỗi tháng, mình ra trường dạy học sinh làm khèn hai, ba buổi, để không mai một nhạc cụ dân tộc. Thấy học sinh tham gia nhiệt tình, mình rất vui,” anh Ú chia sẻ.

Còn với chị Thò Thị Sông (thôn Cao Ngài, xã Tả Phìn), chị đã dạy thêu, dạy vẽ cho học sinh trường Tiểu học Tả Phìn được một năm.

“Mỗi tuần có 3, 4 ngày mình đến dạy trẻ con lúc ra chơi. Trẻ con rất thích, tham gia ngày càng đông lên. Đây là truyền thống dân tộc từ xưa ông cụ truyền lại, giờ mình truyền lại cho các con, mình tự giúp con mình, không cần kinh phí. Trẻ con thích là mình vui rồi,” chị Sông vui vẻ cho biết.

Lào Cai: Phụ huynh đến trường làm giáo viên dạy nghề truyền thống ảnh 4Chị Thò Thị Sông đang hướng dẫn du khách trả tiền vào thùng và ghi lại cảm nhận về trường. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Chính sự nhiệt tình, trách nhiệm của phụ huynh đã góp phần quan trọng giúp cho trường Tiểu học Tả Phìn thành công trong mô hình trường học du lịch. Tuy nhiên, theo thầy Dũng, để có được sự ủng hộ của phụ huynh, nhà trường cũng phải vận động rất nhiều.

Giống như mọi trường vùng cao khác, học sinh ở xa, nhà lại làm nông nên bận rộn, việc duy trì sỹ số chuyên cần của học sinh đã là một thách thức lớn, chưa nói tới huy động cả phụ huynh đến trường. 

“Để tạo niềm tin của phụ huynh, giáo viên phải thật gần gũi. Giáo viên của tôi có thể biết nhà của từng em. Vào mùa vụ, giáo viên xắn quần xuống ruộng gặt cùng phụ huynh. Vì thế, giáo viên rất được học sinh, phụ huynh yêu quý,” thầy Dũng nói.

“Chúng tôi đã đạt kết quả kép khi thực hiện mô hình này. Học sinh được học về văn hóa truyền thống nên các em có ý thức giữ gìn đặc trưng dân tộc, biết yêu quê hương, bản làng mình. Tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên các em viết văn tốt hơn, nói tiếng Việt sõi hơn, nhanh hơn. Giao tiếp với người lạ giúp các em tự tin hơn. Các em cũng biết làm việc nhóm và biết yêu quý trường lớp, bản làng,” thầy Dũng vui vẻ chia sẻ.

Với những thành quả đáng khích lệ đó, trường Tiểu học Tả Phìn đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn quay video clip để giới thiệu cho các địa phương khác học hỏi, như một điển hình về mô hình trường học gắn với thực tiễn, thực hành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục