Lao động châu Á lao đao vì khủng hoảng

Anita Gimmi ở Nepal vay mượn 1.300 USD và tới Qatar làm việc, nhưng 1 năm sau cô  buộc phải hồi hương trong tình trạng vẫn nợ nần chồng chất.
Khi Anita Gimmi không thể tìm được một công việc ở quê nhà Nepal hồi năm ngoái, cô vay mượn 1.300 USD và tới Qatar làm cho một công ty dọn vệ sinh theo hợp đồng 2 năm.

Nhưng chưa đầy 1 năm sau đó, cô gái 26 tuổi này đã buộc phải hồi hương trong tình trạng vẫn nợ nần chồng chất.

Gimmi chỉ là một trong hàng nghìn trường hợp lao động xuất khẩu bị mất việc khi tình trạng suy thoái kinh tế bao trùm toàn cầu.

Gia đình Gimmi gồm bố mẹ, chồng và cậu con trai dựa toàn bộ vào mức lương tháng 155 USD mà cô được hưởng ở Qatar. Và giờ tình cảnh của họ đầy khó khăn. Cô tâm sự: “Kiếm được hai bữa ăn tươm tất mỗi ngày cũng trở nên nan giải”.

Hàng triệu gia đình tại nhiều quốc gia châu Á dựa vào thu nhập từ người thân lao động ở nước ngoài như vậy. Mà đa phần các lao động xuất khẩu này là trong những ngành không đòi hỏi chuyên môn cao như xây dựng hay làm người giúp việc. Cả hai lĩnh vực đó đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng.

Tháng trước, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lượng kiều hối chảy về các nước đang phát triển trong năm nay sẽ giảm 7,3% vì kinh tế toàn cầu suy thoái. Lúc này, nhiều quốc gia châu Á trong đó có Nepal, Bangladesh, Philippines và Pakistan đang chứng kiến lượng kiều hối gia tăng.

Như Ngân hàng trung ương của Philippines (quốc gia nhận kiều hối lớn thứ 4 thế giới ở các nước đang phát triển sau Ấn Độ, Trung Quốc và Mexico) cho biết tháng 5 vừa qua, lượng kiều hối đạt con số kỷ lục 1,48 tỷ USD.

Tuy nhiên, mức tăng này lại không báo hiệu điều gì tích cực bởi theo các chuyên gia, nó cho thấy một lượng lớn lao động xuất khẩu đang phải quay về quê nhà. Họ mang theo toàn bộ tiền tiết kiệm và được bồi thường phần nào khi mất việc nên lượng kiều hối có thể tăng mạnh. Nhưng sau đó thì ai cũng rõ.

Ở Bangladesh, nơi năm ngoái kiều hối đóng góp tới 11% GDP, số liệu chính thức cho thấy từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay chỉ gần 251.000 người ra nước ngoài tìm việc làm. Đây là mức giảm tới 50% so với cùng kỳ năm 2008.

Các quan chức phụ trách về lao động của Bangladesh cho biết nguyên nhân là khu vực vùng Vịnh, thị trường lao động xuất khẩu chính của nước này, cũng đang khó khăn kinh tế trong bối cảnh thế giới nói chung./.
 
Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục