Lao đao vì thí sinh ảo

Các trường lao đao vì tình trạng thí sinh ảo

Giá đề thi, giấy thi, phòng thi đều tăng so với năm 2008 trong khi hàng nghìn thí sinh đăng ký nhưng không thi. Các trường lỗ nặng.
“Năm nay, cái gì cũng tăng, từ giá giấy, giá đề thi, giá thuê phòng… Dự kiến năm nay chúng tôi lỗ khoảng 400 triệu đồng," ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Phòng Đào tạo của trường Cao đẳng Giao thông Vận tải nói.

“Hội nghị Diên Hồng” về… giá đề thi


Cũng theo ông Lâm, tăng đầu tiên là giá đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Năm 2008, giá đề là 9.000 đồng/bộ. Năm nay Bộ tăng lên 11.000 đồng”, ông Lâm nói. Tuy nhiên, đây vẫn còn là mức giá “hữu nghị” vì ban đầu, Bộ đưa ra mức 12.000 đồng/bộ.

“Với mức giá này, các trường chịu không thấu. Vì bị 'kêu' nhiều nên Bộ đã tổ chức 'Hội nghị Diên Hồng,' gồm các trường đại học và cao đẳng có tổ chức thi. Kết quả là giảm được 1.000 đồng, còn 11.000 đồng/bộ đề thi”, ông Lâm cho biết.

Năm nay, Cao đẳng Giao thông Vận tải có số lượng thí sinh “khổng lồ” với gần 36.700 hồ sơ. Với số lượng hồ sơ đăng ký này, riêng tiền đề thi đã là 400 triệu.

Thí sinh đông, trường phải thuê tăng 50 phòng so với mùa thi năm 2008. Tiền thuê phòng năm ngoái khoảng 150.000 đồng/phòng nhưng năm nay đã lên 170.000 đồng/phòng. “Mặc dù số thí sinh tới dự thi sáng nay chỉ có gần 24.000 em nhưng chúng tôi vẫn phải mua đề thi, giấy thi, giấy nháp, thuê phòng… cho cả hơn 12.000 thí sinh ảo. Năm ngoái, chúng tôi lỗ 240 triệu. Năm nay chắc phải lên tới khoảng 400 triệu vì lượng thí sinh đông hơn nhiều, giá cả đắt đỏ hơn,” ông Lâm nói.

Cao đẳng Sư phạm Hà Nội cũng dự kiến sẽ lỗ khoảng 100 triệu cho đợt tuyển sinh này. Ông Đỗ Hồng Cường, Trưởng Phòng Đào tạo, Trưởng ban Thư ký Hội đồng thi của trường cho biết: “Năm 2008, chúng tôi chỉ có 4.200 thí sinh nộp hồ sơ. Nhưng năm nay, vọt lên 10.571 hồ sơ, ngoài tầm dự báo của trường nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị phòng thi cũng như giám thị”.

Mặc dù năm nay, Cao đẩng Sư phạm Hà Nội có tỷ lệ dự thi tương đương năm 2008 (đạt trên 73,6%) nhưng do tổng số thí sinh lớn nên con số ảo cũng đội lên rất lớn với gần 2.800 thí sinh.

Theo tính toán của ông Cường, trường chỉ được thu của mỗi thí sinh 40.000 đồng tiền lệ phí nộp khi làm hồ sơ và 20.000 đồng lệ phí dự thi khi các em tới làm thủ tục. Trong khi đó, tiền đề thi 11.000 đồng, tiền chấm thi 20.000 đồng nữa. Còn lại 29.000 cho tất cả các khâu còn lại như thuê cơ sở vật chất, giám thị, bảo vệ, giấy thi, lao công…

“Phép tính này đủ thấy các trường đều chịu lỗ. Nhưng với thí sinh ảo, chúng tôi không được thu 20.000 đồng vì các em không tới làm thủ tục mà vẫn phải chi tất cả các khoản trên thì khoản thâm hụt còn lớn hơn nhiều”, ông Cường tính toán.

Giá thuê phòng tăng gấp đôi

Nếu như các trường phía Bắc, giá phòng ở mức 170.000 đồng/phòng thì đối với các trường phía Nam, giá đội lên tới 400.000 đồng/phòng.

“Năm 2008, chúng tôi thuê ở mức 150.000  - 250.000 đồng/phòng. Nhưng năm nay, giá thấp nhất là 250.000 đồng. Có nơi đòi giá tăng gấp đôi. Giá cao nhất mà chúng tôi phải thuê là 400.000 đồng/phòng”, ông Phạm Châu Thành, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết.

Cũng theo ông Thành, giá phòng tăng do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là theo sự tăng chung của thị trường. Thứ hai là do các trường này đã cải tạo cơ sở vật chất khang trang hơn. Nhưng “làm giá” nhất là những trường nằm ở khu vực trung tâm thành phố, thuận tiện cho đi lại, có nhiều trường muốn thuê.

Trong khi đó, năm nay, Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại lại tăng thêm 6.000 hồ sơ so với năm 2008, đạt trên 32.000 hồ sơ, cao nhất khu vực phía Nam. Trường phải chuẩn bị 1.033 phòng thi với hơn 2.500 nhân lực phục vụ thi. Tuy nhiên, tới sáng nay, trường có hơn 22.900 thí sinh tới dự thi, còn lại 9.100 thí sinh là ảo.

“Năm 2008, chúng tôi lỗ hơn 200 triệu đồng. Nhưng năm nay con số này chắc lớn hơn nhiều”, ông Thành khẳng định.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục vào Đào tạo, đến hôm nay là khoảng 352.900 thí sinh tới làm thủ tục dự thi, đạt tỷ lệ 66,38%. Như vậy, đợt tuyển sinh cao đẳng này có gần 150.000 thí sinh ảo.

Năm nay là năm thứ 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề chung cho tất cả các trường cao đẳng. Theo đó, thí sinh sẽ có thêm cơ hội khi vừa được dùng điểm thi đại học để xét tuyển cao đẳng, vừa được dùng điểm thi cao đẳng để xét tuyển vào các trường cao đẳng không tổ chức thi.
Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục