Lao động ở Trung Đông - Những điều cần thích nghi

Nhiều lao động nước ngoài mới tới Trung Đông, chưa kịp "đổi đời," đã phải ngậm ngùi hồi hương vì vi phạm các nguyên tắc sống ở đây.
Câu ngạn ngữ của người Arập ”Cỗ to khó ăn” thật đúng với thị trường lao động nước ngoài ở đây. Quả thật nơi ấy đang là một công trường khổng lồ, dư vốn, thiếu thợ, nhưng không phải người lao động nước ngoài nào cũng đến được đây, và ngay cả khi đến rồi, không phải ai cũng trụ lại được.

Thế nên mới có những quốc gia xuất khẩu lao động sang đây dễ như lấy kẹo trong túi, trong khi nhiều công ty ở các nước khác, trong đó không ít công ty của Việt Nam, cứ lận đận mãi, cửa vừa mở đã đóng sập, hợp đồng vừa ký đã ngừng chỉ sau một chuyến đưa người sang, để rồi lỗ chổng vó, còn người lao động bị thiệt đơn, thiệt kép.

Người viết bài này đã một vài lần chứng kiến người vùng Vịnh tuyển chọn lao động nước ngoài, và thấy thật chí lý trước 4 lý do để họ loại thợ ngay trong vòng sơ tuyển (không có chai tay, trên cơ thể có hình xăm, biết đánh bài, và thích đồ uống có cồn). Ai qua vòng này mới được chuyển sang phần thi kỹ năng ngành nghề, song theo người tuyển trách, vòng đầu quyết định tới 70% của suất xuất ngoại.

Chỉ tiếc rằng với những người không bao giờ được phép nói dối như các tín đồ Hồi giáo, họ thường bị đánh lừa ở hai yếu tố sau, vì mấy ai dại gì nhận mình là người của rượu chè, cờ bạc, nhất là khi sổ đỏ đã cắm, tiền vay nặng lãi đã cầm, và cơ hội “đổi đời” đã cận kề.

Người xưa vẫn bảo: “Cái kim bọc chỉ…,” nhưng ở đây chẳng phải chuyện của cái kim nhỏ xíu, mà là cái thú uống rượu, đánh bài, rặt những thứ thiếu một ngày là ruột gan cồn cào, bỏ qua một trận là tiếc, nhất là những ở công trường đìu hiu, xa vợ con vạn dặm… Thế là muôn hình vạn trạng kiểu đánh bài ăn tiền và cách nấu rượu, kể cả rượu “siêu tốc” đã xuất hiện ở xứ hàng ngàn đời nay tuyệt nhiên không có những thứ mà dân ở đây gọi là “rác rưởi của tâm hồn” ấy, bởi đây là quê hương của đạo Hồi, nơi áp dụng đạo luật Sharia (Luật Hồi giáo), xử trảm bất cứ ai dính đến rượu chè, cờ bạc, hút xách.

Chưa hết, họ không chỉ nấu rượu để dùng, rồi bán trong nội bộ mà còn… mở rộng ra bán cho các nhóm lao động nước ngoài khác trong vùng, thậm chí còn đến cả những nơi xa tít chỉ vì mùi tanh của đồng tiền. Chuyện vỡ lở, tòa được mở, và chúng tôi đã đôi ba lần được nhờ đi can thiệp, chỉ biết ngồi cắm tăm chịu trận thay các đồng hương.

Nói về sự hà khắc đến kinh người của luật Sharia, lại nhớ ngày chân ướt, chân ráo tới xứ Arập, tôi không thể tin được khi đọc dòng tin trên báo, nói rằng hôm sau ở quảng trường trung tâm thành phố sẽ có cuộc “thi hành án” bằng cách tháo hai đốt ngón tay của kẻ lấy cắp một chiếc đài bán dẫn, giá chừng 30USD lúc bấy giờ.

Vâng, ở những nơi còn áp dụng bộ luật trên là thế, tùy giá trị của vật dụng kẻ đạo chích nẫng được, tòa sẽ phán tháo từng đốt ngón tay, bàn tay, thậm chí cả hai bàn tay, vì một lẽ rất đơn giản là với người Hồi giáo, chỉ được dùng cái của mình, túng thiếu thì xin, đói thì đi ăn bố thí, không bị ai xem thường, khinh miệt, nhưng nếu lấy của người khác làm của mình thì… mất tay.

Tiếc cho nhiều người nước ngoài khi mới tới đây, không hiểu nguyên tắc sống của người bản địa, cứ nghĩ ở đâu cũng như… quê nhà, đã thò tay vào sạp hàng, vào túi người khác, thậm chí cạy cả cửa siêu thị. Vì vậy, họ bị buộc phải “hồi hương” là đương nhiên,  mà  đó là còn may mắn không bị áp dụng luật Sharia như dân bản xứ.

Ở Trung Đông, người đàn ông có “giá” đặc biệt, kể từ gia đình đến xã hội, chỗ nào ý kiến của họ cũng mang tính quyết định, từ chuyện giải quyết mọi eo xèo giữa 4 bà vợ, đến những việc ngoài xã hội, nơi công sở, trên công trường.

Vì vậy, một khi ông đốc” đã nói, thợ thuyền nhất nhất phải làm theo, cho dù mệnh lệnh ấy rất vô lý, tốn kém, hay thiếu khoa học. Nhưng khổ nỗi, nhiều vị lao động người nước ngoài cứ tranh luận, thậm chí cãi nhau tay đôi với chủ như… cãi với đồng nghiệp ở bên nhà, rồi chỉ một chút không vừa ý là đỏ mặt, tía tai, đá chỗ nọ, đạp chỗ kia, thậm chí còn giơ cả nắm đấm với chủ để đòi… công lý và quyền bình đẳng (?!), hèn gì phải nhận vé về nước sớm, hoặc chí ít cũng bị cắt lương, bớt thưởng, để rồi lại… đấu tranh tiếp, và cuối cùng chuyện gì phải đến, đã đến. Thế nên, có đơn vị, chỉ sau mấy tháng “quân số” đã mất đi non nửa.

Luật Lao động của nhiều nước Arập quy định mọi cuộc đình công dứt khoát phải được phép của chủ sử dụng lao động, và cũng không được đình công quá 10 ngày, thế nhưng không ít lao động nước ngoài đến làm việc ở đây không hề biết tới quy định trên, vô tư bỏ việc, tuyệt thực (ở bếp ăn tập thể, còn trong phòng riêng… ma biết), và cứ nhằm đêm khuya khoắt, lấy xoong chảo gõ inh ỏi để… đòi tăng lương.

Một trong những vụ điển hình thuộc dạng này là vụ đình công của hơn 200 lao động do các Công ty Cổ phần Da giày Việt Nam và Công ty Cổ phần Than Việt Nam đưa sang Jordan, làm việc cho Công ty may mặc W&D Apparel Corp.

Điều rất đáng nói ở đây là vì nhiều lý do, trong đó có việc nhiều doanh nghiệp chuẩn bị quá sơ sài, từ văn hóa ứng xử, pháp luật địa phương, đến nếp sống công nghiệp cho người lao động trước khi gửi họ ra nước ngoài. Những điều này gây rất nhiều phiền toái, đến mức các cơ quan chức năng của chính phủ phải vào cuộc, tốn kém biết bao tiền của, công sức, và cả những thứ không thể quy ra tiền bạc được, trong đó có vụ trên.

Vẫn chưa hết, không phải người nước ngoài nào, nhất là những ai thuộc các tôn giáo khác, khi đến đây cũng biết được rằng phụ nữ xứ này chỉ thuộc quyền “sở hữu” duy nhất của một người (chồng), và họ không được phép đụng chạm da thịt, kể cả cái bắt tay, hay đưa mắt tới bất cứ người đàn ông nào khác ngoài chồng mình.

Vì thế, muốn tránh phiền toái, mỗi khi ra đường, hay ở chốn đông người, xin cánh mày râu chớ nhìn ngắm, xuýt xoa vì cô này đẹp, bà kia xinh, hay khi đến thăm nhà người địa phương, cũng đừng quen nếp sống bên nhà, cứ vô tư hỏi “bà nhà đâu?”, ắt sẽ bị coi là người ít… nhiều thứ, và chắc chắn không bao giờ được mời quay lại.

Và nữa, với tuyệt đại đa số người Arập, đạo Hồi là tất cả, là cái gì đấy rất thiêng liêng, cao cả, không ai được phép đụng chạm tới, bởi vậy người nước ngoài đến đây, muốn được sống bình yên, được tôn trọng, dứt khoát phải sống, làm việc và quan hệ xã hội theo quan niệm ấy.

Liên quan tới tôn giáo, có nhiều thói quen hay cách suy nghĩ của người địa phương thường làm người xứ khác rất khó chịu, song xin chớ phản ứng, vì đấy là… ý Thánh. Thí dụ, họ có thể dừng xe giữa đường, xuống ôm hôn nhau vì… lâu lắm mới gặp lại, hay bệnh nhân đã lên bàn mổ, nhưng bác sĩ cầm dao còn… nói nốt câu chuyện với ai đó chừng nửa tiếng cũng là rất bình thường, ta vẫn phải… nằm im. Đấy là chưa kể những cuộc hẹn hò, kể cả để thương thảo, ký kết hợp đồng làm ăn, cũng rất… trên trời, hẹn sáng thì đêm mới tới, hẹn mai thì chí ít cũng phải bốn, năm ngày sau, thậm chí… không bao giờ. Tuy vậy, cái gì rồi cũng thành quen, với chúng tôi, ở xứ này mà không như thế mới là lạ, để rồi, mỗi khi xa đây lại thấy… nhơ nhớ.
Bốn tiêu chuẩn để lọt qua vòng sơ tuyển: Có chai tay, không chơi bài, không xăm mình và không thích rượu bia.
Phạm Phú Phúc (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục