Lao động dệt may: Bức tranh trái chiều

Thị trường lao động dệt may đang tồn tại nghịch lý: Trong khi rất nhiều lao động thất nghiệp và lao đao tìm việc làm mới, thì tại một số doanh nghiệp có lượng đơn hàng nhiều, lại không tìm đâu ra lao động.
Thị trường lao động dệt may hiện có nghịch lý: Trong khi rất nhiều lao động thất nghiệp và lao đao tìm việc làm mới, thì tại một số doanh nghiệp có lượng đơn hàng nhiều, lại không tìm đâu ra lao động mà buộc phải chuyển đi gia công tại các doanh nghiệp khác, nếu không muốn bị chậm tiến độ giao hàng.

Kẻ thiếu, người thừa

Từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, chị Phạm Thu An, thuê trọ trên đường Lĩnh Nam, Hà Nội đã ba lần đi thi tuyển vào các công ty dệt may, nhưng với chị cả ba lần đều không thành công, lý do là với trình độ của chị thì các công ty dệt may chỉ đồng ý mức lương 1 triệu đồng/tháng, trong khi mức lương này theo chị là khó có thể đủ sống.

Cùng thuê trọ với chị cũng có 6 người đã từng làm cho các công ty dệt may tư nhân trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên do kinh tế suy thoái, đơn hàng thiếu buộc các công ty này phải cắt giảm bớt nhân công, nên hầu hết trong số họ đều chưa tìm được việc làm ổn định.

Hai vợ chồng chị Huế, quê tận Phú Thọ cùng sống trong xóm trọ này cho biết, trước đây vợ chồng chị cùng làm cho một Xưởng may tư nhân trên phố Minh Khai, tuy nhiên mức lương khá bấp bênh, công việc thì “ngày có, ngày không” nên hai vợ chồng chị xin nghỉ việc và chờ thi tuyển vào các công ty dệt may lớn hơn.

Chị Huế cho biết, đọc báo thấy Hanosimex và May 10 tuyển lao động, nhưng với mức lương trả cho tay nghề của chị thì không hơn là bao so với nơi làm cũ, “Chúng tôi rất khó tìm được việc làm ổn định, bởi vị trí tuyển dụng của các công ty dệt may lớn không phải lúc nào cũng đúng với tay nghề của mình”, chị Huế than thở.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Hưng Yên lại tỏ ra khá bức xúc trước tình trạng khan hiếm lao động hiện nay.

Theo ông Dương, May Hưng Yên trước đây rất ổn định về lao động, nhưng từ đầu năm đến nay cũng thiếu gần 300 lao động, “Tình trạng chảy máu lao động dệt may đã lan truyền đến các doanh nghiệp phía Bắc và chất lượng lao động rất thấp”, ông Dương nói.

Với công ty may Norfolk Hatexco cũng vậy: Cần tuyển 400 công nhân, dù đã trưng biển tuyển dụng mấy tháng trời, đăng cả quảng cáo trên báo chí, tham dự các hội chợ việc làm… nhưng theo bà Lê Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc thì lượng lao động tuyển được không là bao. Hiện, Hatexco vẫn đang trong tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty dệt may Hà Nội (Hanosimex), công ty có nhu cầu tuyển 100 công nhân nhưng quảng cáo tuyển dụng mấy tháng nay vẫn chưa tuyển đủ.

“Lao động chỉ cần được kiểm tra tay nghề sẽ được nhận vào làm luôn, không phải thi tuyển như trước nữa”, bà Bình nói.

Khó tuyển vì…“lương thấp” !

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, do mức giá gia công hiện nay không cao, trong khi giá điện và vật dụng sinh hoạt đã và đang lên hàng ngày, buộc họ phải rời bỏ sản xuất tìm kế sinh nhai khác.

Mặt khác, nhiều chính sách đầu tư cho nông thôn được đẩy mạnh hơn, nên nhiều người lao động muốn quay về quê, mức lương có thể thấp hơn, nhưng chi phí không đắt đỏ như ở thành phố lớn.

Bà Lê Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty may Norfolk Hatexco cho rằng, với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng ở Hà Nội, công nhân sẽ không đủ sống và đương nhiên người lao động sẽ phải làm thêm giờ.

“Với thời gian làm thêm giờ mà Bộ luật lao động chỉ qui định tối đa 300 giờ/năm (tính ra một ngày chỉ được làm thêm 1 giờ) nên doanh nghiệp muốn tạo điều kiện trả thêm thu nhập cho người lao động cũng không thể làm khác được”, bà Thủy chia sẻ.

Cũng theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sở dĩ các doanh nghiệp dệt may lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động vì trong thời gian vừa qua tốc độ phát triển ngành dệt may quá nhanh.

Để giải quyết vấn đề thiếu lao động ở các doanh nghiệp dệt may hiện nay, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam khẳng định, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp như tăng lương, tăng phúc lợi cho lao động, chính quyền tại địa phương có doanh nghiệp đang hoạt động cần quan tâm tới vấn đề nhà ở cho công nhân.

Theo kế hoạch đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ đạt con số trên 10 tỷ USD và nhu cầu sử dụng lao động sẽ tăng lên khoảng 3,5 triệu người. Nếu không có những chính sách thiết thực, đặc biệt là chính sách đối với người lao động thì mục tiêu này xem ra rất khó khả thi./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục